Trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 của Đồng Nai được Chính phủ phê duyệt thì tỉnh được chuyển đổi gần 1,6 ngàn ha các loại đất sang đất thương mại dịch vụ. Mục tiêu là để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho nhiều người dân trên địa bàn tỉnh.
Trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 của Đồng Nai được Chính phủ phê duyệt thì tỉnh được chuyển đổi gần 1,6 ngàn ha các loại đất sang đất thương mại dịch vụ. Mục tiêu là để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho nhiều người dân trên địa bàn tỉnh.
Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc kiểm tra hoạt động thương mại tại Siêu thị Big C Đồng Nai. Ảnh:K. Minh |
Dự tính đến cuối năm 2020, trên toàn tỉnh sẽ có 2.650 ha đất dùng cho nhu cầu phát triển hơn 100 dự án thương mại dịch vụ gồm: chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, cửa hàng kinh doanh... Những địa phương chuyển đổi sang đất thương mại dịch vụ nhiều là TP.Biên Hòa cùng các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Tân Phú, Trảng Bom.
* Góp phần cho tăng trưởng kinh tế
Thương mại dịch vụ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần tăng doanh thu từ bán lẻ hàng hóa, dịch vụ. Đây cũng là lĩnh vực nhiều năm qua Đồng Nai luôn giữ được mức tăng trưởng cao. Cụ thể, năm 2016, doanh thu bán lẻ đạt 136 ngàn tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước đó; năm 2017 đạt 150,36 ngàn tỷ đồng, tăng 12,3%... Dự kiến năm 2020, doanh thu sẽ đạt 192 ngàn tỷ đồng và mức tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 10%/năm.
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, 8 tháng của năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh đạt hơn 120,7 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, năm 2020, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ có thể tăng trưởng chậm lại là do dịch bệnh Covid-19. |
Thương mại dịch vụ là lĩnh vực lâu nay tỉnh tập trung phát triển nhằm tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động và đóng góp cho phát triển của xã hội. Trong thương mại dịch vụ, ngành thương nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất (tính trên tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ toàn tỉnh) với 75%, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao thứ hai với tỷ lệ khoảng 15%. Đứng thứ ba là ngành khách sạn, nhà hàng chiếm 8% và ngành du lịch lữ hành chỉ chiếm tỷ trọng 0,1%.
Trong cuộc họp về kinh tế - xã hội của tỉnh mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: “Đồng Nai là cửa ngõ giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, rất thuận lợi cho phát triển thương mại dịch vụ. Do đó, tỉnh tập trung mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào mảng thương mại dịch vụ, đặc biệt là mảng du lịch vì Đồng Nai còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác”.
Những địa bàn được xác định có thể phát triển tốt thương mại dịch vụ là những khu vực đông dân cư, công nghiệp phát triển, đô thị hóa nhanh như: TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch. Thương mại dịch vụ là lĩnh vực giữ được mức tăng trưởng cao, ổn định trong nhiều năm và Đồng Nai vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển lĩnh vực này tốt hơn nữa.
Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương cho hay: “Lĩnh vực thương mại được tỉnh rất quan tâm phát triển. Hằng năm, tỉnh đều tổ chức các đợt xúc tiến thương mại tại thị trường nội địa, ra nước ngoài để mở rộng đầu ra cho các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp. Kết quả mức tăng trưởng thương mại dịch vụ hầu như đều đạt mức hơn 10%/năm. Tuy nhiên, năm 2020 do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên tăng trưởng lĩnh vực này có thể thấp hơn dự kiến. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển thương mại dịch vụ”.
Trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch sử dụng đất của những năm tới, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng ưu tiên quy hoạch đất cho lĩnh vực thương mại dịch vụ để mời gọi đầu tư.
* Tăng tốc trong giai đoạn tới
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai sẽ “tăng tốc” trong phát triển thương mại dịch vụ, công nghiệp. Vì trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng hoàn thành, đưa vào khai thác như: đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, cảng hàng không quốc tế Long Thành... Bên cạnh đó, nhiều khu công nghiệp được mở rộng, xây dựng mới cũng góp phần giúp cho thương mại dịch vụ phát triển.
Trung tâm thương mại, siêu thị được nhiều địa phương trong tỉnh gọi đầu tư. |
Ông Huỳnh Tấn Thìn, Phó bí thư Huyện ủy, Quyền Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ chia sẻ: “Trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn tới, huyện sẽ ưu tiên cho phát triển thương mại dịch vụ. Đồng thời, huyện cũng đề nghị tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng mới và mở rộng nhiều tuyến đường kết nối với giao thông vùng, tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ”.
Hiện nay, một số quy hoạch ngành đã được loại bỏ, thủ tục hồ sơ đầu tư lĩnh vực thương mại dịch vụ cũng từng bước được đơn giản, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân trong việc xin cấp phép đầu tư vào lĩnh vực trên. Đây sẽ là cú hích quan trọng giúp thu hút đầu tư vào thương mại dịch vụ của tỉnh tốt hơn. Thời gian qua, các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đã đến Đồng Nai tìm hiểu môi trường để đầu tư vào thương mại dịch vụ.
Ông Hardy Diec, Giám đốc điều hành khu vực Đông Dương Tập đoàn FedEx Express cho hay: “Tập đoàn rất muốn đầu tư vào lĩnh vực logistics tại khu vực cảng hàng không quốc tế Long Thành, vì sau này đây sẽ là sân bay lớn của khu vực. Lượng hàng hóa luân chuyển rất nhiều nên cơ hội cho phát triển lĩnh vực dịch vụ rất lớn”.
Dự tính trong giai đoạn tới, Đồng Nai sẽ quy hoạch hàng ngàn ha đất cho phát triển thương mại dịch vụ. Đây là một phương án đi trước đón đầu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào thương mại dịch vụ.
Khánh Minh