Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành Cao su tìm đường vượt khó

11:09, 04/09/2020

Đối mặt với tình trạng giảm sút lao động, những năm qua Tổng công ty Cao su Đồng Nai phải thực hiện nhiều giải pháp từ tuyển dụng, đến sắp xếp lại các đơn vị, đưa máy móc vào khai thác...

Đối mặt với tình trạng giảm sút lao động, nhất là lao động trực tiếp trong khai thác, sơ chế mủ cao su, những năm vừa qua Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai (Tổng công ty Cao su Đồng Nai) đã phải thực hiện nhiều giải pháp từ tuyển dụng bổ sung, sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc đến áp dụng máy móc vào khai thác…

Giữ chân người lao động là nhiệm vụ quan trọng của ngành Cao su Trong ảnh: Công nhân chế biến mủ tại Nhà máy Xuân Lập
Giữ chân người lao động là nhiệm vụ quan trọng của ngành Cao su. Trong ảnh: Công nhân chế biến mủ tại Nhà máy Xuân Lập

Bên cạnh đó, ngành Cao su đang trong lộ trình chuyển hướng phát triển, tập trung vào những lĩnh vực có thế mạnh, đã được cho phép thực hiện như: dịch vụ hỗ trợ cho sản xuất, chế biến; hạ tầng khu công nghiệp, đô thị…nhằm tạo sức hút, giữ vị thế của ngành.

* Nỗi lo thiếu lao động

Theo lãnh đạo Tổng công ty Cao su Đồng Nai, những năm qua, lực lượng lao động trong ngành ngày càng giảm sút. Một mặt, do diện tích, cơ cấu vườn cây khai thác thu hẹp, mặt khác là do sự phát triển nhanh chóng của các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nên sự cạnh tranh thu hút lao động tăng lên, nhất là đối với lực lượng công nhân làm công tác cạo mủ.

Lao động của toàn tổng công ty bình quân hằng năm là 5.400 người, riêng đối với lao động khai thác mủ đến hết năm 2019 còn hơn 2,6 ngàn người, giảm hơn 1 ngàn người so với thời kỳ đông nhất. Năm 2020, theo kế hoạch kinh doanh, số lượng lao động cạo mủ cao su cần gần 2,8 ngàn người. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động cạo mủ cao su tiếp tục diễn ra.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Cao su Đồng Nai cho hay đơn vị đang phải tìm kiếm nguồn lao động cạo mủ cao su từ các địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh và các tỉnh, thành khác để bù đắp vào số lượng lao động thiếu hụt.

“Lao động khai thác mủ có một số lớn tuổi nên một vài năm nữa cũng phải ngừng làm việc, nguồn lao động cung cấp, thay thế ngày càng khan hiếm do sự cạnh tranh thu hút lại cao. Năm 2020, chúng tôi đã tuyển dụng, đưa vào phân bổ cho các nông trường 250 lao động từ các tỉnh, thành khó khăn, địa phương miền núi để bổ sung vào lực lượng thiếu hụt. Đây là nguồn bổ sung cực kỳ quan trọng về lâu dài” - ông Đỗ Minh Tuấn cho hay.

Cũng theo ông Đỗ Minh Tuấn, hoạt động của ngành Cao su còn phải phù hợp với tình hình phát triển thực tế kinh tế, xã hội của tỉnh cũng như cả nước, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, định hướng phát triển chung những năm tới nên chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh. Do đó, dự báo tình hình lao động của ngành sẽ còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có cạnh tranh, thu hút lao động với các DN, nhà máy trong các khu công nghiệp.

* Chuyển hướng phát triển

Để đối phó tình trạng thiếu lao động diễn ra ngày càng trầm trọng, Tổng công ty Cao su Đồng Nai đã tìm cách thực hiện nhiều giải pháp, khắc phục khó khăn. Ngoài việc tăng cường tuyển dụng lao động thuộc địa bàn các tỉnh vùng sâu, vùng xa về bổ sung vào số lượng công nhân bị sụt giảm thì điều quan trọng là phải chăm lo tốt đời sống, nâng mức thu nhập để giữ chân người lao động. 5 năm qua, lương bình quân của người lao động ngày càng tăng lên, trong đó năm 2019 đạt 9,5 triệu đồng/người, tăng 1,5 lần so với năm 2015. Đời sống của công nhân lao động được đảm bảo sẽ giúp cho ngành Cao su giữ gìn được đội ngũ công nhân đã có truyền thống gắn bó với ngành.

Cùng với việc chăm lo, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người lao động thì Tổng công ty Cao su Đồng Nai sẽ tiến hành thí điểm và nhân rộng mô hình cạo mủ cao su bằng máy. Hiện Tổng công ty đã kiến nghị với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cho phép triển khai thí điểm mô hình cạo mủ cao su bằng máy trên những lô cao su nhỏ trong vườn cao su của doanh nghiệp.

Song song đó, Tổng công ty Cao su Đồng Nai tiến hành cân đối lại nguồn lao động, sắp xếp lại các đơn vị, tổ chức, sáp nhập các công ty con, nông trường, đơn vị trực thuộc để nâng cao hiệu quả sản xuất. Thực hiện bộ máy quản lý 3 cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phấn đấu giảm lao động khối gián tiếp từ 14,5% xuống còn dưới 9% để sắp xếp, điều chuyển lượng lao động một cách phù hợp.

“Đầu năm 2020, Nông trường Cao su An Lộc sáp nhập với Nông trường Cao su Dầu Giây để nâng cao hiệu quả sản xuất, quản lý lao động. Hiện toàn bộ Nông trường Cao su An Lộc có 359 lao động từ quản lý đến công nhân, chúng tôi xác định việc giữ chân người lao động là mục tiêu sống còn để có thể thực hiện được các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh” - Giám đốc Nông trường Cao su An Lộc Lê Phú Thịnh khẳng định.

Phù hợp với xu thế phát triển chung, những năm tới, diện tích khai thác cao su của đơn vị chắc chắn sẽ có sự sụt giảm mạnh. Do đó, thời gian qua Cao su Đồng Nai đang phấn đấu hướng tới đơn vị sản xuất đa ngành nghề. Theo đó, trong 5 ngành nghề chính sẽ giảm tỉ trọng đóng góp của khai thác, sơ chế mủ cao su chỉ còn khoảng 40-50% tổng giá trị, cùng với đó là nâng dần tỷ lệ đóng góp của các lĩnh vực như: chế biến gỗ, dịch vụ bất động sản khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.

Đặc biệt, hướng phát triển được chú trọng trong thời gian tới là dịch vụ hạ tầng khu công nghiệp. Từ năm 2020, tổng công ty sẽ triển khai mở rộng 500ha đối với Khu công nghiệp Long Khánh
(TP.Long Khánh) và 70ha đối với khu công nghiệp Dầu Giây (H.Thống Nhất). Dự kiến đến năm 2025, Tổng công ty Cao su Đồng Nai sẽ chuyển đổi 2 ngàn ha đất cao su sang đầu tư Khu công nghiệp, một lĩnh vực có doanh thu, lợi nhuận tốt.

“Việc điều chỉnh cơ cấu sản xuất, kinh doanh, tăng đầu tư vào các dự án này là phù hợp với yêu cầu phát triển mới và được sự chấp thuận của tỉnh cũng như ngành Cao su. Đây cũng là giải pháp để nâng cao hình ảnh, thương hiệu mà Tổng công ty Cao su Đồng Nai có được” - Tổng giám đốc Tổng công ty Cao su Đồng Nai Đỗ Minh Tuấn cho biết thêm.

Văn Gia

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích