Báo Đồng Nai điện tử
En

Khai thác thế mạnh đặc sản địa phương

03:08, 29/08/2020

Năm 2020, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được triển khai sâu rộng tại Đồng Nai, trong đó các địa phương tập trung khai thác nét đặc sắc, thế mạnh riêng của những đặc sản bản địa.

Năm 2020, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được triển khai sâu rộng tại Đồng Nai, trong đó có nhiều đổi mới so với giai đoạn trước.

Huyện Vĩnh Cửu quan tâm xây dựng thương hiệu cho những đặc sản chế biến của địa phươngTrong ảnh: Người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm chế biến tại hội nghị sơ kết “Đề án minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Vĩnh Cửu”   Ảnh: B.Nguyên
Huyện Vĩnh Cửu quan tâm xây dựng thương hiệu cho những đặc sản chế biến của địa phương. Trong ảnh: Người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm chế biến tại hội nghị sơ kết “Đề án minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Vĩnh Cửu”. Ảnh: B.Nguyên

Nét nổi bật của chương trình OCOP 2020 là các địa phương tập trung khai thác nét đặc sắc, thế mạnh riêng của những đặc sản bản địa, nhất là tập trung xây dựng thương hiệu cho nông sản chế biến.

* Thêm hàng chục sản phẩm được đánh giá, xếp hạng

Hiện toàn tỉnh có 8/11 huyện, thành phố tổ chức đánh giá 31 sản phẩm OCOP đợt 1-2020. Dự kiến đợt 2-2020 sẽ có thêm hàng chục sản phẩm được đánh giá, xếp hạng, tăng hơn rất nhiều lần so với năm 2019 khi bắt đầu triển khai chương trình.

Danh sách 31 sản phẩm OCOP đợt 1-2020 rất đa dạng về chủng loại với nhiều đặc sản mang tính đặc trưng của từng địa phương như: khô cá kìm, gà thảo mộc, trứng gà thảo mộc của H.Định Quán; chuối chiên giòn, chuối sấy dẻo của H.Thống Nhất; sản phẩm sầu riêng và chôm chôm của H.Xuân Lộc; mô tô, tàu lửa gỗ của H.Trảng Bom…

Sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Khổ qua rừng Hiệp Vân (TP.Long Khánh) thu hút người tiêu dùng tại một hội chợ tổ chức tại TP.Long Khánh
Sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Khổ qua rừng Hiệp Vân (TP.Long Khánh) thu hút người tiêu dùng tại một hội chợ tổ chức tại TP.Long Khánh

Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Tổ trưởng Tổ hợp tác Khô cá kìm sông nước Phú Cường (xã Phú Cường, H.Định Quán) chia sẻ, địa phương có lợi thế nằm giáp lòng hồ Trị An với nghề đánh bắt và chế biến thủy sản rất phát triển. Trong đó, nghề làm khô cá kìm, khô cá lóc… là nghề truyền thống của địa phương; đặc biệt khô cá kìm là đặc sản độc đáo của hồ Trị An vì độ thơm ngon và có nguồn cung đều đặn quanh năm. Nhưng trước đây, nghề chế biến này vẫn phát triển manh mún, lẻ tẻ từng hộ gia đình. “Khi loại đặc sản này được chọn làm sản phẩm OCOP của Định Quán năm 2020, các hộ chế biến đã vào tổ hợp tác, bước đầu có 15 thành viên tham gia chuỗi liên kết để có sản lượng lớn, đăng ký nhãn hàng chung cho khô cá kìm của cả vùng để loại đặc sản bản địa này vươn xa hơn” - ông Hoàng nói.

Nói về sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương cho chương trình OCOP, Trưởng phòng NN-PTNT H.Xuân Lộc Lê Thị Hiệp cho biết, năm 2020, huyện có 10 sản phẩm OCOP chủ yếu là các loại nông sản chủ lực, thế mạnh của địa phương như: xoài, sầu riêng, chôm chôm, dưa lưới… Riêng trong đợt 1 có 2 sản phẩm được đánh giá. Địa phương tập trung mọi nguồn lực cho chương trình này và có nhiều chính sách hỗ trợ từ tập huấn cho nông dân quy trình sản xuất an toàn, hỗ trợ cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn, sản phẩm GAP cho đến đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cũng như việc quảng bá để có đầu ra bền vững hơn cho sản phẩm…

* Đầu tư cho sản phẩm chế biến

Trong 31 sản phẩm OCOP được các huyện tổ chức đánh giá đợt 1-2020, các sản phẩm chế biến chiếm tỉ trọng lớn với 27 sản phẩm như: chuối chiên giòn, chuối sấy dẻo, bánh phở tươi, bánh đa cua dốt, bánh đa cua khô, hủ tiếu dốt, hủ tiếu khô, rượu Nhung Hươu, sô cô la đắng Bungo, bột ca cao 3in1 Bungo, các loại bánh sữa ca cao Long Thành, trà sen, bột dinh dưỡng...

Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Ngô Tấn Tài cho hay, thế mạnh sản phẩm OCOP của địa phương là các loại đặc sản, nông sản chế biến. Cụ thể năm 2019, huyện có 6 sản phẩm OCOP đều là sản phẩm chế biến như: bột ca cao nguyên chất, rượu vang ca cao, mít sấy, chuối sấy, khoai lang sấy, khoai tây sấy. Trong đợt 1-2020, huyện có 7 sản phẩm OCOP chủ yếu cũng tập trung cho dòng sản phẩm chế biến như: xoài sấy dẻo, chuối sấy dẻo, khô cá kìm, sô cô la đắng… Những sản phẩm chế biến trên đều được sản xuất từ những nông sản chủ lực của địa phương. Trong đó, có nhiều sản phẩm chế biến sâu không chỉ tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa mà còn xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Phạm Minh Phước cho hay, huyện tập trung hỗ trợ cho các đặc sản chế biến độc, lạ từ những loại cây, trái có sẵn và là thế mạnh của địa phương như: trà búp ổi tẩm mật ong, trà hoa dâm bụt, mật ong lên men hoa đậu biếc, hoa cúc chi… tham gia chương trình OCOP. Huyện đang tập trung hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, đăng ký nhãn hàng, xây dựng thương hiệu bằng uy tín chất lượng an toàn, quảng bá, mở rộng thị trường để nông sản sạch có đầu ra bền vững... Trong đó, đầu tư chế biến sâu là giải pháp góp phần đưa nông sản của địa phương lên một bậc cao hơn, giúp nông dân làm chủ được công nghệ và sản phẩm của mình.

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh, trong năm 2020, Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP tỉnh Đồng Nai tổ chức 2 đợt bình chọn, đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh chứ không chỉ tổ chức 1 đợt như năm 2019.

Chỉ riêng đợt 1, số lượng các sản phẩm OCOP đã nhiều hơn hẳn của cả năm 2019. Sản phẩm đa dạng hơn; sự chuẩn bị về mặt hồ sơ, thủ tục cũng như đầu tư cho sản phẩm cũng chu đáo, chất lượng hơn. Có được kết quả vượt trội trên là do các địa phương đã thực sự đồng hành cùng nông dân, HTX, doanh nghiệp triển khai chương trình.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích