Từ ngày 24 đến 27-9, tại TP.HCM, Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2020 được tổ chức, tạo cơ hội giao thương, bán hàng cho các doanh nghiệp (DN) khắp cả nước vào thị trường đông dân nhất.
Từ ngày 24 đến 27-9, tại TP.HCM, Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2020 được tổ chức, tạo cơ hội giao thương, bán hàng cho các doanh nghiệp (DN) khắp cả nước vào thị trường đông dân nhất.
Khách hàng tham quan tại gian hàng sản phẩm Đồng Nai trong chương trình kết nối cung - cầu. Ảnh: V.Gia |
Với riêng Đồng Nai, sau 8 năm hợp tác, cơ hội giao thương, bán hàng giữa hai địa phương ngày càng rộng mở, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, việc đẩy mạnh bán hàng nội địa lại càng đóng vai trò cấp thiết hơn bao giờ hết.
* Quy tụ nhiều DN tham gia
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, song sự kiện lần này quy tụ đến 1 ngàn DN đến từ 41 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó có 597 nhà cung ứng, giới thiệu trực tiếp đến nhà phân phối và người tiêu dùng gần 2 ngàn mặt hàng đặc sản, trưng bày tại 500 gian hàng. Riêng gian hàng chung của Đồng Nai có 15 đơn vị tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm vừa đạt tiêu chí sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh.
Theo UBND TP.HCM, chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố với các địa phương có quy mô ngày càng mở rộng, hàng hóa ngày càng phong phú. Từ năm 2012 đến nay, thông qua sự kiện này đã có 3.193 hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết với giá trị thực hiện ước đạt bình quân 4.500 tỷ đồng/năm. Kết nối cung cầu hàng hóa đã trở thành sự kiện quan trọng, giải pháp thiết thực để triển khai hiệu quả chương trình hợp tác, khẳng định thương hiệu, tạo được sức lan tỏa lớn đến các địa phương.
So với trước đây, năm nay Ban tổ chức đã bổ sung thêm 2 khu vực với 14 văn phòng giao dịch cho 14 đơn vị gồm: 10 hệ thống phân phối lớn nhất TPHCM, 1 đơn vị phân phối của An Giang, 1 đơn vị logistics và 2 đơn vị xuất nhập khẩu. Các DN cung ứng sẽ tiếp cận, đàm phán chi tiết, giao dịch trực tiếp để kết nối cung ứng - tiêu thụ hàng hóa của nhau.
Trong khuôn khổ chương trình, lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM và các tỉnh, thành cũng ký kết Chương trình hợp tác thương mại giai đoạn 2021-2025 nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thị trường, tìm hiểu tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, mặt hàng, thế mạnh của các địa phương.
“TP.HCM và các tỉnh, thành hàng năm đều có chương trình kết nối, tiêu thụ hàng hoá. Thông qua kết nối, lợi thế của mỗi địa phương đã được phát huy tối đa, trong đó TP.HCM có thế mạnh về sản xuất, chế biến; các địa phương có thế mạnh về kinh nghiệm nuôi trồng nông sản, tiềm năng về nguồn nguyên liệu, đặc sản địa phương. Chương trình góp phần nâng cao hiệu quả mở rộng mạng lưới phân phối gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động cũng như thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường ngay tại các địa phương” - ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND
TP.HCM khẳng định.
* Cơ hội cho các sản phẩm OCOP của Đồng Nai
Tiềm năng cho việc sản xuất chế biến các mặt hàng từ nông sản, thực phẩm của Đồng Nai là rất lớn. Theo Sở Công thương, sản lượng heo thịt của tỉnh tiêu thụ bình quân trên 220 ngàn tấn/năm, trong đó 20% tiêu thụ trong tỉnh, 50% cung cấp cho TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Tổng đàn gia cầm 28,6 triệu con, trong đó tổng đàn gà 26,9 triệu con. Sản lượng thịt gà tiêu thụ bình quân 70 ngàn tấn/năm, hơn 60% trong số đó cung cấp cho thị trường TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Đồng Nai cũng là địa phương có nhiều mặt hàng nông sản khác như: chuối, mít sấy, ca cao, thanh long, sản phẩm từ sen...
Đặc biệt, nhiều đơn vị của Đồng Nai có sản phẩm OCOP đang nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ và TP.HCM là địa bàn trọng điểm được ưu tiên.
Bà Phạm Thị Bích Hà, đại diện Công ty TNHH Thương mại và sản xuất thực phẩm Sơn Lâm, công ty có sản phẩm cà phê Halo68 đạt chứng nhận OCOP của tỉnh cho biết, sản phẩm chính của công ty là các loại cà phê rang xay, cà phê hòa tan. Sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc và Mỹ với công suất 1 ngàn tấn/năm. DN này mong muốn tiếp cận các kênh phân phối trong nước, nhất là các siêu thị, hệ thống trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi để mở rộng thị phần, nâng cao sức cạnh tranh ở thị trường nội địa. “Chúng tôi đang có chiến lược mở rộng thị trường nội địa để nâng cao thương hiệu, hình ảnh của công ty. TP.HCM là thị trường lớn nhất Việt Nam, thông qua việc trưng bày hàng hóa tại một sự kiện lớn với sự tham dự lên tới cả ngàn DN là cơ hội lớn để đẩy mạnh việc kết nối, bán hàng trong nội địa” - bà Phạm Thị Bích Hà cho hay.
Tương tự, bà Lê Tường Linh, Giám đốc phát triển thị trường HTX An Hòa Hưng với sản phẩm cao an xoa An Hòa đang tạo chú ý trên thị trường thời gian qua cho rằng, kết nối cung - cầu hàng hóa với TP.HCM là điều kiện để thương hiệu được nhận diện rộng hơn đối với đối tác và người tiêu dùng. Kể từ sau khi tham gia lần đầu tiên năm 2019, các dòng sản phẩm của An Hòa Hưng cũng được tiêu thụ mạnh hơn tại khu vực cũng như trong cả nước.
Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, giao thương với các địa phương trong nước là giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa của các DN. Với TP.HCM, sự hợp tác giữa hai bên từ nhiều năm qua rất chặt chẽ, tạo cơ hội bán hàng vào thị trường tiêu thụ đông dân nhất cả nước.
Cũng theo ông Lê Văn Lộc, ngoài việc trực tiếp bán hàng cho người tiêu dùng thành phố thì hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại của Đồng Nai có các thương hiệu lớn như: Big C, Co.opmart, MM Mega Market, Lotte, điện máy Chợ Lớn, Nguyễn Kim... góp phần tạo thêm sự sôi động của thị trường. Các DN có trụ sở tại TP.HCM khi đầu tư vào tỉnh rất được địa phương quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh.
Văn Gia