Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Nha Trang - Sài Gòn: Thúc tiến độ giải phóng mặt bằng

10:09, 25/09/2020

Bộ GT-VT đã đề nghị Đồng Nai phối hợp, đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng đoạn qua địa bàn tỉnh để phục vụ dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (đường sắt Nha Trang - Sài Gòn).

Bộ GT-VT đã đề nghị Đồng Nai phối hợp, đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng đoạn qua địa bàn tỉnh để phục vụ dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (đường sắt Nha Trang - Sài Gòn).

Dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn là một trong 14 dự án giao thông quan trọng cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thông qua. Ảnh: Q.Nhi
Dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn là một trong 14 dự án giao thông quan trọng cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thông qua. Ảnh: Q.Nhi

* Áp lực thời gian thi công

Dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn là một trong 14 dự án giao thông quan trọng cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thông qua phương án sử dụng 15 ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Về phạm vi triển khai, dự án được thực hiện trong khu đoạn Nha Trang - Sài Gòn với chiều dài hơn 411km qua địa phận các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai. Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có chiều dài 68,9km.

Trong khu vực thực hiện dự án có 19 trường hợp đủ tiêu chuẩn để bố trí tái định cư, trong đó có 12 trường hợp trên địa bàn H.Xuân Lộc và 7 trường hợp trên địa bàn H.Trảng Bom. Theo UBND các địa phương, hiện nay đã có sẵn các vị trí đất tái định cư để bố trí cho các trường hợp này.

Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, đây là dự án sử dụng nguồn vốn cấp bách và thời gian thi công cũng khá ngắn. Cụ thể, đối với các gói thầu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai dự kiến sẽ được khởi công trong tháng 10 tới. Thời gian hoàn thành thi công chỉ trong vòng 1 năm. Do thời gian thực hiện dự án khá hạn hẹp nên nhu cầu về mặt bằng đối với dự án rất cấp bách. “Thời gian thực hiện dự án ngắn nhưng thi công đường sắt thì lại làm rất lâu do vừa làm vừa phải đảm bảo chạy tàu. Chính vì vậy, Bộ GT-VT đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác giải phóng mặt bằng” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GT-VT), chủ đầu tư dự án, theo dự kiến khởi công các gói thầu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong tháng 10 tới thì quỹ thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cũng đã rất gấp rút.

Để phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng, hiện nay, đơn vị đã chuyển cho các địa phương của tỉnh Đồng Nai số vốn 28 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay do các địa phương mới chuẩn bị thực hiện công tác kiểm đếm đất đai nên số vốn này chưa được giải ngân. Trong khi đó, theo kế hoạch, toàn bộ số vốn này phải được giải ngân trong năm 2020.

* Hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 11-2020

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn đi qua địa bàn 3 địa phương Trảng Bom, Xuân Lộc và Long Khánh. Tổng diện tích đất cần thu hồi để phục vụ thi công dự án là gần 5ha.

Đối với địa bàn TP.Long Khánh, do có diện tích đất thu hồi nhỏ, trong đó phần lớn diện tích đất lại là đất giao thông dành cho đường sắt và đất công nên công tác giải phóng mặt bằng được đánh giá là không gặp nhiều vướng mắc.

Trong khi đó, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án trên địa bàn 2 huyện Trảng Bom và Xuân Lộc hiện đang được thực hiện khá chậm.

Ông Lê Khắc Sơn, Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc cho biết, hiện nay địa phương đã thực hiện kiểm kê, thống kê tài sản được 39/66 hộ dân có đất bị thu hồi. Dự kiến, trong tháng 10 tới, huyện sẽ thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất, tiến hành niêm yết công khai phương án và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân. “Sau khi phê duyệt phương án bồi thường, H.Xuân Lộc sẽ thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân để cố gắng hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho dự án trong tháng 11-2020” - ông Lê Khắc Sơn nói.

Tương tự, ông Lê Hữu Đảng, Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom cho biết, hiện nay địa phương đang tiến hành thực hiện công tác kiểm đếm, thống kê nhà ở, tài sản gắn liền với đất, xác nhận và thẩm tra nguồn gốc đất của các hộ dân có đất bị thu hồi. “Theo dự kiến, trong tháng 11, H.Trảng Bom sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư” - ông Lê Hữu Đảng cho hay.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, dự án có diện tích đất thu hồi không lớn. Do đó, các địa phương cần tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư thi công dự án. Riêng đối với một số trường hợp có diện tích đất thu hồi nhỏ từ 1-2m trên địa bàn TP.Long Khánh, địa phương cần phối hợp với chủ đầu tư xem xét áp dụng các giải pháp kỹ thuật để hạn chế thu hồi đất. Bởi với diện tích đất cần thu hồi quá nhỏ, việc thực hiện các thủ tục kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.      

Quỳnh Nhi

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích