Định hướng phát triển công nghiệp của Đồng Nai là thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao để tăng thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp (DN) và tăng nguồn thu cho ngân sách của tỉnh...
Định hướng phát triển công nghiệp của Đồng Nai là hướng đến việc thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao. Mục đích là để thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp (DN) và tăng nguồn thu cho ngân sách của tỉnh. Năm 2020, dự tính chỉ số công nghiệp tăng 9%.
Công ty Ajinomoto Việt Nam có sản phẩm tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu khá tốt. Ảnh: U. Nhi |
Theo Sở Công thương, chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016- 2020 duy trì mức tăng trưởng khá và luôn đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, năm 2016 tăng 8,3%; năm 2017 tăng 8,7%; năm 2018 tăng 9,1%; năm 2019 tăng 8,8%. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng sản xuất công nghiệp của tỉnh.
* Vẫn còn “nặng” gia công
Đến nay, toàn tỉnh có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động thu hút gần 2 ngàn dự án trong nước và nước ngoài. Trong đó, hơn 80% hàng hóa sản xuất ra được đưa đi xuất khẩu qua hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ và gần 20% hàng hóa tiêu thụ trong nước. Trong đó, nhiều DN gia công cho các tập đoàn đa quốc gia, lĩnh vực đang gia công lớn là xơ sợi dệt, dệt may, giày dép, linh kiện điện tử, thiết bị máy móc...
Theo kế hoạch năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp ở Đồng Nai sẽ đạt 709 ngàn tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015 và tăng bình quân trên 8,5%/năm. Thế nhưng, năm nay ngành công nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nên khả năng mức tăng trưởng có thể thấp hơn dự kiến. |
DN chủ yếu gia công nên giá trị gia tăng của sản phẩm không cao, đồng nghĩa với lợi nhuận của DN thấp. Khoảng 2-3 năm gần đây, DN chuyển qua mua nguyên liệu trong nước để sản xuất, song nguyên liệu thô đầu vào vẫn phải nhập khẩu.
Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai cho biết: “Muốn công nghiệp phát triển nâng cao được giá trị gia tăng, Chính phủ có chính sách hấp dẫn thu hút đầu tư và phát triển nguyên liệu thô cung ứng cho DN công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, DN chú ý xây dựng thương hiệu, nghiên cứu ra các sản phẩm đa dạng, đặc sắc để tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu”.
Đơn cử, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2019 trên 630 ngàn tỷ đồng, nhưng đóng góp cho ngân sách gần 20 ngàn tỷ đồng.
Ông Trần Bá Tuấn, Quản lý sản xuất Công ty TNHH Daiwa Light Alloy Industry Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch) cho hay: “Công ty gia công các loại linh kiện máy móc, thiết bị theo đơn đặt hàng của các DN trong nước và Nhật Bản nên giá trị gia tăng chưa cao. Công ty đang đào tạo nguồn nhân lực để có thể nghiên cứu sản xuất ra các thiết bị máy móc mang thương hiệu riêng đi chào hàng sẽ bán giá cao hơn”.
Trong sản xuất công nghiệp của từng ngành hàng thường hình thành chuỗi và mỗi DN chỉ sản xuất một vài công đoạn của sản phẩm. Tuy nhiên, nếu mặt hàng đó hình thành chuỗi giá trị trong nước từ khâu nguyên liệu thô đến sản phẩm hoàn thành và xây dựng thương hiệu riêng để tiêu thụ trong nước, xuất khẩu sẽ có được giá trị gia tăng cao.
* Thương hiệu làm tăng giá trị sản phẩm
Những năm gần đây, các DN chú ý hơn đến việc xây dựng thương hiệu ở thị trường trong nước, nước ngoài để mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hàng loạt các DN trong khu công nghiệp Đồng Nai đã xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chiếm lĩnh được thị trường trong nước, nước ngoài như: Ajinomoto, Nescafé, đường Biên Hòa, bánh kẹo Bibica...
GS Hà Tôn Vinh, chuyên gia tư vấn cao cấp Hoa Kỳ chia sẻ: “Giải pháp chính để DN nâng được giá trị cho sản phẩm của mình là xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm mình sản xuất. Thương hiệu có uy tín và được nhiều người tiêu dùng biết đến sẽ giúp DN tăng lượng tiêu thụ. Nhiều tập đoàn trên thế giới chiếm lĩnh được thị trường ở các nước là nhờ tạo ra thương hiệu được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua sản phẩm”. GS Vinh còn cho biết thêm, một số thương hiệu túi xách nổi tiếng của thế giới có giá bán trên 10 ngàn USD/chiếc, trong đó, giá thành của sản phẩm chỉ chiếm 3-4% so với giá bán ra, còn lại 96-97% là giá trị của thương hiệu sản phẩm.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, tỉnh sẽ chú trọng chọn những dự án có giá trị gia tăng cao. Vì vậy, những dự án có tổng vốn đăng ký ít nhưng giá trị gia tăng cao tỉnh sẽ chọn, còn dự án có tổng vốn lớn, song giá trị gia tăng thấp sẽ từ chối. Để phát triển bền vững, DN xây dựng thương hiệu và phát triển thương hiệu ngày một lớn mạnh.
Uyển Nhi