Báo Đồng Nai điện tử
En

Một số khu vực, người dân vẫn "khát" nước sạch

04:09, 16/09/2020

Một số khu vực ở đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng "khát" nước sạch sinh hoạt. Nguyên nhân là do những nơi này chưa được đầu tư hệ thống đường ống nước sạch hoặc đã được đầu tư công trình cấp nước sạch tập trung, giếng khoan nhưng xuống cấp, hư hỏng.

Một số khu vực ở đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng “khát” nước sạch sinh hoạt. Nguyên nhân là do những nơi này chưa được đầu tư hệ thống đường ống nước sạch hoặc đã được đầu tư công trình cấp nước sạch tập trung, giếng khoan nhưng xuống cấp, hư hỏng. Một số khu vực có công trình nhưng không đủ nước ngầm để khai thác. Số khác có dự án, có công trình nhưng triển khai chậm.

Ông Trần Quốc Diện (ấp 5, xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) hứng nước mưa sử dụng vì công trình cấp nước tập trung của xã đã ngưng hoạt động
Ông Trần Quốc Diện (ấp 5, xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) hứng nước mưa sử dụng vì công trình cấp nước tập trung của xã đã ngưng hoạt động. Ảnh:H. Lộc

Mong mỏi chung của người dân là có nước sạch để sử dụng thường xuyên.

* Gần đô thị vẫn thiếu nước

Nằm sát TT.Trảng Bom, sát Khu công nghiệp Bàu Xéo, thế nhưng, hàng ngàn hộ dân thuộc các ấp 1, 2, 3, 4, 5 và 6 xã Sông Trầu (H.Trảng Bom) đang hằng ngày mua nước đóng bình hoặc xin nước giếng khoan ở nơi khác về dùng. Người dân đã kiến nghị nhiều lần, đến nhiều cơ quan, nhưng hiện tại, công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn xã gần như “đóng cửa”, xe cấp nước của Trung tâm Dịch vụ hạ tầng công ích huyện thì... không thấy đâu.

Theo Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh có 81 công trình cấp nước sạch đang hoạt động, công suất thiết kế hơn 42,4 ngàn m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho khoảng 406,7 ngàn người, nhưng công suất thực tế hiện nay chỉ khoảng 24 ngàn m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho khoảng 216,7 ngàn người. Hiệu quả thực tế so với thiết kế là 56%.

Ông Trần Quốc Diện (ấp 5, xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) phản ảnh, nguồn nước tại khu vực này bị nhiễm phèn và đá vôi nặng. Năm 2008, tỉnh đầu tư một công trình cấp nước tập trung trên địa bàn xã để người dân sử dụng. Khoảng 4 năm gần đây, công trình xuống cấp, hệ thống lọc hư hỏng, 2/4 giếng khoan đã cạn nên chỉ đủ nước cung cấp cho một số ít hộ dân. Trước bức xúc của người dân, khoảng tháng 4-2020, Trung tâm Dịch vụ hạ tầng công ích bố trí xe bồn chở nước về các nhà văn hóa ấp cho người dân sử dụng với mức giá hơn 12,5 ngàn đồng/m3 nước, nhưng chỉ được hơn 2 tháng thì ngưng hẳn. Hiện tại, các hộ gia đình phải hứng nước mưa, xin nước từ các hộ có giếng khoan để tắm rửa và mua nước đóng bình để ăn uống, rất tốn kém.

Được nâng cấp từ xã lên phường từ hơn 1 trước, đến nay, phần lớn các hộ dân ở P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) vẫn sử dụng nước giếng khoan. Điều đáng nói, bao quanh xã đều là các khu công nghiệp, các thao trường quân sự, mỏ khai thác khoáng sản, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước cao. Người dân đã được lấy ý kiến nhiều lần và đa phần tán đồng đóng góp tiền để có nước sạch sử dụng nhưng vẫn phải chờ.

Ông Nguyễn Văn Tưởng (KP.Long Đức 1, P.Tam Phước) chia sẻ, người dân nơi đây không hề “lăn tăn” về giá nước hay về chi phí đầu tư đường ống. Mọi người chỉ mong sớm có nước sạch để sử dụng, để khỏi mang tiếng là ở thành phố, đô thị loại 1 mà vẫn chưa có nước sạch để dùng.

