Luật Đất đai năm 2013 là đạo luật quan trọng có tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và đời sống của người dân cả nước. Sau hơn 6 năm thực thi, Luật Đất đai đã bộc lộ một số kẽ hở, hạn chế rất cần được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Luật Đất đai năm 2013 là đạo luật quan trọng có tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và đời sống của người dân cả nước. Sau hơn 6 năm thực thi, Luật Đất đai đã bộc lộ một số kẽ hở, hạn chế rất cần được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, qua quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013 có những nội dung khó khả thi vì chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai chưa được ban hành đầy đủ, còn thiếu đồng bộ, thiếu ổn định. Do đó, quá trình thực hiện gây ra khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền.
Cụ thể, trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn những bất cập là một số tỉnh, thành giao đất theo hình thức chỉ định, không đấu giá quyền sử dụng đất. Quy định về đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất chưa rõ ràng, chặt chẽ, dẫn đến quá trình thực hiện tương đối khó khăn. Đối tượng quy định được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá còn khá rộng, chưa cụ thể, đây là kẽ hở trong việc quản lý đất đai dễ xảy ra tiêu cực khi chuyển quyền sử dụng đất từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân thông qua cổ phần hóa, sau đó có thể chuyển mục đích sử dụng đất mà không phải qua đấu giá...
Vấn đề được nhiều địa phương, người dân đánh giá còn nhiều hạn chế trong Luật Đất đai là xác định giá đất bồi thường sát với giá thị trường. Nhiều người dân bị thu hồi đất cho rằng, việc xác định giá đất sát với giá thị trường còn nhiều bất cập dẫn đến bức xúc và khiếu nại, khiếu kiện ở nhiều dự án, vì giá đất bồi thường luôn thấp hơn giá thị trường từ 20-30%. Tuy nhiên, phía cơ quan quản lý nhà nước thì nhận xét, đất đai ở những khu vực khi công bố có dự án thường bị đẩy lên cao hơn nhiều so với giá trị thực tế của thửa đất. Do đó, nhà nước không thể bồi thường đất đai theo giá thị trường (vì đây nhiều khi là giá ảo). Đây là vấn đề xảy ra tranh cãi nhiều năm qua và khiến cho việc khiếu nại về đất đai chiếm đến hơn 80% trong các đơn khiếu nại của người dân.
Theo đó, nhiều chuyên gia về kinh tế khuyến nghị, cần sớm nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và kịp thời ban hành những chính sách cụ thể hóa luật.
Song theo một số đại biểu Quốc hội, trong chương trình nghị sự của Quốc hội thì năm 2020, 2021 chưa có nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013. Như vậy, Luật Đất đai sửa đổi có thể đến năm 2022 mới được đưa ra thảo luận và thông qua, khả năng năm 2023 mới có Luật Đất đai mới để thực thi. Vì thế, những vướng mắc, hạn chế liên quan đến Luật Đất đai hiện hành sẽ chưa được kịp thời khắc phục và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện phát triển thực tế ở các tỉnh, thành trong cả nước.
Hương Giang