Thời gian gần đây, các kênh bán lẻ hiện đại như: siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi... ngày càng được mở rộng ra các huyện, khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Thời gian gần đây, các kênh bán lẻ hiện đại như: siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi... ngày càng được mở rộng ra các huyện, khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Hàng hóa tại điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở xã Bàu Cạn (H.Long Thành) được sắp xếp khá tiện lợi. Ảnh: Lam Phương |
Việc nhiều đơn vị, doanh nghiệp phát triển hệ thống bán lẻ, siêu thị, cửa hàng tự chọn ở nông thôn góp phần làm đa dạng thêm các loại hình kinh doanh bán lẻ hàng tiêu dùng.
* Mở rộng các chuỗi bán lẻ
Nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi đã xuất hiện ở các huyện, khu vực nông thôn trong những năm gần đây, kể cả những huyện vùng xa như: Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc... Theo Sở Công thương, tính đến đầu tháng 8-2020, trên địa bàn tỉnh có 174 cửa hàng tiện lợi thuộc các hệ thống: Bách hóa Xanh, Vinmart+ và Co.opFood.
Riêng chuỗi cửa hàng tiện lợi Bách hóa Xanh của Công ty CP Đầu tư Thế giới di động hiện đã phủ sóng ở tất cả 11 huyện, thành phố của tỉnh với 103 cửa hàng. Trong đó, nhiều huyện vùng xa đã có từ 2 cửa hàng trở lên như: Định Quán (6 cửa hàng), Xuân Lộc (6 cửa hàng), Vĩnh Cửu (5 cửa hàng), Tân Phú (2 cửa hàng)…
Ông Đặng Thanh Phong, đại diện Phòng Quan hệ công chúng của Công ty CP Đầu tư Thế giới di động cho biết, chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh đã “đổ bộ” về Đồng Nai từ hơn 2 năm trước và ngày càng mở rộng số lượng cửa hàng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Bên cạnh việc mở các cửa hàng ở khu vực đô thị, chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh còn hướng đến những khu vực nông thôn, khu vực đông công nhân, người lao động…
Trong khi đó, ông Lê Thanh Nhàn, Giám đốc điều hành của Siêu thị Hoàng Đức (TP.Long Khánh) cho biết, ngoài địa điểm chính ở TP.Long Khánh, siêu thị còn có thêm 1 cơ sở ở khu vực Gia Kiệm (H.Thống Nhất). Cơ sở này đi vào hoạt động được hơn 2 năm nay với những mặt hàng chính là các loại thực phẩm, mỹ phẩm, đồ gia dụng, thời trang... Khách hàng chủ yếu là người dân địa phương, công nhân ở những khu vực lân cận. Trong thời gian tới, siêu thị sẽ khảo sát, dự kiến mở thêm một cơ sở ở H.Xuân Lộc để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân địa phương…
* Thêm lựa chọn cho người tiêu dùng
Chị Ngọc Ánh, một người dân ở xã Phú Xuân (H.Tân Phú) chia sẻ: “Từ khi có các chuỗi cửa hàng tiện lợi, tôi có thêm một kênh để mua sắm khá thuận tiện, nhất là các loại thực phẩm với giá cả niêm yết rõ ràng, phong cách phục vụ khá chuyên nghiệp, cũng như thường xuyên có các chương trình ưu đãi, giảm giá để thu hút khách hàng…”.
Người dân chọn mua sản phẩm tại một cửa hàng Bách Hóa Xanh ở H.Tân Phú. (Ảnh: Lam Phương) |
Trong thời gian qua, Sở Công thương đã tiến hành nâng cấp các chợ truyền thống, nhất là ở khu vực nông thôn, để người dân có thêm sự lựa chọn khi mua hàng, nhất là các kênh, điểm bán thực phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh. Đồng thời, Sở triển khai 23 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam tại các địa phương trong tỉnh, nhất là các khu vực nông thôn với cách bố trí hàng hóa khoa học, ngăn nắp, hàng hóa đa dạng, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng… Điều này góp phần giúp người tiêu dùng ở những khu vực này có thêm các kênh mua sắm với giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng, vệ sinh… bên cạnh các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị của các doanh nghiệp đang ngày càng mở rộng.
Ông Nguyễn Văn Lĩnh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) chia sẻ, các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam thường được triển khai, hỗ trợ ở các xã chưa có chợ, chưa có các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp. Đây là những điểm triển khai các mặt hàng bình ổn giá của tỉnh trong các dịp cao điểm, Tết Nguyên đán…, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu.
Bà Nguyễn Thụy Kiều Giang, chủ một điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở xã Bàu Cạn - một xã vùng xa của H.Long Thành cho biết, cửa hàng được hỗ trợ chi phí mua kệ, tủ, giá trưng bày… theo quy chuẩn. Hàng hóa được bố trí ngăn nắp theo các khu vực phù hợp để người dân đến mua hàng thuận tiện lựa chọn các loại mặt hàng… Đồng thời, cửa hàng sẽ đảm bảo bán các loại hàng Việt với nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Trên thực tế, các chợ và cửa hàng tạp hóa truyền thống hiện vẫn là kênh mua bán được phần lớn người dân ở khu vực nông thôn lựa chọn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini… nằm trong xu thế ngày càng mở cửa của thị trường. Các kênh bán lẻ hiện đại này được dự báo sẽ ngày càng phát triển trong tương lai và tạo ra sự cạnh tranh không nhỏ với các mô hình bán lẻ truyền thống…
Lam Phương