Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Trong đó có nội dung, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi ny-lông.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Trong đó có nội dung, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi ny-lông.
Sự nguy hại của việc sử dụng túi ny-lông một cách bừa bãi đã được rất nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo. Ô nhiễm do túi ny-lông đang là yếu tố gây thảm họa môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, mặc cho những cảnh bảo đó, túi ny-lông hiện vẫn là sản phẩm được sử dụng phổ biến hằng ngày. Lý do chính khiến cho túi ny-lông gần như trở thành vật “bất ly thân” của phần lớn người dân chính là sự tiện dụng và giá rẻ.
Cũng bởi giá rẻ nên chúng ta có thể bắt gặp túi ny-lông hiện diện ở khắp mọi nơi. Từ các gánh hàng rong đến các chợ dân sinh; từ các cửa hàng nhỏ lẻ đến các siêu thị, trung tâm thương mại lớn… đâu đâu túi
ny-lông cũng được sử dụng một cách phổ biến.
Do đó, việc nghiên cứu để tăng thuế bảo vệ môi trường với túi nilông là điều cần thiết, bởi đây là việc làm khiến cho túi ny-lông không còn rẻ “như bèo” như hiện nay. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu hạn chế, tiến tới ngưng sử dụng túi ny-lông, việc tăng thuế để tăng giá thành đối với mặt hàng này chỉ là một giải pháp trong một chuỗi giải pháp cần thực hiện.
Từ năm 2019, mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi ny-lông đã được áp dụng ở mức kịch khung là 50 ngàn đồng/kg. Thế nhưng, thời gian qua, việc thực hiện mục tiêu giảm thiểu sử dụng túi ny-lông lại không mang lại kết quả khả quan.
Trên thực tế, dù mức thuế đã được tăng kịch khung nhưng giá bán phần lớn các loại túi ny-lông hiện nay lại thấp hơn mức thuế đánh vào nó. Điều này chứng tỏ hiện nay vẫn có những kẽ hở của pháp luật trong quản lý thuế.
Chính vì vậy, để thực hiện mục tiêu hạn chế, tiến tới ngưng sử dụng túi ny-lông, bên cạnh giải pháp tăng thuế để tăng giá thành, việc tăng cường quản lý chính sách thuế đối với mặt hàng này cũng là điều cần được quan tâm đúng mức.
Cùng với đó, cũng cần thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn, công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thay thế túi ny-lông, đưa giá thành các sản phẩm này rẻ như túi nilông hiện nay. Xây dựng hệ thống thu gom, tái chế túi nilông, khuyến khích các nhà phân phối, nhà bán lẻ tham gia chương trình giảm phân phát túi ny-lông.
Đặc biệt, giải pháp quan trọng nhất vẫn là cần đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi ý thức của người dân trong việc sử dụng túi ny-lông. Chỉ khi mỗi người dân thực sự vào cuộc, thay đổi thói quen sử dụng túi ny-lông thì mục tiêu hạn chế, tiến tới ngưng sử dụng sản phẩm này mới có kết quả cao nhất. Bởi, dù rẻ, dù tiện lợi nhưng khi người dân đã nói “không” thì túi ny-lông cũng khó có thể tiếp tục hiện diện trong đời sống hằng ngày.
Lê Văn