Báo Đồng Nai điện tử
En

Kết nối sản phẩm OCOP với du lịch

09:08, 04/08/2020

Hiện nay, nhiều chủ thể, HTX nông nghiệp có sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đã kết nối các điểm du lịch, trạm dừng chân để mở rộng các kênh tiêu thụ, quảng bá sản phẩm đến khách hàng.

Hiện nay, nhiều chủ thể, HTX nông nghiệp có sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đã kết nối các điểm du lịch, trạm dừng chân để mở rộng các kênh tiêu thụ, quảng bá sản phẩm đến khách hàng.

Du khách đến tham quan tại Khu dịch vụ thương mại, du lịch Thế giới ca cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán). Ảnh: H.Quân
Du khách đến tham quan tại Khu dịch vụ thương mại, du lịch Thế giới ca cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán). Ảnh: H.Quân

* Cung cấp sản phẩm cho các trạm dừng chân

Nhiều trạm dừng chân đã được đầu tư xây dựng trên các tuyến quốc lộ, các tuyến đường kết nối vào các khu, điểm du lịch của tỉnh. Điều này góp phần quảng bá, phân phối các sản phẩm đặc sản của địa phương, trong đó có sản phẩm OCOP.

Đơn cử, quốc lộ 20 là tuyến đường huyết mạch kết nối từ TP.HCM đi Đà Lạt. Các huyện trải dài theo tuyến quốc lộ này cũng có nhiều điểm du lịch thu hút khách như: Vườn quốc gia Cát Tiên, công viên Suối Mơ (H.Tân Phú), Thác Mai, quần thể Đá ba chồng (H.Định Quán)... Dọc theo tuyến quốc lộ này “rộ” các trạm dừng chân thu hút khá đông du khách trong và ngoài tỉnh. Nắm bắt được điều này, nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) đã phát triển hệ thống phân phối các sản phẩm để cung ứng phục vụ khách du lịch.

Bà Liu Thị Yến, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán) - một DN có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của H.Định Quán cho biết, bên cạnh các kênh phân phối truyền thống, trong những năm gần đây, công ty còn phân phối trực tiếp các sản phẩm trái cây sấy khô cho khoảng 10 trạm dừng chân trên địa bàn và một số khu vực lân cận. Đây cũng là một kênh phân phối mà công ty hướng tới để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Tương tự, ông Phó Đình Trung, đại diện Cơ sở trái cây sấy Cường Hoa - một cơ sở có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP ở H.Thống Nhất cho biết, cơ sở liên kết với các đơn vị phân phối để cung ứng sản phẩm của cơ sở tới các trạm dừng chân trên địa bàn với sản lượng bình quân khoảng 400-500kg sản phẩm/ngày, chủ yếu để phục vụ khách du lịch, khách di chuyển trên tuyến TP.HCM - Đà Lạt.

Một số DN còn chủ động xây dựng các điểm dừng chân để vừa quảng bá sản phẩm, vừa phát triển du lịch sinh thái vườn ở địa phương. Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, H.Định Quán) đã mở Khu dịch vụ thương mại, du lịch Thế giới ca cao.

“Đây là điểm dừng chân phục vụ du khách tham quan vườn ca cao, trực tiếp được giới thiệu quá trình từ khâu thu hái trái, các bước sơ chế đến khâu chế biến rượu, chocolate và các sản phẩm khác từ trái ca cao; thưởng thức những món đặc sản chế biến từ trái ca cao, mua quà tặng... Đồng thời, đây còn là nơi để quảng bá các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của công ty. Hiện nay, vào những mùa cao điểm du lịch, mỗi tháng điểm tham quan, du lịch Thế giới ca cao của công ty thu hút khoảng 40 ngàn lượt khách” - ông Khanh chia sẻ.

* Mở rộng các kênh quảng bá

Việc kết nối sản phẩm OCOP vào hoạt động du lịch vừa góp phần phát triển du lịch của địa phương, vừa xây dựng, quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của các huyện.

Ông Võ Tuấn Dũng, Chủ tịch UBND H.Tân Phú nhấn mạnh, một trong những định hướng của huyện trong thời gian tới để phát triển du lịch là phát triển các sản phẩm nông nghiệp như trồng rau sạch, vườn trái cây chất lượng cao, các sản phẩm OCOP để đáp ứng nhu cầu mua sắm và kích cầu du lịch, gắn phát triển du lịch cộng đồng với hoạt động xây dựng nông thôn mới nâng cao, kết nối nông sản địa phương với các khu, điểm du lịch trên địa bàn...

Tương tự, Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương cho biết, nhiều trang trại, các loại trái cây thế mạnh của địa phương như: bưởi, xoài... đang được nhiều HTX, DN trên địa bàn huyện đầu tư khâu chế biến sâu, sản xuất sạch theo hướng hữu cơ với nhiều sản phẩm mới như: tinh dầu bưởi, mứt bưởi, xoài sấy, nước ép xoài... đang được nghiên cứu, phát triển. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đăng ký nhãn hiệu, có hướng phát triển các sản phẩm nói trên thành các sản phẩm OCOP, cũng như hỗ trợ nông dân kết nối, quảng bá sản phẩm gắn với hoạt động phát triển du lịch của địa phương.

Ông Trần Xuân Trường, Giám đốc điều hành HTX Thương mại - dịch vụ nông nghiệp Tà Lài - HTX có sản phẩm bưởi da xanh đạt chuẩn OCOP của H.Tân Phú cho hay, HTX đang xây dựng phương án kết nối với hoạt động du lịch của huyện, phát triển du lịch vườn để vừa quảng bá sản phẩm của HTX, vừa đa dạng các sản phẩm du lịch của địa phương...

Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, bên cạnh xây dựng showroom trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh; thí điểm mở gian hàng dành cho sản phẩm OCOP của tỉnh tại siêu thị, trung tâm thương mại, trong thời gian tới, Sở dự kiến sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan mở các gian trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Trước mắt sẽ thí điểm 1 gian trưng bày ở Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú) để giới thiệu các catalog, trưng bày quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh đến với du khách trong và ngoài nước.

Hải Quân

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích