Với 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và có hiệu lực, Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những quốc gia tham gia hội nhập sâu với tốc độ khá nhanh trên phạm vi toàn cầu.
Đến nay, Việt Nam đã có 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và có hiệu lực. Do đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia tham gia vào hội nhập sâu với tốc độ khá nhanh trên phạm vi toàn cầu. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) trong xuất nhập khẩu, mời gọi đầu tư và liên kết tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dệt may sẽ là ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi xuất khẩu vào các nước trong khối CPTPP và EVFTA. Trong ảnh: Sản xuất quần áo tại Công ty CP Đồng Tiến (TP.Biên Hòa) xuất khẩu vào EU. Ảnh: H.Giang |
Theo đánh giá của Bộ Công thương, xét trên phạm vi trong nước, Đồng Nai cũng là địa phương có các DN tham gia vào hội nhập một cách khá nhanh và khá rộng. Tỉnh hiện nằm trong tốp 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về xuất khẩu, phát triển công nghiệp, thu ngân sách, thu hút đầu tư nước ngoài.
* Cần mở rộng thị trường
Trong các FTA Việt Nam đã ký kết, các DN Đồng Nai ít nhiều đều tận dụng được cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, thực tế là các DN mới chỉ tập trung ở một số thị trường lớn, chưa khai thác hết những thị trường nhỏ. Cụ thể như trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có 11 nước tham gia, song DN mới chỉ tập trung ở thị trường Nhật Bản, hoặc với FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có 28 nước tham gia, song các DN chỉ chú ý nhiều thị trường Đức, Pháp, Hà Lan, Anh, Italy..., còn lại hơn 20 thị trường khác chưa được khai thác tốt. Như vậy, DN vẫn còn nhiều “dư địa” để khai thác các thị trường còn lại.
PGS-TS Võ Phước Tấn, Chủ nhiệm ngành Quản trị kinh doanh Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM chia sẻ: “EVFTA là hiệp định được nhiều DN Việt Nam trông đợi nhất, vì đây là thị trường lớn của nước ta. Ngoài tăng xuất khẩu vào thị trường trên, DN có thể liên kết thu hút được nguồn đầu tư lớn từ nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong thu hút đầu tư, các tỉnh, thành nên chú ý đến lĩnh vực chế biến sâu về nông sản, đây là lĩnh vực có thể tăng giá trị gia tăng thêm 10-20 lần”. Theo thống kê, trên địa bàn Đồng Nai hiện có hơn 3,5 ngàn DN có tham gia xuất nhập khẩu với hơn 50 mặt hàng chính. |
Mới đây, trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về tình hình phát triển kinh tế, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, nếu DN chỉ tập trung vào một vài thị trường lớn, khi xảy ra biến động sẽ gặp khó khăn về đầu ra của sản phẩm. Mở rộng thị trường ra nhiều nước và tránh lệ thuộc vào một vài thị trường đặc thù sẽ giúp DN giảm bớt được rủi ro, vì khi thị trường này bị thu hẹp, DN có thể tăng xuất khẩu vào thị trường khác để bù lại. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 2 FTA rất lớn là CPTPP và EVFTA, nhưng DN vẫn chưa thể khai thác hết tiềm năng của các thị trường. Vì thế thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ DN mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.
Đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay khiến nền kinh tế nhiều nước tăng trưởng âm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng dương 1,8% trong 6 tháng đầu năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu tuy giảm nhưng xuất siêu tăng so với cùng kỳ năm trước. DN đã chú ý tìm nguồn cung nguyên liệu ở thị trường nội địa, giảm nhập khẩu để đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm nhằm giúp hàng hóa vào được những thị trường mà Việt Nam đã ký kết các FTA và được hưởng các ưu đãi về thuế quan.
Ông Peter Wu, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai cho biết: “Các DN Đài Loan đầu tư vào Đồng Nai những năm gần đây đều chú ý tìm nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất. Có nguồn cung đầu vào ở thị trường nội địa, DN chủ động sản xuất, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm và xuất khẩu vào các thị trường Việt Nam đã ký kết FTA sẽ hưởng ưu đãi thuế tăng sức cạnh tranh”.
* DN đang chờ phục hồi sản xuất
Trong tháng 7-2020, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 1,6 tỷ USD, chiếm khoảng 7% kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tăng 14,7% so với tháng trước đó.
Thực tế, đa số DN vẫn chưa vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 đem lại, tại nhiều thị trường, giao thương vẫn bị hạn chế. Hiện DN Đồng Nai cũng như cả nước vẫn đang trong giai đoạn “cầm cự” đợi dịch bệnh lắng xuống. Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm vẫn giữ mức tăng trưởng GRDP là 5,8%, cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước. Việc này giúp môi trường đầu tư Đồng Nai hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước. Do đó, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư trong nước tăng khá cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết: “Tỉnh tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn để duy trì sản xuất và đợi dịch lắng xuống sẽ phục hồi sản xuất, xuất khẩu. Đồng Nai vẫn xác định công nghiệp là chủ đạo trong phát triển kinh tế, nhưng trong thu hút đầu tư sẽ lựa chọn những dự án công nghệ cao, sử dụng ít lao động và có giá trị gia tăng cao”.
Vì thế, dù dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhưng tỉnh vẫn gấp rút thực hiện quy hoạch mở rộng, thêm mới các khu công nghiệp để trình Chính phủ sớm phê duyệt. Như vậy, khi dịch bệnh lắng xuống, Đồng Nai đã chuẩn bị sẵn cơ sở hạ tầng để đón “làn sóng” đầu tư nước ngoài, tiếp tục đưa công nghiệp thành mũi nhọn chủ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Hương Giang