Ứng dụng vào thực tiễn, thương mại hóa các sản phẩm từ công tác nghiên cứu là mục đích cao nhất của những người làm nghiên cứu khoa học - công nghệ (KH-CN)...
Ứng dụng vào thực tiễn, thương mại hóa các sản phẩm từ công tác nghiên cứu là mục đích cao nhất của những người làm nghiên cứu khoa học - công nghệ (KH-CN). Tại Đồng Nai, ngày càng có nhiều nghiên cứu theo hướng ứng dụng vào thực tế, tuy nhiên để thương mại hóa thành các sản phẩm cung cấp ra thị trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Các sản phẩm từ nấm bạch kim hương được phát hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên rất có tiềm năng để thương mại hóa. Ảnh:B. Nguyên |
Cùng với những nỗ lực của các nhóm tác giả, nhà đầu tư, Sở KH-CN đang tìm cách hỗ trợ để sản phẩm nghiên cứu sớm được thương mại hóa, đặc biệt là những đề tài dựa trên lợi thế sẵn có của địa phương.
* Tiềm năng thương mại hóa từ các đề tài nghiên cứu
Đề tài Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi trồng nấm thực phẩm bạch kim hương phát hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên đã được bàn giao cho Vườn quốc gia Cát Tiên trong thời gian qua. Bước đầu các sản phẩm từ nấm bạch kim hương đã được thương mại hóa với các sản phẩm khá đa dạng như: trà nấm, nấm sấy khô, nấm thái lát, nấm bạch kim hương tươi...
Để có thể thương mại hóa được kết quả nghiên cứu ngay sau khi hoàn tất, nhóm thực hiện của ThS Phạm Ngọc Dương đã thực hiện nghiên cứu quy trình công nghệ nuôi trồng nấm bạch kim hương chặt chẽ, từ việc tuyển lựa các chủng nấm tự nhiên; chọn môi trường nhân giống và nuôi trồng phù hợp; nghiên cứu các điều kiện độ ẩm, ánh sáng trong giai đoạn tưới đón nấm và hình thành quả thể; khả năng nuôi trồng trên các loại giá thể khác nhau... Hoàn tất quá trình này, nhóm nghiên cứu đề tài đã thuần hóa và tuyển chọn dòng thành công chủng giống thương mại. Điểm ưu của chủng giống thương mại mà nhóm nghiên cứu thực hiện được có khoảng nhiệt độ nuôi trồng đến 36oC trong khi các chủng giống khác trên thị trường chỉ chịu nhiệt từ 30-33oC. Chính đặc điểm này đã giúp giảm chi phí đầu tư cho quá trình thương mại hóa sản phẩm nấm khi không phải đầu tư hệ thống điều hòa nhiệt độ trong điều kiện khí hậu tại Đồng Nai mà vẫn đảm bảo quá trình sinh trưởng và phát triển của nấm.
Nhóm nghiên cứu đã bước đầu thương mại hóa kết quả nghiên cứu với quy mô ban đầu từ 2-5 ngàn bịch nấm và bắt đầu đi vào sản xuất hàng loạt từ giữa năm 2020. ThS Phạm Ngọc Dương cho biết, trung bình mỗi ngày thu hoạch trên dưới 30kg nấm, với giá bán tại vườn là 90 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, nhóm cũng thử nghiệm với các dòng sản phẩm khác như nấm sấy khô, trà nấm...
Tương tự, đề tài nghiên cứu về cây mật nhân do TS Nguyễn Hoàng Hảo, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai làm chủ nhiệm vừa được Sở KH-CN nghiệm thu kết quả sau 2 năm thực hiện. Đề tài đã xây dựng thành công quy trình gieo tạo cây mật nhân bằng phương pháp hữu tính và vô tính, ươm tạo thành công hơn 2.500 cây con mật nhân để cung cấp cây giống cho người dân trên địa bàn.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã phỏng vấn 32 hộ dân, từ đó có giải pháp hỗ trợ về kỹ thuật cũng như kinh phí để thực hiện các mô hình trồng cây mật nhân tăng thêm thu nhập. Trước khi đề tài nghiên cứu được nghiệm thu, thời gian qua, Khu Bảo tồn đã phát triển một số sản phẩm liên quan đến mật nhân. Trong đó, rượu mật nhân được thị trường đón nhận khá tích cực. Theo TS Nguyễn Hoàng Hảo, sau khi hoàn tất nghiệm thu và được bàn giao kết quả, đơn vị thực hiện sẽ phối hợp để nhân rộng mô hình, đẩy mạnh thương mại hóa nguồn cây giống mật nhân cũng như nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm từ dòng cây quý này.
* Hỗ trợ thương mại hóa các đề tài
Sở KH-CN cũng vừa nghiệm thu, bàn giao kết quả đề tài nghiên cứu về xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho nấm mèo Long Khánh. Đề tài do Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ AGL (TP.HCM) thực hiện; PGS-TS Phạm Xuân Đà làm chủ nhiệm.
Khảo sát, nghiệm thu đề tài nghiên cứu về cây mật nhân. Ảnh:V. Gia |
Nhóm thực hiện đã xây dựng và bàn giao cho UBND và Hội Nông dân TP.Long Khánh bản đồ vùng địa lý mang nhãn hiệu tập thể Nấm mèo Long Khánh, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể Nấm mèo Long Khánh; các quy trình về sản xuất, bảo quản nấm mèo, hệ thống nhận diện thương hiệu Nấm mèo Long Khánh, 500 sổ tay quản lý, website quảng bá và 2 ngàn tem nhãn hiệu..., đồng thời tổ chức hội thảo về xác định chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể Nấm mèo Long Khánh.
Trong năm 2020, Sở tiếp tục triển khai một số đề tài nghiên cứu mà sau khi nghiệm thu, sản phẩm của đề tài có khả năng thương mại hóa cao như: Nghiên cứu công nghệ sản xuất ván sàn composite bằng phế phụ phẩm sau chế biến gỗ; Nghiên cứu xử lý rác thải nhựa làm nguyên liệu phối trộn bê tông trong xây dựng thân thiện với môi trường; Nghiên cứu xây dựng mô hình xác định sản lượng năng lượng mặt trời và chế tạo hệ thống giám sát, phát hiện, chẩn đoán lỗi dàn pin quang điện dựa trên nền tảng IoT...
Để các đề tài nghiên cứu thực sự đi vào thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho cuộc sống, Sở KH-CN đã tổ chức tuyển chọn kỹ từ khi lập hồ sơ, thủ tục, thuyết minh đề tài. Nhờ đó, đã có nhiều đề tài nghiên cứu sau nghiệm thu, bàn giao có các sản phẩm thương mại hóa.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở KH-CN, việc chuyển đổi kết quả nghiên cứu thành những sản phẩm có thể thương mại hóa luôn là bài toán khó, đã có một số kết quả nghiên cứu không áp dụng được trong thực tiễn. Do vậy, Sở khuyến khích và sẽ nỗ lực hỗ trợ các đơn vị, tác giả thực hiện các công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, nhất là những nghiên cứu dựa trên lợi thế sẵn có của địa phương, để tiếp tục mở rộng và thương mại hóa sản phẩm sau khi đã được nghiệm thu.
Văn Gia