Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2020 đầy biến động do đại dịch Covid-19, Đồng Nai cũng gặp nhiều khó khăn chung. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các cấp, các ngành toàn tỉnh đang nỗ lực để khắc phục khó khăn, cùng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong sản xuất, kinh doanh.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2020 đầy biến động do đại dịch Covid-19, Đồng Nai cũng gặp nhiều khó khăn chung. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các cấp, các ngành toàn tỉnh đang nỗ lực để khắc phục khó khăn, cùng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong sản xuất, kinh doanh.
Siêu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong ảnh: Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai. Ảnh: T.L |
Cho đến hiện tại, Đồng Nai vẫn chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2020 và coi đó là động lực phấn đấu để tạo ra sức bật hội nhập mạnh mẽ với quốc tế.
* Khắc phục khó khăn, giữ vững mục tiêu tăng trưởng
Mặc dù chịu tác động chung của dịch Covid-19 song tình hình tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai vẫn ở mức khá so với các địa phương trong khu vực và cả nước. Đó là tiền đề để Đồng Nai đặt mục tiêu giữ vững quyết tâm tăng trưởng GRDP năm 2020 đạt từ 8-9%.
Phát biểu tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về khắc phục khó khăn, đẩy mạnh đầu tư công vào cuối tháng 5, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng khẳng định Đồng Nai không thay đổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Đồng Nai xây dựng 3 kịch bản để tính toán tăng trưởng kinh tế có thể xảy ra dưới tác động của dịch Covid-19 nhưng quyết định cuối cùng là giữ nguyên, không thay đổi các chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.
Về công tác phòng, chống dịch, Đồng Nai thực hiện rất nghiêm túc. Là tỉnh có nhiều DN nước ngoài, đi kèm theo đó là số lượng đông đảo các chuyên gia, đồng thời lại là địa phương cửa ngõ của cả khu vực miền Nam nên Đồng Nai phải rất cẩn trọng trong công tác phòng, chống dịch. Các cam kết này của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và khi làm việc với UBND tỉnh vào tháng 7, Thủ tướng giao Đồng Nai phải giải ngân được 95% nguồn vốn đầu tư công đối với các dự án của tỉnh. Theo Thủ tướng, đây là một thách thức rất lớn nên Đồng Nai phải tập trung mọi
nguồn lực và quyết tâm cao để thực hiện.
Để có thể thực hiện các cam kết trên, Đồng Nai đã rất nỗ lực. Tại Kế hoạch số 9019 ngày 3-8, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác hỗ trợ DN, tháo gỡ ngay các điểm nghẽn, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra để DN có điều kiện hồi phục sản xuất. Cùng với hỗ trợ DN là thực hiện đồng bộ giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, việc hỗ trợ này phải công khai, minh bạch, đúng đối tượng và không để trục lợi chính sách. Đồng Nai cũng đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tỉnh 1 ngàn tỷ đồng để giúp cân đối ngân sách phục vụ công tác hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch.
Đối với đầu tư công, năm 2020, tổng vốn là gần 25 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là hơn 7,5 ngàn tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí hơn 17 ngàn tỷ đồng (chủ yếu bố trí dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay quốc tế Long Thành). Bên cạnh sân bay Long Thành, một dự án hạ tầng khác nữa là Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng đang được quyết liệt tập trung thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Cam kết thực hiện giải ngân 95% tổng nguồn vốn đầu tư được coi là nhiệm vụ rất nặng nề nhưng là lực đẩy để có thể giữ vững và thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng chung của cả tỉnh. Nỗ lực hoàn thành kế hoạch năm 2020 cũng là tiền đề để xây dựng chương trình phát triển “dài hơi” cho các giai đoạn tiếp theo.
* Tham gia sâu vào “sân chơi” kinh tế quốc tế
Song song với công tác giải quyết khó khăn, trợ giúp DN trong sản xuất, kinh doanh cũng như đẩy mạnh đầu tư công thì đây cũng là thời điểm đặc biệt quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng Nai những năm qua luôn ở trong tốp đầu thu hút đầu tư và xuất, nhập khẩu của cả nước. Việc Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương thế hệ mới (các FTA) đã mang lại cơ hội hội nhập, tham gia ngày càng sâu hơn vào sân chơi kinh tế quốc tế.
Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8-2020 được coi là hiệp định thương mại quan trọng mà Việt Nam đã từng ký kết, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho tăng trưởng ngay trong thời điểm dịch bệnh đang hoành hành trên thế giới. Với Đồng Nai, tỉnh đang xuất khẩu nhiều mặt hàng dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị và linh kiện, nông sản vào thị trường Liên minh châu âu (EU). Trong đó, mới chỉ tập trung vào các thị trường lớn, còn các nước khác tuy có giao thương nhưng kim ngạch không nhiều. EVFTA sẽ là cơ hội để DN Đồng Nai mở rộng giao thương với các nước còn lại trong khối EU một cách mạnh mẽ hơn.
Theo ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan, lồng ghép, từng bước triển khai các nội dung của hiệp định qua các chương trình, hội nghị để phổ biến hiệp định tới cộng đồng DN. Đồng thời, bám sát chương trình, kế hoạch của Bộ Công thương, liên kết website, trang thông tin điện tử của Bộ để cung cấp các thông tin cần thiết về xuất xứ hàng hóa, hàng rào kỹ thuật, pháp lý… giúp DN có thể tận dụng được ưu thế một cách sớm nhất.
Hiện các DN trên địa bàn tỉnh có hợp tác, làm ăn với các thị trường trọng điểm châu Âu cũng đang được khảo sát, nắm bắt thông tin để có giải pháp hỗ trợ thiết thực. Theo đó, xây dựng dữ liệu DN Việt Nam để giới thiệu với các đối tác châu Âu, hỗ trợ tham gia đoàn DN đi khảo sát thị trường, học tập kinh nghiệm và hỗ trợ thông tin pháp lý, các chính sách liên quan…
Văn Gia