Tháng 7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1055/QÐ-TTg ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tháng 7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1055/QÐ-TTg ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việc ban hành kế hoạch này nhằm tạo cơ sở để Việt Nam sử dụng hiệu quả nguồn lực, tài chính và kỹ thuật, thúc đẩy quá trình tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp (DN) và các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu thích ứng với BÐKH nhằm phát triển bền vững.
Một trong những nội dung trọng tâm của kế hoạch là khuyến khích DN chung tay ứng phó với BĐKH, vấn đề mà Việt Nam đã và sẽ gặp rắc rối lớn trong thế kỷ XXI. Theo đó, Nhà nước tạo cơ sở pháp lý, áp dụng công cụ kinh tế, thị trường để khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính, các DN trong và ngoài nước đầu tư, hỗ trợ thực hiện kế hoạch quốc gia thích ứng với BÐKH.
Thực tế cho thấy, việc ứng phó BĐKH cần sự chung tay của cả cộng đồng, thậm chí là sự đoàn kết quốc tế. Tuy nhiên, muốn thu hút DN góp sức cùng Nhà nước, trước hết phải dựa trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Nhà nước xây dựng lộ trình phù hợp, thực hiện cam kết của mình, đồng thời để DN hiểu rằng đồng hành cùng Nhà nước vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của DN bởi khi tham gia vào các dự án, chương trình thuộc danh mục này sẽ được ưu đãi thuế, tạo cơ hội kinh doanh mới, tiếp cận thêm các nguồn hỗ trợ vốn bên ngoài… Khi đã nhận thức được tầm quan trọng đó, DN cần Nhà nước có những hướng dẫn cụ thể, trợ giúp trong việc xây dựng công cụ, dự án của mình. Qua đó xây dựng năng lực ứng phó một cách phù hợp cũng như thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng; đầu tư, ứng dụng năng lượng tái tạo; áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất kinh doanh…
Mặc dù không thuộc các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH song những năm qua Đồng Nai cũng đã tích cực để chủ động ứng phó. Nhiều chương trình, kế hoạch được triển khai như: xây dựng khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, phát động chương trình khuyến khích DN sản xuất sạch hơn, các chương trình lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…
Trong đó, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được triển khai từ năm 2010, hàng ngàn DN đã được tiếp cận với những thông tin, dự án sản xuất sạch hơn và sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả. Ngày càng có nhiều DN nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề và tự giác thay đổi, vừa nâng cao năng lực sản xuất của mình, vừa cùng Nhà nước đối phó thách thức chung. Tuy vậy, để có thể thực thi tốt hơn việc chống BĐKH thì cần sự nỗ lực lớn hơn từ cả 2 phía như đã nói ở trên.
Văn Gia