Có hiệu lực đúng vào thời điểm cả thế giới đang phải "căng mình" đối phó với đại dịch Covid-19, Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) rất được thị trường xuất khẩu của Việt Nam chờ đợi.
Có hiệu lực đúng vào thời điểm cả thế giới đang phải “căng mình” đối phó với đại dịch Covid-19, Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) rất được thị trường xuất khẩu của Việt Nam chờ đợi.
Nhiều doanh nghiệp Việt đang mong chờ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA để gia tăng xuất khẩu. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty CP Giày dép cao su màu. Ảnh: Vương Văn Thế |
Ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, Chính phủ, các bộ, ngành đã tích cực triển khai chương trình, kế hoạch hành động của mình để không chậm chân và giúp doanh nghiệp (DN) tận dụng được lợi thế ngay từ đầu.
Tại Đồng Nai, thời gian qua, chính quyền địa phương, cộng đồng DN đã có những động thái tích cực bởi Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn và cũng là nhà đầu tư rất quan trọng trên địa bàn.
* Sớm triển khai nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Ngay sau khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, ngày 5-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chương trình hành động của Chính phủ thực thi EVFTA với 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu. Tiếp đó, ngày 6-8, Thủ tướng triệu tập cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để bàn về việc triển khai hiệp định trong thực tế.
Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, EVFTA sẽ góp phần giúp GDP tăng thêm bình quân lên đến 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, lên đến 5,3% cho 5 năm tiếp theo và lên đến 7,72% trong 5 năm sau đó. Trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19 phức tạp, Chính phủ yêu cầu các bộ, địa phương căn cứ vào kế hoạch chung để ban hành chương trình hành động của mình. Hiệp định đã có nhưng việc triển khai vào thực tế cần sự nỗ lực gấp nhiều lần và phải đặt lợi ích quốc gia lên cao nhất.
Là đơn vị được giao làm đầu mối điều phối triển khai Hiệp định EVFTA, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhận định, khác với việc triển khai các hiệp định thương mại trước đây, Chính phủ đã nhanh chóng có kế hoạch hành động, các bộ, ngành tùy theo nhiệm vụ của mình cũng có kế hoạch riêng. Đây là minh chứng rõ nét cho việc đồng hành cùng DN của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.
“Điều quan trọng là chúng ta cần thay đổi tư duy trong việc xây dựng chính sách từ cả ở cấp trung ương và địa phương, đó là lấy DN làm trọng tâm và lấy chuẩn mực quốc tế làm thước đo. Có như vậy, mới có thể củng cố các ngành sản xuất đủ năng lực để cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu, từ đó tạo tâm thế vững vàng khi tham gia một cách bình đẳng vào thị trường quốc tế” - Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định.
Đối với cộng đồng DN, với những cam kết của hiệp định thì việc triển khai sớm DN càng có lợi. Theo Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Tiến Chương, nhiều vấn đề rất quan trọng như: sở hữu trí tuệ, nguồn gốc xuất xứ, chống bán phá giá, phòng vệ thương mại… đang là điểm yếu của DN Việt. Do đó, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết, giúp DN bớt được thời gian tìm hiểu.
Ngoài những vấn đề pháp lý khi làm ăn với EU, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai Võ Quang Hà cho rằng điều quan trọng nữa là phải sớm có chính sách cho DN nội tiếp cận được các gói tài chính và hỗ trợ khác, đặc biệt là giai đoạn bản lề hiện nay. Khi DN “dễ thở” hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tiếp cận mặt bằng sản xuất và thủ tục hành chính thì sẽ có cơ hội tốt hơn để tận dụng các lợi thế.
* Không để “lỡ nhịp”
Thực tế, với việc tham gia Hiệp định EVFTA, Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường lớn, nhưng Việt Nam cũng cần phải mở cửa thị trường. Một điều thuận lợi là hàng hóa của Việt Nam và EU có tính bổ sung cho nhau.
Tuy là nước đang phát triển đầu tiên có hiệp định thương mại tự do với EU nhưng từ sự kiện của Việt Nam, quốc gia khác cũng đã có những động thái tiến đến đàm phán để khai thác thị trường nhiều tiềm năng này. Do đó, cần sự tương tác kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị với cộng đồng DN trong việc tận dụng “giai đoạn vàng” ngay khi EVFTA có hiệu lực để đẩy mạnh xuất khẩu, củng cố vị thế của hàng Việt Nam ở thị trường EU.
Với Đồng Nai, thị trường EU là thị trường xuất khẩu lớn. Theo ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan, lồng ghép, từng bước triển khai các nội dung của hiệp định qua các chương trình, hội nghị để phổ biến hiệp định tới cộng đồng DN. Đồng thời, bám sát chương trình, kế hoạch của Bộ Công thương, liên kết website, trang thông tin điện tử của Bộ Công thương để cung cấp các thông tin cần thiết về xuất xứ hàng hóa, hàng rào kỹ thuật, pháp lý… giúp DN có thể tận dụng được ưu thế một cách sớm nhất.
Mặc dù vậy, Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc cũng cho rằng, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, yếu tố quyết định chính yếu vẫn là nỗ lực phấn đấu của bản thân mỗi DN, bởi EU là thị trường tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức cạnh tranh.
Ngành Công thương đang tiến hành khảo sát tình hình hợp tác thực tế của DN Việt tại địa phương với các thị trường trọng điểm châu Âu. Theo đó, khi tham gia khảo sát, các DN này sẽ được đưa vào dữ liệu doanh nghiệp Việt Nam để giới thiệu với các đối tác châu Âu, được ưu tiên hỗ trợ tham gia đoàn DN đi khảo sát thị trường, học tập kinh nghiệm và gặp gỡ các nhà nhập khẩu/phân phối tại các thị trường trọng điểm và cập nhật các thông tin mới nhất về các chương trình xúc tiến thương mại, các lớp học, hội thảo liên quan.
Văn Gia