Công nghiệp cơ khí, chế tạo được xác định là một trong những ngành chủ lực của nền kinh tế trong suốt các năm qua. Đối với Đồng Nai, công nghiệp cơ khí, chế tạo có tiềm năng lớn để phát triển, tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp (DN) nội tỉnh chưa phát huy được...
Công nghiệp cơ khí, chế tạo được xác định là một trong những ngành chủ lực của nền kinh tế trong suốt các năm qua. Đối với Đồng Nai, công nghiệp cơ khí, chế tạo có tiềm năng lớn để phát triển, tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp (DN) nội tỉnh quy mô, nguồn lực còn hạn chế, chịu sự cạnh tranh gay gắt với các DN nước ngoài nên chưa phát huy được hết tiềm năng.
Thiếu vốn đầu tư công nghệ và mặt bằng sản xuất là vấn đề mà hầu hết các doanh nghiệp ngành cơ khí đang gặp phải. Ảnh:V. Gia |
Để giải quyết các khó khăn, cộng đồng DN cần chính sách mạnh hơn từ địa phương để giúp ngành tiếp tục phát triển, vận dụng được lợi thế, tiến tới cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm từ DN nước ngoài.
* DN cần tiếp sức để “lớn lên”
Lựa chọn lĩnh vực công nghiệp cơ khí hỗ trợ, sản xuất các loại phễu rung, máy cấp phôi tự động để cung cấp cho các DN làm hàng sản xuất, anh Ngô Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) bước đầu có những thành công nhất định. Mặc dù là DN nhỏ nhưng các sản phẩm của công ty này nghiên cứu chế tạo đều mang tính ứng dụng cao và được nhiều công ty trong khu công nghiệp tìm hiểu để hợp tác, đặt hàng.
Mặc dù bước đầu khá thành công song thực tế, DN của anh Bình cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó mặt bằng sản xuất là yếu tố số 1. Việc tìm kiếm được mặt bằng phù hợp là điều rất “khổ sở” đối với DN này bởi lẽ đã phải vài lần thay đổi xưởng sản xuất do không chủ động được địa điểm và không đủ nguồn lực đầu tư lớn hơn so với năng lực hiện có.
Tương tự, có quy mô lớn hơn là Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng đóng tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Ông Phan Văn Tứ, Giám đốc công ty chia sẻ, trong suốt hơn 10 năm khởi nghiệp, do nguồn vốn đầu tư hạn hẹp nên ông thường xuyên phải “bóc ngắn cắn dài” để tồn tại và phát triển.
Cũng chính thiếu vốn dẫn tới việc đầu tư cho công nghệ bị hạn chế nên kéo theo việc DN bỏ lỡ các cơ hội hợp tác. Bởi nếu có vốn đầu tư công nghệ mới, chất lượng sản phẩm chuẩn hơn và vấn đề chăm lo cho người lao động cũng ổn định hơn. Những yếu tố này khi các đối tác nước ngoài tham quan dây chuyền sản xuất sẽ đánh giá cao về năng lực DN từ đó lựa chọn hợp tác.
Ngoài ra, sự cạnh tranh từ các sản phẩm cơ khí, chế tạo của DN Trung Quốc cũng ngày càng gay gắt. Trong khi các DN Việt Nam hầu hết đều ở quy mô nhỏ và vừa thì các “đối thủ” đến từ Trung Quốc có rất nhiều lợi thế. Do có nguồn tài nguyên tốt, nguyên liệu ổn định, lại có mối liên kết rộng nên sản phẩm đúc của DN Trung Quốc giá thành khá rẻ. Chưa kể, chi phí sản xuất của DN Việt cao hơn, do đó giá thành sản phẩm tăng đáng kể.
Những khó khăn nói trên của các DN là điều mà cơ quan quản lý nhà nước cần tính toán tới để tiếp sức cho sự phát triển của ngành sản xuất mũi nhọn này. Dưới góc độ tổ chức tập hợp các DN nhỏ và vừa, ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai nhận định, đã đến lúc phải cởi bỏ các áp lực để các DN nhỏ, DN tư nhân phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Theo đó, xây dựng chính sách hỗ trợ mới cho DN nhỏ và vừa cần được triển khai sớm hơn, giúp cộng đồng DN có được lợi thế và từ đó lớn lên.
* Tìm phương án hỗ trợ DN
Để cấp thiết phát triển, nâng tầm DN ngành cơ khí nội địa trên địa bàn tỉnh, thời gian qua cũng đã có những chính sách hỗ trợ được lồng ghép xây dựng. Riêng trong năm 2020, Sở Công thương đang tiến hành khảo sát các DN ngành cơ khí, chế tạo. Việc khảo sát tình hình sản xuất, quy mô, định hướng phát triển, các tác động do khó khăn của dịch Covid-19... sẽ là cơ sở để xây dựng các giải pháp hỗ trợ phát triển trong năm 2020 và thời gian tới.
Các DN lĩnh vực chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp, ô tô, thiết bị công trình công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí sẽ được khảo sát để thu thập thông tin, đánh giá hiện trạng công nghệ của các DN. Trên cơ sở đó, triển khai chính sách ưu đãi, chiến lược phát triển ngành công nghiệp cơ khí cho các DN. Đồng thời, Sở cũng xây dựng báo cáo tổng hợp và các báo cáo chuyên đề, cập nhật thông tin của các DN cơ khí trên trang thông tin điện tử của Sở để cộng đồng DN có thêm kênh thông tin, hợp tác với nhau một cách rộng rãi hơn.
Theo Sở Công thương, phát triển ngành cơ khí Đồng Nai mà trọng tâm là cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ khí ô tô, thiết bị công trình công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí là nhiệm vụ quan trọng. Các giải pháp hỗ trợ sẽ giúp DN nâng cao năng lực sản xuất, tạo cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất của các DN nước ngoài thông qua các hoạt động ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, kết nối đầu ra cho sản phẩm.
Song song với việc khảo sát các DN ngành cơ khí để có giải pháp hỗ trợ riêng thì đề án hỗ trợ DN vừa và nhỏ của tỉnh, trong đó nhấn mạnh đến hỗ trợ cho DN lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng đang được tiến hành. Trong khi đó, cơ khí, chế tạo là một trong những ngành công nghiệp hỗ trợ cốt lõi mà tỉnh đang khuyến khích phát triển.
Theo bà Nguyễn Hoàng Quyên, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương), hiện Sở đang phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, các địa phương thống kê lại diện tích đất còn trống tại các khu công nghiệp, diện tích đất kinh doanh nhà xưởng cho thuê có sẵn. Qua đó, xây dựng sổ tay chuyên đề về công nghiệp hỗ trợ. Đây là kênh thông tin hữu hiệu để các DN nắm bắt và đăng ký thụ hưởng các gói chính sách theo quy định của tỉnh.
Văn Gia