Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghịch lý giá nông sản sạch

11:08, 31/08/2020

Đồng Nai có nhiều chính sách hỗ trợ để nhân rộng các mô hình sản xuất sạch, an toàn. Trong đó, mô hình sản xuất hữu cơ đang ngày càng được nông dân quan tâm.

Đồng Nai có nhiều chính sách hỗ trợ để nhân rộng các mô hình sản xuất sạch, an toàn. Trong đó, mô hình sản xuất hữu cơ đang ngày càng được nông dân quan tâm. Khó khăn lớn nhất khiến nông dân e ngại đầu tư sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ là thực phẩm sạch chủ yếu vẫn bán như hàng thường trong khi quy trình sản xuất rất khắt khe.

Quầy trưng bày trái cây an toàn của xã Bình Lộc tại Lễ hội trái cây Long Khánh năm 2020. Ảnh: B.Nguyên
Quầy trưng bày trái cây an toàn của xã Bình Lộc tại Lễ hội trái cây Long Khánh năm 2020. Ảnh: B.Nguyên

Một nghịch lý là nông sản sạch gặp khó khăn về thị trường, khó bán giá cao trong khi đến tay người tiêu dùng thường có mức giá cao chót vót, đa số người tiêu dùng khó với tới.

* Thực phẩm hữu cơ giá...trên trời

Khảo sát một số cửa hàng thực phẩm an toàn, thực phẩm hữu cơ trên địa bàn TP.Biên Hòa, giá nông sản sạch thường có mức cao hơn nhiều so với cùng loại nông sản sản xuất theo cách thông thường.

Cụ thể, giá rau, trái cây đạt chuẩn VietGAP bán trong các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch thường có giá cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi, gấp 3 lần so với nông sản không có chứng nhận.

Vài năm trước, thực phẩm hữu cơ chưa quá phổ biến trên thị trường nên dòng sản phẩm này thường có mức giá... trên trời. Hiện nay, cửa hàng thực phẩm hữu cơ “mọc lên” khắp các đô thị, hoạt động kinh doanh thực phẩm hữu cơ online cũng phát triển rầm rộ góp phần kéo giảm giá các mặt hàng thực phẩm hữu cơ. Ngay cả vậy, đây vẫn là dòng thực phẩm có mức giá còn khá đắt đỏ trên thị trường. Khảo sát giá các mặt hàng thực phẩm hữu cơ bán trên thị trường hiện nay, ngay cả các loại rau củ thông thường như rau lang, rau cải, rau dền, bắp cải, súp lơ, rau tần ô...cũng thường ở mức giá trên 80-140 ngàn đồng/kg, gấp 5-7 lần giá rau ngoài chợ. Một số các loại rau ít phổ biến hơn như măng tây, xà lách, rau mầm... giá lên đến hàng trăm ngàn đồng/kg, còn cao hơn nhiều lần so với giá thịt.

Bà Nguyễn Thị Kim, một người dân ở P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa sau khi khảo sát giá các loại rau củ hữu cơ ở một số cửa hàng nhận xét, so với rau, trái thông thường, sản phẩm hữu cơ quá đắt đỏ, cao hơn gấp nhiều lần, có loại cao hơn cả chục lần. Có loại rau hữu cơ giá còn cao hơn nhiều so với giá thịt. Ngay cả những người tiêu dùng có khả năng chi trả nhưng vẫn không chọn mua thực phẩm hữu cơ vì cho rằng giá bán hiện nay của dòng sản phẩm này quá đắt đỏ, bị đẩy cao một cách bất hợp lý. “Có loại rau hữu cơ bán lên đến hơn 400 ngàn đồng/kg, đắt gấp mấy lần so với 1 kg thịt heo, thậm chí cao hơn nhiều so với giá thịt bò và những loại thịt cao cấp khác. Thực phẩm hữu cơ được bán với giá... trên trời như hiện nay, chi phí bữa cơm đắt gấp cả chục lần so với sử dụng thực phẩm thông thường” - bà Kim so sánh.

* Bất hợp lý trong khâu sản xuất, phân phối

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thực phẩm sạch và sẵn sàng trả giá cao hơn so với thực phẩm cùng loại trên thị trường. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư sản xuất sạch từ quy trình đạt chuẩn GAP đến mức cao hơn là sản xuất hữu cơ. Tuy nhiên, nghịch lý là nhu cầu thị trường ngày càng lớn nhưng nông sản sạch lại gặp khó khăn về đầu ra, thậm chí hàng sạch vẫn phải bán như giá hàng thường trong khi nông sản GAP, nông sản hữu cơ đến tới tay người tiêu dùng lại ở mức giá quá cao.

Nhiều năm qua, một số nông dân ở xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu) đã đầu tư sản xuất lúa sạch. Hiện sản phẩm gạo sạch Tân Bình Lục của những nông dân trên đã được thị trường biết tiếng. ThS Trần Thị Phương Chi, chủ Cơ sở Gạo sạch Tân Bình Lục, người đi tiên phong thực hiện mô hình trồng gạo sạch trên cho biết, vụ hè - thu 2020, cơ sở có thêm sản phẩm gạo hữu cơ giống lúa đặc sản ST cung cấp ra thị trường. Tuy chưa được cấp chứng nhận là sản phẩm hữu cơ nhưng từ quy trình sản xuất đến tiêu chuẩn chất lượng đều đạt chuẩn hữu cơ của Việt Nam. Theo ThS Trần Thị Phương Chi, đầu tư sản xuất sạch thường tốn chi phí hơn, sản lượng cũng thấp hơn so với cách sản xuất thông thường. Cụ thể, chi phí sản xuất lúa hữu cơ cao hơn gấp rưỡi so với cách làm thông thường vì điều kiện sản xuất cũng như những yêu cầu khác đều khắt khe hơn. Chính vì vậy, sản phẩm lúa sạch của nông dân Tân Bình đang được cơ sở gạo sạch Tân Bình Lục bao tiêu với mức cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường từ 5-10%. “Điều bấp hợp lý hiện nay là nông dân bán rau, lúa hữu cơ chỉ cao hơn vài ngàn đồng so với giá hàng thường nhưng khi đến tay người tiêu dùng, giá bán có khi gấp cả chục lần so với mức giá gốc. Giá quá cao, không có người mua, nông sản sạch nói chung, nông sản hữu cơ nói riêng khó tiêu thụ nên nông dân chưa mặn mà tham gia. Tôi đang cố gắng làm ra gạo hữu cơ vừa với túi tiền của người tiêu dùng” - bà Chi chia sẻ.

Công ty CP Vinamit (tỉnh Bình Dương) là doanh nghiệp dẫn đầu trong phát triển nông nghiệp hữu cơ. Chia sẻ câu chuyện về sản xuất, kinh doanh mặt hàng thực phẩm hữu cơ, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit cho biết, thực phẩm hữu cơ vẫn đang được định vị ở phân khúc cao cấp với tỷ lệ người mua chưa đến 1% dân số nên đây vẫn là thị trường ngách còn khá nhỏ. Hiện chưa thể bán thực phẩm hữu cơ với giá rẻ vì canh tác hữu cơ cần quá trình đầu tư dài hơi, tốn kém.  Theo doanh nghiệp này, sản xuất hữu cơ khó và tốn kém nhưng sau đó còn cả câu chuyện dài về quá trình thu hoạch, bảo quản, nhất là doanh nghiệp hiện phải bỏ ra khoản chi phí không hề nhỏ trong khâu quảng bá, tiếp thị, phát triển thị trường để người tiêu dùng quen thuộc và hiểu hơn về dòng sản phẩm này. Theo đó, cần có thời gian và nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất tham gia để thực phẩm sạch, trong đó có thực phẩm hữu cơ có mức giá hợp lý hơn với túi tiền người tiêu dùng.

Bình Nguyên

 

 

Tin xem nhiều