Báo Đồng Nai điện tử
En

Xu hướng mới trong đầu tư của Nhật Bản

10:09, 28/09/2020

Khi đại dịch Covid-19 trên thế giới lắng xuống, Nhật Bản dự tính sẽ thay đổi xu hướng đầu tư ra nước ngoài. Mới đây, Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại TP.HCM để hiểu rõ hơn về tình hình đầu tư của Nhật Bản tới đây.

Khi đại dịch Covid-19 trên thế giới lắng xuống, Nhật Bản dự tính sẽ thay đổi xu hướng đầu tư ra nước ngoài. Mới đây, Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại TP.HCM để hiểu rõ hơn về tình hình đầu tư của Nhật Bản tới đây.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM Okada Hideyuki
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM Okada Hideyuki

Hiện Nhật Bản đã đầu tư vào tỉnh hơn 270 dự án với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 4,8 tỷ USD, xếp thứ ba trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh. Các DN Nhật Bản chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp như: sản xuất máy móc thiết bị và phụ tùng, điện tử và linh kiện...

* Dịch chuyển sản xuất về Việt Nam

* Có nhiều thông tin cho rằng sau đại dịch Covid-19, các DN Nhật Bản sẽ thay đổi xu hướng đầu tư ra nước ngoài, ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

- Theo tôi, không chỉ riêng Nhật Bản mà nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác cũng dự kiến sẽ có những thay đổi trong việc đầu tư ra nước ngoài. Các tập đoàn, DN sẽ phân tán chuỗi sản xuất, cung ứng, không để tập trung quá nhiều vào một vài quốc gia. Như vậy, DN sẽ tránh được rủi ro khi xảy ra dịch bệnh, thiên tai. Hiện nay, chuỗi cung ứng toàn cầu đang tập trung nhiều ở Trung Quốc nên các tập đoàn đã bàn bạc sẽ “dời” bớt nguồn vốn đầu tư sang các nước thuộc khối ASEAN.

Trong đó, Việt Nam là quốc gia được DN Nhật Bản chọn lựa nhiều nhất vì hội tụ đầy đủ những yếu tố cần thiết cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng Nai là tỉnh được các DN Nhật Bản, nước ngoài khác rất chú ý.

* Thưa ông, Việt Nam có những lợi thế gì để hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản?

- Đại dịch Covid-19 xảy ra, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng trên thế giới về việc phòng và chống dịch bệnh. Việt Nam đã khống chế rất tốt dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng, đồng thời Chính phủ kịp thời có những chính sách hỗ trợ DN duy trì sản xuất, kinh doanh và vượt qua những khó khăn, khôi phục lại sản xuất.

Theo Sở Công thương, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của tỉnh (sau Hoa Kỳ), chiếm gần 12% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong 8 tháng của năm 2020, các doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản trên 1,55 tỷ USD. Những mặt hàng Đồng Nai xuất khẩu nhiều vào Nhật Bản là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; hàng dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải; giày dép.

Các DN Nhật Bản đánh giá rất cao về việc này và tôi nghĩ tới đây khi đại dịch Covid-19 lắng xuống sẽ có làn sóng đầu tư của Nhật Bản và nhiều nước vào Việt Nam. Bởi trong lựa chọn dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, các tập đoàn đa quốc gia cho rằng, Việt Nam là điểm đến khá hấp dẫn.

Ngoài phòng, chống tốt dịch bệnh Covid-19, Việt Nam còn là nơi có chính trị ổn định, chính sách được cải thiện theo hướng tích cực có lợi cho DN. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những nước tham gia vào hội nhập sâu thế giới khá nhanh với 13 hiệp định thương mại đã được ký kết và có hiệu lực. Những hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết đều phủ sóng các thị trường lớn trên thế giới.

* Có thể Đồng Nai sẽ đón làn sóng mới

* Thưa ông, khi dịch chuyển sản xuất về Việt Nam thì những tỉnh, thành nào được DN Nhật Bản chú ý nhất?

- Tôi có trao đổi với nhiều DN và họ cho biết, Đồng Nai là nơi được quan tâm nhất, vì trong tương lai đây sẽ là đầu mối giao thông phát triển hiện đại nhất khu vực phía Nam. Tỉnh là một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp lớn nhất cả nước, DN Nhật Bản đầu tư vào tỉnh khá thành công nên đầu tư vào Đồng Nai có thể kết nối cung ứng sản phẩm cho nhau. Đồng Nai gần TP.HCM nên sẽ thuận lợi cho việc đào tạo, lựa chọn nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho sản xuất, kinh doanh.

Sản xuất tại Công ty TNHH Ajinomoto Việt Nam ở TP.Biên Hòa (doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản).
Sản xuất tại Công ty TNHH Ajinomoto Việt Nam ở TP.Biên Hòa (doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản). Ảnh: H.Giang

* Trong xu hướng đầu tư mới, những lĩnh vực nào ở Đồng Nai sẽ được DN Nhật Bản lựa chọn?

- Từ cuối năm nay hoặc đầu năm sau, khi dịch bệnh lắng xuống, các đường bay quốc tế hoạt động trở lại, DN Nhật Bản sẽ bắt đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư một cách mạnh mẽ. Đồng Nai là nơi được DN Nhật Bản lựa chọn đầu tư nhiều vào lĩnh vực công nghiệp. Cụ thể là các lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các ngành chế tạo máy móc, điện tử, chế biến sâu... Điều đặc biệt trong xu hướng đầu tư mới của DN Nhật Bản là đa phần có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và sử dụng ít lao động.

* Theo ông, Đồng Nai nên chuẩn bị những gì để tới đây đón được làn sóng đầu tư của DN Nhật Bản nhiều hơn?

- Hiện nay, đất đai trong các khu công nghiệp của Đồng Nai còn rất ít, những DN Nhật Bản muốn tìm diện tích đất lớn rất khó khăn. Do đó, tỉnh nên nhanh chóng mở rộng hoặc đầu tư mới các khu công nghiệp để đón các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, về  giao thông nên mở rộng một số tuyến đường có lưu lượng xe cộ qua lại đông đúc hay bị kẹt xe, hoàn thiện hệ thống kết nối giao thông.

Khoảng 4-5 năm trở lại đây, các DN Nhật Bản đã tăng đầu tư vào tỉnh, nhưng tới đây sẽ có làn sóng mạnh mẽ hơn, nếu có sẵn các điều kiện cần và đủ, Đồng Nai đón được nhiều DN lớn có công nghệ hiện đại của Nhật Bản đến đặt nhà máy sản xuất và chuyển giao dần công nghệ cho lao động và quản lý người Việt.

* Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

 

Tin xem nhiều