Nếu như trước đây, Đồng Nai có nhiều "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường quanh các khu, cụm công nghiệp thì hiện nay, tình trạng này không còn phổ biến, vì đã được kiểm soát chặt chẽ.
Nếu như trước đây, Đồng Nai có nhiều “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường quanh các khu, cụm công nghiệp thì hiện nay, tình trạng này không còn phổ biến. Môi trường đất, nước, nước ngầm, không khí đã được kiểm soát chặt chẽ.
Đoàn công tác của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam giám sát thực tế quy trình xử lý nước thải công nghiệp tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam. Ảnh:B. Mai |
Việc quy hoạch phát triển công nghiệp theo từng khu, cụm; ưu tiên lựa chọn các dự án ít có nguy cơ ô nhiễm môi trường; đầu tư kinh phí lớn cho công tác bảo vệ môi trường; bảo vệ, khai thác, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên là những giải pháp cơ bản đang được áp dụng nhằm bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp.
* Nhiều giải pháp kiểm soát hiệu quả
Là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển các khu, cụm công nghiệp, nhưng nhiều năm gần đây, Đồng Nai không xảy ra sự cố lớn về môi trường trong sản xuất công nghiệp.
Ông Trần Trọng Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho rằng, đó là nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động, kiểm tra, đầu tư kinh phí cho bảo vệ môi trường và sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố nên môi trường sản xuất công nghiệp được kiểm soát chặt chẽ.
Cụ thể, về quy hoạch, Đồng Nai là địa phương sớm hình thành các khu, cụm công nghiệp tập trung ở những nơi có giao thông thuận lợi, hạ tầng đồng bộ và không có khu dân cư hoặc ít nhà dân hiện hữu. Tỉnh cũng quyết tâm đưa một số khu, cụm công nghiệp ra khỏi nội ô, đưa các cơ sở sản xuất gạch, gốm, gỗ ở khu dân cư vào cụm công nghiệp tập trung và hình thành các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành để thuận lợi cho kiểm tra, giám sát môi trường.
Về thu hút đầu tư, nhiều năm trở lại đây, Đồng Nai ưu tiên thu hút các dự án thân thiện với môi trường, dự án công nghiệp công nghệ cao, sử dụng ít nhân công lao động; đồng thời kiên quyết từ chối các dự án không đáp ứng được tiêu chí môi trường. Tỉnh giao cho Sở TN-MT và Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai thẩm định hồ sơ đăng ký kinh doanh, báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, kể cả đơn vị đầu tư hạ tầng bất động sản công nghiệp; không thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đối với các doanh nghiệp (DN) làm ăn lâu năm, tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện DN thay đổi dây chuyền sản xuất, hạn chế phát sinh nước thải, khí thải.
Cùng với đó, tỉnh đã đầu tư hàng loạt công trình, dự án nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, quản lý nguồn chất thải ở các khu, cụm công nghiệp. Điển hình là hệ thống nhà máy xử lý nước thải tập trung, mạng lưới quan trắc nước và khí thải tự động, hệ thống mương thoát nước bên hành lang các khu, cụm công nghiệp.
* Hướng đến phát triển công nghiệp bền vững
Nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong nhiều năm qua, đến nay 31/32 khu công nghiệp đang hoạt động hoàn thành xây dựng nhà máy xử lý nước thải, hơn 1,2 ngàn DN thực hiện đấu nối và khoảng 77% nước thải (gần 100 ngàn m3/ngày đêm) trong sản xuất công nghiệp được đưa về khu xử lý nước thải tập trung.
Về khí thải, hiện nay, hầu hết các DN, cơ sở sản xuất có phát sinh khí thải lớn đều trang bị hệ thống lọc, khử không khí theo yêu cầu. Ngoài ra, Sở TN-MT cho lắp đặt ít nhất 4 vị trí quan trắc ở mỗi khu, cụm công nghiệp nhằm kiểm soát môi trường không khí.
Liên quan đến giải pháp bảo vệ môi trường bền vững trong sản xuất công nghiệp, ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng DN về bảo vệ môi trường, hoàn thiện mạng lưới hệ thống nhà máy xử lý nước thải, hệ thống quan trắc nước và không khí tự động tại các khu, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc đấu nối nước thải của các DN và vận hành của nhà máy xử lý nước thải công nghiệp, thu gom xử lý chất thải công nghiệp, “siết” công tác thẩm định hồ sơ đăng ký kinh doanh, báo cáo đánh giá tác động môi trường của các nhà đầu tư mới và có chế tài mạnh với các DN để xảy ra ô nhiễm môi trường.
Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đang triển khai thực hiện 3 đề án để tăng cường việc quản lý, giám sát môi trường tại các khu công nghiệp đó là: Đề án lắp đặt camera giám sát tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp, Đề án đánh giá tổng thể các nhà máy xử lý nước thải tập trung và Đề án xây dựng khu công nghiệp sinh thái. Đây là 3 đề án quan trọng hướng đến sản xuất công nghiệp xanh trong tương lai.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho rằng, tới đây, Đồng Nai tiếp tục có chính sách cương quyết hơn nhằm bảo vệ môi trường và đảm bảo cho việc phát triển bền vững. Đó là chỉ cho phép mở rộng khu công nghiệp khi đảm bảo điều kiện về môi trường; hạn chế thu hút đầu tư các ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc tự động nước thải, khí thải để đảm bảo kiểm soát chất lượng nguồn nước, không khí ra môi trường.
Ban Mai