Xã An Phước (H.Long Thành) nằm ngay cạnh quốc lộ 51, nơi có tuyến đường ống nước sạch đô thị đi qua, nhưng nhiều năm qua, các hộ dân ở đây vẫn chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt mùa khô. Ông Phạm Nguyễn Hồ Vũ, Phó chủ tịch UBND xã An Phước cho rằng, khoảng 60-70% hộ dân trên địa bàn xã đang sử dụng giếng khoan. Mùa khô một số giếng cạn nước. Các hộ dân rất muốn Nhà nước, chủ đầu tư hỗ trợ một phần chi phí để đưa đường ống nước sạch từ công trình cấp nước sạch đô thị về nông thôn.

* Tháo gỡ khó khăn

Bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND H.Trảng Bom cho rằng, trên địa bàn xã có nhiều công trình cấp nước tập trung xã đã xuống cấp, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, trong đó nặng nhất là công trình ở xã Sông Trầu. Huyện đã kiến nghị và được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn vướng thủ tục hồ sơ. Nay huyện tiếp tục kiến nghị tỉnh giao sửa chữa, nâng cấp hệ thống nước sạch tập trung xã Sông Trầu về Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư để sớm có nước sạch cho người dân.

Công trình cấp nước sạch tập trung ở xã Sông Trầu (H.Trảng Bom) đang chờ nâng cấp, sửa chữa để phục vụ nhân dân
Công trình cấp nước sạch tập trung ở xã Sông Trầu (H.Trảng Bom) đang chờ nâng cấp, sửa chữa để phục vụ nhân dân. Ảnh:H. Lộc

“Xã có 6/8 ấp đang thiếu nước nghiêm trọng đều nằm sát bên thị trấn, mật độ dân cư dày, rất tiện lợi nếu đấu nối đường ống nước sạch đô thị về xã. Đây có lẽ là giải pháp phù hợp vì nguồn nước trên địa bàn xã ô nhiễm, các giếng khoan có độ sâu trung bình 70-100m vẫn cạn nước vào mùa khô” - Chủ tịch UBND xã Sông Trầu Nguyễn Văn Dũng thông tin thêm.

Theo Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh có 81 công trình nước sạch nông thôn đang hoạt động nhưng hiệu quả thực tế chỉ đạt hơn 50%. Nguyên nhân phần lớn các công trình nước sạch nông thôn được xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ chương trình 134, 135, quy mô công suất nhỏ. Hầu hết các công trình đều xây dựng từ trước năm 2010, sau khi hoàn thành bàn giao về cho địa phương quản lý, thu không đủ chi, không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên đã hư hỏng, xuống cấp, một số ngưng hoạt động. Nhiều công trình nước sạch nông thôn bị chậm tiến độ do phải chuyển từ đầu tư xã hội hóa sang sử dụng vốn ngân sách, thay đổi quy mô công suất. 

Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, hiện nhiều địa phương đang xin chủ trương cải tạo, nâng cấp, xây mới công trình nước sạch nông thôn. Phần lớn đều là công trình, dự án bức thiết.

Ông Hà cho rằng, để giải quyết bài toán nước sạch cho người dân, các địa phương cần quan tâm khai thác nguồn nước từ các hồ chứa trên địa bàn để giảm khai thác nước ngầm; chuyển giao quyền quản lý công trình cung cấp nước sạch tập trung về HTX để phát huy hiệu quả. Cùng với đó, các địa phương chủ động bố trí ngân sách và kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa; lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia vào đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sạch. Kết nối, mở rộng mạng lưới cấp nước từ đô thị sang khu vực nông thôn để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT cần hệ thống lại hiện trạng, tính hiệu quả của từng công trình, dự án vì có thể có những công trình xây mới sẽ hiệu quả hơn nâng cấp, sửa chữa. Tuyên truyền để người dân sử dụng nước sạch vì có nhu cầu nhiều mới có nhà đầu tư, rút ngắn thời gian thu hồi vốn.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều