Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn ngành Hải quan phát hiện, xử lý hơn 9,6 ngàn vụ vi phạm pháp luật về hải quan, khởi tố và đề nghị khởi tố 50 vụ, trong đó, nổi cộm là nhiều vi phạm về gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn ngành Hải quan phát hiện, xử lý hơn 9,6 ngàn vụ vi phạm pháp luật về hải quan, khởi tố và đề nghị khởi tố 50 vụ, trong đó, nổi cộm là nhiều vi phạm về gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam.
Lực lượng chức năng kiểm tra lô hàng có dấu hiệu giả nhãn hiệu tại Doanh nghiệp tư nhân H.T.P. (P.Hố Nai, TP.Biên Hòa). Ảnh: C.T.V |
Trong đó có các mặt hàng như: gỗ ván ép, xe đạp điện, xe máy điện năng lượng mặt trời... với nhiều thủ đoạn, phương thức tinh vi.
* Rà soát, xử lý nghiêm vi phạm về xuất xứ “made in Vietnam”
Nhiều chuyên gia cảnh báo, phương thức, thủ đoạn gian lận xuất xứ phổ biến là sản xuất tại nước ngoài, khi nhập khẩu về Việt Nam ghi sẵn dòng chữ “made in Vietnam” trên sản phẩm, bao bì sản phẩm; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn, ghi xuất xứ hàng hóa trên bao bì, sản phẩm được sản xuất tại nước ngoài nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa bị bóc nhãn và thay nhãn mới ghi “made in Vietnam”.
Vừa qua, tại hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, Trưởng ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh) đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan cần kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng gian lận liên quan đến hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo xuất xứ “made in Vietnam”… |
Bên cạnh đó, còn có trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu dưới dạng bán thành phẩm về chỉ thực hiện lắp ráp giản đơn hoặc nhập khẩu dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh về chỉ thay đổi bao bì, nhãn mác…
Tại Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 127 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, trong đó có 2 vụ liên quan đến giả mạo nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam đối với đồ điện, do lực lượng hải quan xử lý.
Ông Nguyễn Dương Hoài, Phó cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai nhận định, hoạt động giả mạo, mượn mác xuất xứ hàng hóa “made in Vietnam” ngày càng tinh vi, có nhiều diễn biến phức tạp trước tình hình thương mại của thế giới, cần có thêm những hành lang phạm lý cụ thể để xử lý nghiêm, răn đe những trường hợp vi phạm.
Trong thời gian tới, Cục Hải quan sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành, cơ quan công an và Cục Quản thị trường Đồng Nai tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý những vi phạm về gian lận xuất xứ hàng hóa, nhất là các trường hợp mượn mác “made in Vietnam”.
* Xác minh, xử lý nhanh thông tin hàng giả từ người dân
Theo Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh, trong tháng 6 vừa qua, lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan đã thực hiện kế hoạch phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung ở các địa điểm như: chợ Biên Hòa, chợ đêm Biên Hùng (TP.Biên Hòa), chợ mới Long Thành (H.Long Thành), Trung tâm Thương mại Viva Square (H.Trảng Bom)...
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hoạt động kinh doanh hàng hóa tại chợ Biên Hòa vào cuối tháng 6-2020. Ảnh: Lam Phương |
Theo đó, trong đợt cao điểm này, lực lượng chức năng đã kiểm tra 61 trường hợp, phát hiện 46 vụ vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong đó đang xử lý 24 vụ liên quan đến hàng giả, tạm giữ 677 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu.
Mới đây nhất, ngày 24-7, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Đồng Nai) đã kiểm tra đột xuất Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất thương mại H.T.P. tại P.Hố Nai (TP.Biên Hòa).
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang gia công các sản phẩm dép có dấu hiệu giả nhãn hiệu được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam như: Nike, Lacoste với số lượng 2 ngàn đôi các loại. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở chưa xuất trình được các giấy tờ liên quan đến số lượng hàng hóa trên.
Theo đó, cơ quan chức năng đã tạm thời niêm phong 2 băng chuyền sản xuất, 1 máy chiếu và tạm giữ 2 thùng sơn, 2 hóa chất pha và 2 ngàn đôi dép có dấu hiệu giả nhãn hiệu nói trên. Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra làm rõ.
Ông Võ Văn Tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai cho biết, trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý những vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc đối với các loại hàng hóa, nhất là các sản phẩm hàng tiêu dùng, xăng dầu các loại, các sản phẩm vật tư nông nghiệp, thực phẩm chức năng...
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu, trong thời gian tới, các thành viên của Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh, ban chỉ đạo 389/ĐP ở các địa phương cần tăng cường công tác quản lý địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại, tăng cường kiểm tra, nhất là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng; đẩy mạnh kiểm soát hoạt động kinh doanh trên internet, mạng xã hội...
Đặc biệt, các cơ quan chức năng chủ động thiết lập, duy trì các đường dây nóng để kịp thời nắm bắt, xử lý thông tin về hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc… từ người dân, phối hợp với các cơ quan báo chí xây dựng các chuyên đề tuyên truyền về các hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh.
Lam Phương