Báo Đồng Nai điện tử
En

Giá đất nông nghiệp ở nhiều nơi vẫn 'nóng'

04:09, 21/09/2020

Hiện nay, thị trường bất động sản tại các tỉnh, thành phía Nam khá trầm lắng. Tuy nhiên, tại Đồng Nai giá đất nông nghiệp ở hầu hết các địa phương vẫn 'nóng'.

Hiện nay, thị trường bất động sản tại các tỉnh, thành phía Nam khá trầm lắng. Đất nền dự án, căn hộ chung cư và các loại đất khác có lượng giao dịch giảm, giá cũng giảm nhẹ so với trước. Tuy nhiên, tại Đồng Nai giá đất nông nghiệp ở hầu hết các địa phương vẫn “nóng”.

Sau khi tuyến đường liên xã Long Giao - Bảo Bình (H.Cẩm Mỹ) được xây dựng, giá đất hai bên đường đã tăng gấp nhiều lần. Ảnh:H. Giang
Sau khi tuyến đường liên xã Long Giao - Bảo Bình (H.Cẩm Mỹ) được xây dựng, giá đất hai bên đường đã tăng gấp nhiều lần. Ảnh:H. Giang

Khảo sát thực tế cho thấy, giá đất nông nghiệp ở nhiều khu vực nông thôn trong tỉnh như: H.Cẩm Mỹ, H.Xuân Lộc, H.Thống Nhất, H.Định Quán, TP.Long Khánh... đã tăng gấp 2-10 lần so với cách đây 3 năm. Đặc biệt là những nơi có các tuyến đường giao thông lớn mới mở ra, đất nông nghiệp lên đến 10-20 tỷ đồng/ha.

* Hạ tầng giao thông “kéo” đất nông nghiệp tăng giá

Trong 3-4 năm qua, Đồng Nai có nhiều đầu tư mở rộng, xây mới nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh. Tại khu vực nông thôn, để hoàn thành chương trình nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, tỉnh, địa phương đã ưu tiên nguồn vốn thực hiện các công trình hạ tầng giao thông. Đây là một trong những giải pháp tạo đột phá trong phát triển kinh tế cho người dân nông thôn. Đường nhựa, bê tông đến tận nhà, vườn, cánh đồng, giúp nông dân vận chuyển nông sản thuận lợi, giá bán cao. Khi những tuyến đường liên huyện, xã, ấp được mở ra, giá đất nông nghiệp cũng theo đó tăng cao.

Địa phương đã, đang và sắp thực hiện nhiều dự án về giao thông là các huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành, Vĩnh Cửu, Tân Phú và TP.Biên Hòa. Đơn cử, H.Nhơn Trạch có 35 dự án về giao thông với diện tích cần để thực hiện là hơn 1,1 ngàn ha; H.Trảng Bom 29 dự án giao thông có diện tích 348ha.

Ông Lê Văn Thăng (xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ) kể: “Từ khi tuyến đường Long Giao - Bảo Bình mở ra, giá đất nông nghiệp ở những khu vực gần đường lớn đã tăng gấp 10 lần so với cách đây 3 năm. Lúc trước, giá đất ở khu vực này chỉ 600-800 triệu đồng/ha hiện đã lên 8-10 tỷ đồng/ha. Có những nơi mặt tiền đường lớn, đông dân cư sinh sống, đất nông nghiệp lên đến 20 tỷ đồng/ha”.

Tại Xuân Lộc, từ khi tuyến đường kết nối với H.Định Quán, Cẩm Mỹ, các tuyến đường liên xã được mở rộng giá đất nông nghiệp tại các xã tăng cao ngất ngưởng. Đơn cử, 3 năm trước, giá đất nông nghiệp xã Xuân Bắc (H.Xuân Lộc) chỉ dao động từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha, song hiện đã tăng lên 8-10 tỷ đồng/ha. Tương tự, khảo sát ở các huyện Định Quán, Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Tân Phú và TP.Long Khánh, đất nông nghiệp cũng có giá rất cao.

Bà Nguyễn Thị Linh, người dân ở xã Bảo Quang (TP.Long Khánh) nói: “Từ khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, các tuyến đường được rải nhựa, bê tông vào tận nhà, giá rẫy đất nông nghiệp cứ tăng dần. Tăng cao nhất từ năm 2018 đến nay, có những khu vực giáp đường lớn người dân bán 2-3 tỷ đồng/sào (1 sào = 1 ngàn m2).  Người mua thường  từ TP.HCM và nơi khác đến”.

Hiện nay, giá đất tại nhiều tỉnh, thành đã hạ nhiệt, nhưng ở Đồng Nai riêng đất nông nghiệp tại các địa phương vẫn giữ nguyên và có xu hướng tăng khi có những công trình hạ tầng giao thông được làm mới hoặc nâng cấp, mở rộng. Tuy nhiên, người mua để sản xuất không nhiều, chủ yếu là đầu cơ đợi giá lên để bán lại kiếm lời.

* Là nơi thu hút nhiều nhà đầu tư

Theo các chuyên gia kinh tế, trong những năm tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục là nơi được nhiều nhà đầu tư chú ý tìm cơ hội đầu tư vào bất động sản nhà ở, công nghiệp, thương mại dịch vụ, nghỉ dưỡng. Tới đây, nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn được khởi công, rút ngắn khoảng cách giữa Đồng Nai với TP.HCM và các tỉnh khác sẽ giúp đất đai của tỉnh có giá trị cao hơn. Hiện đất thổ cư tại Đồng Nai không nhiều và giá đã tương đối cao nên đất nông nghiệp được nhiều nhà đầu tư chọn lựa để “lướt sóng”. Ở khu vực H.Long Thành, H.Nhơn Trạch và TP.Biên Hòa, giá đất cuối năm 2019 đã tăng đỉnh điểm, hiện giá đất tại đây giữ nguyên hoặc giảm nhẹ, ít nhà đầu tư mua bán.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam nhận định: “Hiện tại cũng như trong giai đoạn 5 năm tới, Đồng Nai sẽ là nơi được các doanh nghiệp, cá nhân chọn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Vừa qua, CLB có đợt khảo sát đất đai ở nhiều tỉnh, thành phía Nam thì Đồng Nai được đánh giá là khu vực đất “vàng” để đầu tư bất động sản”.

Cũng theo ông Bảo, từ TP.HCM về Đồng Nai chỉ khoảng 30 phút đến 1 giờ, tới đây các tuyến đường cao tốc xây dựng, tỉnh sẽ là khu trung tâm đi các tỉnh, thành khác ở phía Nam và thời gian rút ngắn 3-4 lần. Bên cạnh đó, so với TP.HCM, đất đai ở Đồng Nai còn khá rẻ và nhiều rất thuận lợi để đầu tư vào bất động sản cho công nghiệp, dịch vụ, logistics, nghỉ dưỡng...

Trong kế hoạch sử dụng đất năm 2020, Đồng Nai sẽ triển khai 253 dự án hạ tầng giao thông. Trong đó, có những tuyến đường nâng cấp mở rộng, có tuyến đường làm mới thuộc cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã, ấp. Các tuyến đường đầu tư tạo cơ hội cho phát triển kinh tế của địa phương, đồng thời làm cho đất nông nghiệp ở khu vực nông thôn “nóng” lên.

Hương Giang

Tin xem nhiều