Báo Đồng Nai điện tử
En

Chưa hoàn thành chỉ tiêu xử lý chất thải

04:08, 07/08/2020

Tính đến hết tháng 7-2020, các huyện, thành phố trong tỉnh mới thực hiện được 3/5 chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy về xử lý chất thải. 2 chỉ tiêu còn lại là thu gom, xử lý 100% chất thải rắn sinh hoạt và giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt xuống dưới 15% chưa đạt. 

Tính đến hết tháng 7-2020, các huyện, thành phố trong tỉnh mới thực hiện được 3/5 chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy về xử lý chất thải. 2 chỉ tiêu còn lại là thu gom, xử lý 100% chất thải rắn sinh hoạt và giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt xuống dưới 15% chưa đạt. 

Xử lý rác thải sinh hoạt thành compost tại nhà máy xử lý chất thải ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất). Ảnh: H. Lộc
Xử lý rác thải sinh hoạt thành compost tại nhà máy xử lý chất thải ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất). Ảnh: H. Lộc

Mới đây, UBND tỉnh đã làm việc với các sở, ngành, địa phương và đơn vị xử lý rác trên địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành chỉ tiêu xử lý chất thải.

* 2 chỉ tiêu chưa đạt

Theo ông Trần Trọng Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT), đến cuối tháng 7-2020, các sở, ngành, địa phương đã thực hiện được 3/5 chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy về xử lý chất thải bao gồm: thu gom và xử lý chất thải công nghiệp thông thường; thu gom và xử lý chất thải y tế; thu gom và xử lý chất thải nguy hại. 2 chỉ tiêu chưa đạt là thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 99,6% (chỉ tiêu 100%) và chôn lấp rác thải rắn sinh hoạt đạt 29% (chỉ tiêu 15%). Chỉ tiêu thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt trách nhiệm chính thuộc về UBND các địa phương, chỉ tiêu chôn lấp chất thải phụ thuộc nhiều vào các đơn vị xử lý rác.

Là một trong 2 địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu thu gom và xử lý 100% rác thải rắn sinh hoạt, ông Lê Ngọc Tiên, Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom cho biết, trên địa bàn huyện trước đây có nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt, tuy nhiên vài năm gần đây, nhà máy này chuyển sang chuyên xử lý chất thải công nghiệp. Việc thay đổi đơn vị xử lý rác làm cho quãng đường vận chuyển rác xa hơn, xảy ra tình trạng rơi vãi. Bên cạnh đó, một số hộ gia đình chưa đăng ký thu gom xử lý rác, một số khu vực có rác thải chưa được thu gom hết. “Huyện đã có chỉ đạo và quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu thu gom rác trong năm 2020” - ông Tiên cho hay.

Ông Nguyễn Tấn Vinh, Trưởng phòng TN-MT TP.Biên Hòa cho rằng, việc thu gom rác sinh hoạt của các hộ gia đình cơ bản đạt chỉ tiêu, tuy nhiên, một số khu vực công cộng như: đường giao thông quốc lộ 1 và quốc lộ 51, đoạn qua TP.Biên Hòa, bãi đất trống, ven sông, suối không có người đóng tiền, đơn vị thu gom rác không thực hiện, dẫn đến tình trạng thành phố chưa thu gom được 100% rác thải rắn sinh hoạt.

Đối với chỉ tiêu chôn lấp rác, hiện nay, tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại các khu xử lý (KXL) chất thải khoảng 29%. Cụ thể, tổng khối lượng rác thải được xử lý bằng phương pháp compost là 1.218 tấn/ngày, xử lý bằng phương pháp đốt khoảng 55 tấn/ngày, chôn lấp hoàn toàn khoảng 303 tấn/ngày, tạm lưu khoảng 58 tấn/ngày.

Hiện chỉ có 2/5 KXL chất thải sinh hoạt thực hiện được chỉ tiêu này là KXL chất thải ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất) đạt 14,5% và KXL chất thải tại xã Túc Trưng (H.Định Quán) khoảng 10%. Các KXL khác chưa có giấp phép vận hành lò đốt, chưa đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh môi trường, chưa đầu tư dây chuyền theo công suất thiết kế, rác tồn đọng từ những năm trước còn nhiều nên chưa hoàn thành mục tiêu giảm chôn lấp rác dưới 15%.

* Quyết tâm hoàn thành mục tiêu nghị quyết

Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở TN-MT cho rằng, với một tỉnh phát triển đa dạng ngành nghề, quy mô dân số đứng hàng đầu cả nước như Đồng Nai, việc đảm bảo thu gom, xử lý triệt để 100% chất thải rắn sinh hoạt là rất khó. Tuy nhiên, với mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường phát triển song hành và bền vững, Đồng Nai đang quyết tâm từng bước kiểm soát tối đa nguồn chất thải. Quyết tâm này được đưa vào nghị quyết của Tỉnh ủy để cả hệ thống chính trị cùng hành động.

Khu chôn lấp chất thải tại Nhà máy xử lý chất thải xã Quang Trung (H.Thống Nhất)
Khu chôn lấp chất thải tại Nhà máy xử lý chất thải xã Quang Trung (H.Thống Nhất). Ảnh: H. Lộc

Ông Thường cũng thông tin, KXL chất thải ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất) đang đầu tư dây chuyền để nâng công suất xử lý từ 1,1 ngàn tấn rác/ngày lên 1,2 ngàn tấn rác/ngày; KXL Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu), quý IV năm nay sẽ đưa vào vận hành chính thức nhà máy xử lý chất thải sử dụng công nghệ đốt quy mô 450 tấn/ngày; KXL rác Xuân Tâm (H.Xuân Lộc) đang hoàn thiện thủ tục môi trường để vận hành dây chuyền xử lý 120 tấn rác/ngày; KXL rác Xuân Mỹ (H.Cẩm Mỹ) phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động theo quy định của Bộ TN-MT để vận hành lò đốt 72 tấn rác/ngày. “Các KXL rác này nếu hoàn thành thủ tục pháp lý và vận hành theo công suất thiết kế thì tỷ lệ chôn lấp rác thải rắn sẽ về mức dưới 15% theo mục tiêu nghị quyết giai đoạn 2015-2020 của Tỉnh ủy” - ông Thường chia sẻ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho rằng, thu gom, xử lý tối đa các loại chất thải và giảm tỷ lệ chất thải chôn lấp đem lại lợi ích to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường. Do đó, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền các hộ gia đình đăng ký thu gom rác, thực hiện phân loại rác tại nguồn; yêu cầu các đơn vị thu gom rác đầu tư xe chuyên dụng để không làm rơi vãi rác, nước thải trong quá trình vận chuyển; trích nguồn kinh phí bảo vệ môi trường chi trả cho việc thu gom rác ở nơi công cộng; tổ chức ra quân thu dọn rác thường xuyên nhằm hoàn thành chỉ tiêu thu gom 100% chất thải sinh hoạt.

Các KXL chất thải nhanh chóng hoàn thành các thủ tục pháp lý, đưa vào vận hành chính thức công nghệ, công suất xử lý rác được phê duyệt; xử lý rác phân loại theo đúng quy trình vừa tận dụng được nguồn tài nguyên tái chế, giảm diện tích đất chôn lấp vừa góp phần giảm tỷ lệ rác chôn lấp dưới 15%.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều