Theo đại diện lãnh đạo các địa phương, các nhà đầu tư, để phát triển bền vững các nguồn năng lượng tái tạo, đáp ứng yêu cầu cho tương lai, cần có cơ chế ưu tiên để khuyến khích phát triển.
Tại hội thảo Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) nối lưới và điện mặt trời trên mái nhà do Bộ Công thương tổ chức mới đây, đại diện lãnh đạo các địa phương, các nhà đầu tư cùng có ý kiến, để phát triển bền vững các nguồn NLTT, đáp ứng yêu cầu phát triển cho tương lai, cần cơ chế ổn định về giá mua điện, về thủ tục pháp lý để khuyến khích các hộ gia đình, doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư tham gia phát triển NLTT.
Phát triển điện năng lượng mặt trời tại Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa. Ảnh: Lê An |
[links()]* Hoàn thiện khung pháp lý
Nhiều DN cho rằng, sự thay đổi về chính sách là rủi ro lớn nhất với nhà đầu tư NLTT. Bởi trước khi triển khai dự án, nhà đầu tư đã tính toán kỹ chi phí đầu tư, giá bán, thời gian thu lợi dựa trên cơ sở giá Bộ Công thương quy định ở hiện tại, việc thay đổi khung giá, đơn vị quản lý đều gây bất lợi. Do đó, cần thống nhất cơ chế đấu thầu các dự án điện NLTT nối lưới; cơ chế xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải; hay các vấn đề liên quan đến quản lý, tiêu chuẩn kỹ thuật lắp đặt, an toàn của sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời mái nhà và ổn định khung giá mua điện NLTT của Nhà nước.
Trên thực tế, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn NLTT như: Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25-11-2015 phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10-9-2018 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.
Mới đây nhất là Quyết định số 13/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Theo đó, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới vận hành thương mại trước ngày 1-1-2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2 ngàn MWp là gần 2,1 ngàn đồng và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.
Liên quan đến Quyết định số 13 là áp dụng giá mua điện trong 20 năm đối với các dự án vận hành nối lưới trong thời gian từ ngày 1-7-2019 đến ngày 31-12-2020, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, Bộ đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ nới thời gian ưu đãi giá mua, có thể đến hết năm 2021 và hoàn thiện khung pháp lý để nhiều hộ gia đình, DN, nhà đầu tư cùng tham gia phát triển điện mặt trời mái nhà. “Thực tế khi ban hành quyết định vào tháng 4-2020, đúng vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội; nhiều nhà đầu tư, hộ gia đình và cả các DN bị tác động bởi dịch bệnh nên cần có thời gian thêm để thực hiện” - ông Vượng cho hay.
Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết thêm, chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển năng lượng, trong đó có NLTT đã hết sức rõ ràng. Chính phủ cũng đã đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp với thực tiễn phát triển cho từng giai đoạn và theo hướng công bằng, minh bạch, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhằm khai thác hết lợi thế, tiềm năng nguồn NLTT tại Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
* Có cơ chế ưu tiên cho phát triển NLTT
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp, 75% sản lượng điện phục vụ cho sản xuất công nghiệp - xây dựng và con số này sẽ tăng nhanh trong các năm tới. Vấn đề hạ tầng giao thông, nước cho phát triển công nghiệp, tỉnh hoàn toàn có thể chủ động, nhưng hạ tầng điện rất khó cam kết với nhà đầu tư nước ngoài vì phụ thuộc ngành điện. Quá trình đầu tư các công trình lưới điện công nghiệp mất nhiều thời gian giải phóng mặt bằng, đấu nối đường truyền. Do đó, phát triển NLTT tại Đồng Nai là rất cần. Trên cơ sở các quy định của Nhà nước, Bộ Công thương, tỉnh sẽ sớm ban hành cơ chế ưu tiên, khuyến khích phát triển NLTT, chủ yếu điện mặt trời mái nhà và điện từ xử lý rác.
Để tạo cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư, DN và hộ gia đình tham gia phát triển điện mặt trời mái nhà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, hiện nay, quy định DN, nhà đầu tư, hộ gia đình chỉ được lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà công suất không quá 1 MWp, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35kV trở xuống là không phù hợp. DN trong các KCN, các khu vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Đồng Nai hầu hết có diện tích mái nhà xưởng lớn. Ngoài ra, quy định các dự án điện mặt trời lớn hơn 1MWp phải bổ sung quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia đang làm mất đi cơ hội của nhiều nhà đầu tư; DN hoạt động trong các KCN mua lại điện của đơn vị kinh doanh hạ tầng gặp khó khăn trong bán điện NLTT lại cho nhà nước; làm rõ hơn khái niệm “điện mặt trời mái nhà” để các DN trong khu công nghiệp, các chủ đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao thuận tiện trong mua bán, kinh doanh NLTT.
Theo Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, tới đây, Đồng Nai sẽ trở thành một trong những địa phương phát triển về năng lượng mặt trời mái nhà. Điều này sẽ giúp Điện lực Đồng Nai giảm bớt áp lực nguồn cung, áp lực đầu tư hạ tầng; giúp Đồng Nai thực hiện tốt hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, Điện lực Đồng Nai đang xây dựng quy hoạch phát triển điện nói chung và phát triển điện năng lượng mặt trời mái nhà nói riêng đồng bộ, từ phát điện - truyền tải - phân phối. Quy hoạch này phải đồng bộ với quy hoạch đất đai, định hướng phát triển của tỉnh; hỗ trợ các DN, nhà đầu tư, hộ gia đình nối lưới và tiến hành thu mua điện theo quy định của Nhà nước. |
Lê An