Nghị định 98/22020/NĐ-CP (Nghị định 98) của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15-10 tới đây về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì hoạt động buôn bán hàng "xách tay" sẽ bị xử phạt nặng.
Nghị định 98/22020/NĐ-CP (Nghị định 98) của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15-10 tới đây về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì hoạt động buôn bán hàng “xách tay” sẽ bị xử phạt nặng. Thông tin này thời gian qua đã làm cho những người hoạt động trong lĩnh vực buôn bán hàng xách tay hết sức hoang mang.
Cụ thể, theo Nghị định 98, hàng nhập lậu gồm: hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hàng nhập khẩu không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan. Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo... cũng được xếp vào diện hàng lậu.
Khi bị xác định kinh doanh hàng lậu, cá nhân sẽ bị phạt 500 ngàn đồng đến 50 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa. Trong đó, mức phạt cao nhất là 50 triệu đồng được áp dụng với hành vi buôn lậu hàng có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Thậm chí, bán hàng hóa nhập lậu thuộc hàng cấm, hàng thực phẩm, thuốc và sản phẩm chữa bệnh... gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng, có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Những mức phạt nói trên có thể nói là nặng so với các quy định hiện hành hiện nay, song nhìn một cách khách quan, điều đó là cần thiết để chấn chỉnh lại thị trường. Muốn hướng đến môi trường kinh doanh minh bạch, các sản phẩm hàng hóa lưu thông phải rõ ràng và người cung ứng phải chịu trách nhiệm đối với người tiêu dùng. Trên thực tế, tâm lý của người tiêu dùng thích dùng hàng ngoại giá rẻ, hàng xách tay bởi quan niệm đây là sản phẩm chất lượng cao, chính hãng, giá “mềm” do không phải chịu thuế. Điều này đã làm cho việc buôn bán hàng “xách tay” nở rộ trên các mạng xã hội, gây khó khăn cho việc thiết lập sự ổn định, minh bạch của thị trường. Các sản phẩm này người tiêu dùng thường khó kiểm tra được nguồn gốc, xuất xứ, thẩm định chất lượng... Do đó, khi mua hàng “xách tay” đồng nghĩa với việc người tiêu dùng bước vào một thỏa thuận giao dịch khá bất lợi và mang tính may rủi.
Thay đổi thói quen của người tiêu dùng là rất khó khăn nhưng cũng rất cần thiết để góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh. Mà để làm được điều đó, trước hết cần tạo môi trường pháp lý, điều kiện kinh doanh vừa minh bạch, vừa thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp trong nước và có chế tài thích hợp để họ có trách nhiệm với khách hàng, công việc kinh doanh của mình.
Văn Gia