Hiện nay, nhu cầu về nhà ở xã hội (NƠXH) tại những khu vực công nghiệp phát triển như: TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch và Trảng Bom rất lớn. UBND tỉnh đang yêu cầu các địa phương rà soát lại các dự án về NƠXH và có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Hiện nay, nhu cầu về nhà ở xã hội (NƠXH) tại những khu vực công nghiệp phát triển như: TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch và Trảng Bom rất lớn. UBND tỉnh đang yêu cầu các địa phương rà soát lại các dự án về NƠXH và có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Khu nhà ở xã hội tại H.Nhơn Trạch. Ảnh:H. Giang |
Theo Sở Xây dựng, mục tiêu của tỉnh là giai đoạn 2014-2020 xây dựng 21,5 ngàn căn NƠXH. Trong đó, giai đoạn 2014-2015 xây dựng 1,5 ngàn căn, giai đoạn 2016-2020 sẽ làm 20 ngàn căn. Thế nhưng, từ năm 2014 đến nay mới chỉ có gần 3,5 ngàn căn NƠXH hoàn thành.
* Nhiều dự án chậm tiến độ
Xây dựng NƠXH là mục tiêu mà tỉnh thực hiện đạt kết quả thấp nhất trong những năm qua. Tính đến cuối tháng 8-2020, Đồng Nai còn 18 ngàn căn NƠXH chưa được xây dựng, nguyên nhân chính là do các dự án trên lĩnh vực này triển khai chậm. Cụ thể là các doanh nghiệp đầu tư vào dự án NOXH thiếu quỹ đất sạch, vướng mắc về chính sách và chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi cho cả nhà đầu tư lẫn người thu nhập thấp để xây dựng và mua nhà. Vì vậy, nguồn cung NOXH cho người thu nhập thấp tại Đồng Nai bị thiếu hụt.
Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Lê Mạnh Dũng cho biết: “Trên địa bàn tỉnh có 11 dự án NƠXH đang được triển khai xây dựng với diện tích gần 39ha. Hiện các dự án trên đã hoàn thành được 3,5 ngàn căn và còn gần 6.490 căn chưa xong. Tỉnh đang đốc thúc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm đưa sản phẩm ra thị trường cung ứng cho người thu nhập thấp”.
Qua rà soát của các địa phương, sở, ngành thì có 37 dự án NƠXH chậm triển khai, UBND tỉnh đã tiến hành thu hồi 11 dự án với diện tích 34ha do chủ đầu tư xin cấp phép rồi để đó không thực hiện. Các dự án còn lại có 4 dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa khởi công xây dựng, 22 dự án đã đăng ký tên tại kế hoạch NƠXH giai đoạn 2016-2020 nhưng chưa có chủ trương đầu tư.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho hay: “TP.Biên Hòa có một số dự án NOXH nhưng chưa triển khai được do thiếu quỹ đất sạch để xây dựng. Đồng thời, nhà đầu tư, đơn vị quản lý đang gặp vướng mắc trong việc hoàn tất thủ tục hồ sơ là đất xây dựng NƠXH có phải là đất công hay không? Bởi nếu là đất công thì buộc phải đưa ra đấu giá mới khởi công dự án được”. Vướng mắc của TP.Biên Hòa là băn khoăn chung của nhiều địa phương đang có dự án NƠXH. Theo quy hoạch thì trên địa bàn tỉnh có hơn 100 dự án NƠXH.
* Cần đất sạch làm NƠXH
Theo quy định của Chính phủ, những dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có diện tích đất lớn buộc phải dành ra 20% quỹ đất trong dự án để xây dựng NƠXH. Theo tổng hợp, Đồng Nai có 112 dự án buộc phải dành quỹ đất phát triển NƠXH với diện tích khoảng 401ha. Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn tỉnh mới có 6 dự án đã hoàn thành có quỹ đất NƠXH giao cho địa phương là 26,5ha.
Ông Nguyễn Thế Phong, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch chia sẻ: “Trên địa bàn H.Nhơn Trạch có 93 dự án phải dành quỹ đất cho phát triển NƠXH, song đến nay rất ít dự án bàn giao đất sạch cho địa phương để mời gọi đầu tư NƠXH. Nếu các dự án trên sớm hoàn thành và giao được đất sạch để làm NƠXH sẽ đáp ứng được nhu cầu của người có thu nhập thấp trên địa bàn”. Cũng theo ông Phong, trong số các dự án phải bàn giao lại đất làm NƠXH có 19 dự án tỉnh đồng ý cho chủ đầu tư trả tiền thay đất. Thế nhưng đến nay, các chủ đầu tư vẫn chưa thanh toán vì chưa có quy định rõ ràng thời điểm nào doanh nghiệp phải thanh toán để tỉnh có nguồn vốn tái đầu tư các dự án NOXH khác tại địa phương.
Qua tìm hiểu thực tế, có nhiều dự án chủ đầu tư đang “lách” việc phải giao đất sạch làm NƠXH bằng cách, chỉ tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất ở những khu vực doanh nghiệp được phép kinh doanh, còn nơi phải giao đất sạch cho các dự án NƠXH thì kéo dài không chịu bồi thường, giải phóng mặt bằng và làm hạ tầng hoàn chỉnh để giao cho địa phương. Do đó, tỉnh có quỹ đất lên đến hàng trăm ha dành cho xây dựng NƠXH, nhưng đất sạch để mời gọi đầu tư dự án NƠXH lại rất ít.
Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh: “Tỉnh giao Sở Xây dựng phối hợp với các địa phương rà soát lại tất cả các dự án phải dành quỹ đất 20% cho NOXH và buộc chủ đầu tư phải sớm giao phần diện tích đất sạch cho địa phương. Trường hợp doanh nghiệp chậm trễ không giao diện tích đất làm NƠXH thì sẽ không phê duyệt những nội dung khác liên quan đến dự án”.
Đây được xem là biện pháp mạnh để các chủ đầu tư dự án buộc phải nhanh chóng giao đất sạch để làm NƠXH. Tới đây, UBND tỉnh cũng sẽ đề nghị Bộ TN-MT, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể để giải quyết 2 vướng mắc lớn là đất làm NƠXH có phải đất công hay không? Và những dự án cho quy đổi quỹ đất làm NƠXH thành tiền nộp lại cho địa phương thì cách tính ra sao và phải xác định được thời gian nào phải nộp số tiền trên.
Hương Giang