Vừa mới trở lại sản xuất ổn định được một thời gian ngắn trong tháng 5 và tháng 6, phần lớn doanh nghiệp (DN) chưa khắc phục hết khó khăn gặp phải trong thời gian trước đó, nay lại tiếp tục điêu đứng với sự trở lại của dịch Covid-19 với tác động mạnh, nhanh và nguy hiểm hơn.
Vừa mới trở lại sản xuất ổn định được một thời gian ngắn trong tháng 5 và tháng 6, phần lớn doanh nghiệp (DN) chưa khắc phục hết khó khăn gặp phải trong thời gian trước đó, nay lại tiếp tục điêu đứng với sự trở lại của dịch Covid-19 với tác động mạnh, nhanh và nguy hiểm hơn.
Sản xuất kẹo mềm tại Công ty CP Chăn nuôi bò và chế biến sữa Đồng Nai. Ảnh: V.Gia |
Bên cạnh những nỗ lực, tiếp tục “sống chung” với dịch để vượt qua khó khăn của DN là các giải pháp để hỗ trợ từ các cơ quan chức năng của địa phương.
* Tìm cách xoay xở
Theo Cục Hải quan Đồng Nai, do ảnh hưởng từ thị trường xuất khẩu, nhiều DN phải đối mặt với tình trạng bị cắt giảm đơn hàng, hủy đơn hàng. Một số nước tạm ngừng không cho phép nhập khẩu hàng hóa, đối tác nước ngoài ngưng giao dịch, buôn bán, DN không liên lạc được với khách hàng… Điều này gây nhiều khó khăn cho các DN trong đăng ký tờ khai hải quan và thay đổi tờ khai, tốn thời gian, chi phí gửi hàng hóa trong các kho hàng để chờ xuất khẩu, thậm chí là hủy đơn hàng.
Trong khi đó, với các DN có hàng tiêu thụ trong nước, tình hình dịch bệnh trong tháng 7 đã kéo theo sự đi lại của người dân giảm, nhiều địa phương phong tỏa, giãn cách hoặc giãn cách xã hội một phần, mức tiêu thụ hàng hóa cũng yếu hơn.
Ông Trịnh Văn Bình, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi bò và chế biến sữa Đồng Nai (Domilk) cho biết, DN có 9 sản phẩm bánh kẹo, được sản xuất để phục vụ thị trường nội địa. Trong đó một phần lớn phục vụ nhu cầu thưởng thức đặc sản của du khách tại các khu du lịch. Tuy nhiên, sau khi dịch tái bùng phát, thị trường du lịch đóng băng khiến lượng hàng của công ty bán ra sụt giảm tới hơn 50%.
“Do là sản phẩm từ thiên nhiên, lại là hàng hóa sử dụng ngay, vòng đời sản phẩm ngắn, nhiều sản phẩm chỉ có thể bảo quản được vài tháng nên Domilk sản xuất theo đơn đặt hàng chứ không sản xuất dự trữ nhiều. Khi lượng khách du lịch tại các điểm, tuyến giảm thì sản phẩm bán ra cũng sụt giảm theo” - ông Trịnh Văn Bình cho hay.
Khó khăn là điều có thể dự đoán được, do vậy các DN hiện đều xác định phải tìm cách tồn tại. Đối với Domilk, khi doanh số bán hàng cho khách du lịch sụt giảm, DN này tìm cách liên kết, phối hợp với những DN lớn ngành bánh kẹo để hợp tác, sản xuất gia công sản phẩm cho họ. DN cố gắng giữ ổn định chất lượng sản phẩm để có được đơn hàng sản xuất, giữ việc làm cho người lao động cầm cự chờ tình hình trở lại ổn định.
Nhiều DN khác trong tỉnh cũng năng động tìm cách phát triển trước ảnh hưởng của dịch bệnh. Đơn cử như ngành may mặc, xuất khẩu của tỉnh 7 tháng đầu năm nay giảm tới 18,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong bối cảnh đó, Tổng công ty May Đồng Nai, DN lớn trong ngành May mặc của tỉnh do chuyển hướng kịp thời qua sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ phòng, chống dịch để xuất khẩu nên tình hình sản xuất vẫn ổn định. DN này đã xuất 40 triệu bộ đồ bảo hộ lao động phòng, chống dịch Covid-19 qua các thị trường: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu... DN cũng đầu tư thêm 100 tỷ đồng mở rộng xưởng sản xuất vải không dệt để cung ứng nguyên, phụ liệu cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Đó cũng là câu chuyện của nhiều thương hiệu nội khác của tỉnh như: Nệm Thế Linh, Nước ép Thiên Triều An… đang áp dụng.
* Tiếp tục các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Ngoài nỗ lực vượt khó của DN thì thời gian qua, các sở, ngành trong tỉnh cũng tiếp tục triển khai những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đã thực hiện từ trước.
Cục Hải quan Đồng Nai đã thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ DN, tăng cường công tác tiếp xúc, nắm tình hình, đánh giá vướng mắc, khó khăn, chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp DN giảm thiểu thiệt hại, tăng khả năng chống đỡ vượt qua giai đoạn bị ảnh hưởng dịch bệnh... Đơn vị liên tục cập nhật thông báo kịp thời đến cộng đồng DN các chính sách về xuất khẩu gạo, khẩu trang, thiết bị y tế; chống gian lận chuyển tải bất hợp pháp; thời hạn và hình thức nộp C/O trong thời kỳ dịch bệnh; thời hạn gia hạn thuê kho ngoại quan; danh mục hàng hóa miễn thuế phục vụ công tác phòng, chống dịch...
Ngành Điện lực cũng đã giảm tiền điện hơn 532 tỷ đồng cho hơn 875 ngàn khách hàng, trong đó có các khách hàng DN. Ngành Thuế, Ngân hàng, Công thương… cũng tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ của mình. Trong đó, Sở Công thương đã tích cực phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước, khuyến khích DN tham gia các chương trình kết nối cung cầu trực tuyến, ứng phó với tình hình dịch bệnh.
Mới đây nhất, ngày 14-8, UBND tỉnh đã có Công văn số 9723/UBND về việc hạn chế các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa thật sự cần thiết trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương hạn chế, giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa thật sự cần thiết trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19. Không thanh tra ngoài kế hoạch kể cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; chuyển phương pháp từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Những trường hợp nhận được tin phản ánh cụ thể của người dân hoặc phát hiện các dấu hiệu vi phạm thì xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất tại DN. |
Văn Gia