Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩn trọng với hàng xách tay

11:09, 10/09/2020

Thời gian qua, đánh vào tâm lý của nhiều người tiêu dùng thích dùng hàng ngoại giá rẻ, xu hướng kinh doanh các mặt hàng xách tay từ nước ngoài về Việt Nam ngày càng mở rộng...

Thời gian qua, đánh vào tâm lý của nhiều người tiêu dùng thích dùng hàng ngoại giá rẻ, xu hướng kinh doanh các mặt hàng thời trang, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sữa… xách tay từ nước ngoài về Việt Nam ngày càng mở rộng qua nhiều hình thức, nhất là các kênh bán hàng trực tuyến, mạng xã hội.

Xu hướng kinh doanh hàng xách tay từ nước ngoài về Việt Nam ngày càng mở rộng qua những kênh  bán hàng trực tuyến, mạng xã hội. Ảnh minh họa: L.Phương
Xu hướng kinh doanh hàng xách tay từ nước ngoài về Việt Nam ngày càng mở rộng qua những kênh bán hàng trực tuyến, mạng xã hội. Ảnh minh họa: L.Phương

Hàng xách tay thường là những mặt hàng được sản xuất hoặc phân phối tại thị trường nước ngoài, được các cá nhân (người đi du lịch, công tác ở nước ngoài…) mua trực tiếp và mang về Việt Nam.

 *Nhiều rủi ro

Chị T.A., chủ một trang Facebook chuyên bán hàng xách tay ở TP.Biên Hòa chia sẻ, các sản phẩm của chị bán đều do những người đi nước ngoài trực tiếp xách về nên chất lượng nguồn hàng đảm bảo, cập nhật mới thường xuyên. Các mặt hàng xách tay thường rất phong phú, đa dạng từ hàng thời trang, mỹ phẩm, dụng cụ làm đẹp cho đến hàng tiêu dùng, thực phẩm, dược phẩm...

“Bán hàng xách tay online đã gần 6 năm, tôi nhận thấy nhu cầu dùng hàng ngoại của người tiêu dùng ngày càng tăng cao. Các mặt hàng xách tay được ưa chuộng vì rẻ hơn những loại hàng nhập chính hãng do giảm bớt các loại thuế, phí hoặc đôi khi có những mặt hàng độc - lạ mà thị trường trong nước không có” - chị T.A. cho biết.

Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường hàng xách tay còn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp. Các sản phẩm này thường là khó kiểm tra được nguồn gốc, xuất xứ, thẩm định chất lượng... Do đó, khi mua hàng xách tay đồng nghĩa với việc người tiêu dùng bước vào một thỏa thuận giao dịch khá bất lợi và mang tính may rủi. May thì được sản phẩm tốt, phù hợp; rủi thì gặp phải sản phẩm kém chất lượng hoặc nguy cơ hàng gian, hàng giả cao...

Chị Huyền Nhung (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) chia sẻ, với mong muốn làm đẹp, trẻ hóa da nên khi đọc các đánh giá, phản hồi tích cực từ những loại mỹ phẩm nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... mà thị trường Việt Nam chưa có, chị đã đặt hàng xách tay về dùng thử. Tuy nhiên, hầu hết các loại mỹ phẩm xách tay này đều có tem và hướng dẫn sử dụng bằng tiếng bản địa, rất khó để dùng khi không biết thành phần cụ thể, có phù hợp với cơ địa bản thân hay không.

“Mua hàng xách tay phải lựa những nơi bán hàng uy tín, đảm bảo để tránh nhập nhằng giữa hàng thật - giả. Có lần, chỉ vì ham rẻ tôi mua phải chai dầu gội của một nhãn hiệu nổi tiếng với giá bằng 1/3 giá niêm yết trên sàn thương mại điện tử, tuy nhiên chưa dùng hết nửa chai, sản phẩm đã đổi màu, bay mùi và không có hiệu quả như lời quảng cáo” - chị Nhung cho hay.

Ngoài ra, với nhóm hàng thời trang thì hàng xách tay phổ biến là những đợt mua hàng sales (giảm giá) của các thương hiệu nổi tiếng rồi về bán lại cho khách với giá rẻ. Lợi dụng điều này, có trường hợp người bán đã trà trộn cùng những loại hàng nhái, hàng kém chất lượng để bán cho khách dưới mác “hàng xách tay giảm giá”.

* Thêm quy định mới xử lý vi phạm

Cuối tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15-10-2020.

Nghị định này quy định hàng nhập lậu gồm hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hàng nhập khẩu không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan. Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo... cũng được xếp vào diện hàng lậu.

Do đó, bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo như quy định, không làm thủ tục hải quan... cũng bị xác định là hàng hóa nhập lậu. Theo đó, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500 ngàn đồng đến 50 triệu đồng, tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1-100 triệu đồng, tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu.

Đặc biệt, theo nghị định này, mức xử phạt sẽ tăng gấp đôi đối với các trường hợp vi phạm như: kinh doanh hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hàng nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế...

Ông Võ Văn Tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai cho biết, Cục sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, địa phương để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý những vi phạm về hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, nhất là đối với một số mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Trong đó, Cục sẽ thường xuyên cập nhật những quy định mới, tham gia các khóa tập huấn của Tổng cục Quản lý thị trường để xây dựng phương án kiểm tra, quản lý chuyên đề đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh hàng hóa xách tay trong thời gian tới.

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai cho biết, đối với những trường hợp người mua hàng qua mạng, nhất là các loại hàng hóa xách tay, người tiêu dùng có thể đánh cược với những rủi ro lớn, rất khó kiểm soát, kiểm tra chất lượng. Hiện nay, nhiều sản phẩm hàng hiệu, có giá trị ở nước ngoài thường có các mã code QR. Do đó, người tiêu dùng có thể kiểm tra các mã code này để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ khi mua các mặt hàng xách tay. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng nên chọn các đơn vị, đại lý cung cấp chính hãng để đảm bảo các quyền lợi về chính sách hậu mãi, bảo hành sản phẩm.

Lam Phương

Tin xem nhiều