Trong khi các đối tượng thụ hưởng khác như: người lao động mất việc làm, hộ kinh doanh cá thể tạm ngưng hoạt động, hộ nghèo, hộ cận nghèo... đã được nhận trợ cấp thì riêng gói vay 16 ngàn tỷ đồng hiện chưa có DN nào tiếp cận được vì vướng các quy định.
Trong khi các đối tượng thụ hưởng khác như: người lao động mất việc làm, hộ kinh doanh cá thể tạm ngưng hoạt động, hộ nghèo, hộ cận nghèo... đã được nhận trợ cấp thì riêng gói vay 16 ngàn tỷ đồng hiện chưa có DN nào tiếp cận được vì vướng các quy định.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất muốn tiếp cận các gói vay ưu đãi để phục hồi sản xuất. (Ảnh minh họa) |
* DN khó vay để trả lương
Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm vừa diễn ra ngày 2-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ LĐ-TBXH thực hiện sửa đổi ngay các tiêu chí để DN tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn.
Đối với gói vay 16 ngàn tỷ đồng, theo Nghị quyết Chính phủ, DN sẽ được vay với lãi suất 0%/năm để trả lương cho người lao động và ngân hàng chính sách xã hội có trách nhiệm giải ngân, nguồn vốn đã có đủ và sẵn sàng.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là trong quy định được xây dựng tại Nghị quyết số 42 của Chính phủ, để được phê duyệt vay vốn là phải có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên.
Ngoài ra, phải trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1-4 đến hết 30-6. DN cũng buộc phải chứng minh các khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả cho người lao động ngừng việc. Đặc biệt, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31-12-2019. Đó là chưa kể các thủ tục chứng minh về việc tạm ngừng lao động, lao động thất nghiệp… cũng tốn không ít thời gian.
Những quy định như trên đã làm… nản lòng các DN mặc dù họ rất muốn được nộp hồ sơ để vay, kết quả là DN phải tự tìm cách khác. Thực tế cho thấy, DN khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thường rơi vào các trường hợp kinh doanh thua lỗ, sản xuất bị đình trệ, phải đi vay nợ để cầm cự chờ phục hồi trở lại. Phần lớn các DN đều không đáp ứng được tiêu chí có 20% số lao động phải ngừng việc do trong thời gian xảy ra dịch, các DN vẫn bố trí công nhân làm việc giãn ca, luân phiên.
“Trong thời điểm dịch Covid-19 vừa qua, tìm hiểu thông tin thấy Chính phủ có các gói chính sách hỗ trợ nhưng DN chúng tôi thật sự không nhận được hỗ trợ nào. Cũng có gói vay để trả lương nhưng bắt buộc phải cho ngừng việc, như vậy thì có hỗ trợ cũng như không. Bởi lúc đó DN đã phải “thở ôxy”, thậm chí phá sản rồi” - chị Đoàn Thị Nguyên Thảo, Giám đốc Công ty CP Đào tạo Thành Nhân (TP.Biên Hòa) cho hay.
Một DN sản xuất tại TP.Biên Hòa cũng nhận định gói vay này có nhiều tiêu chí quá ngặt nghèo, nếu DN đạt được những tiêu chí đó thì dù có tiền cũng rất khó “gượng dậy”. Cái cần là ngay khi “chớm” gặp khó khăn, cần có sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước. Nếu không, DN phải tự xoay xở tìm đến các nguồn vốn vay nhiều rủi ro khác như: vay tài chính, vay nóng... để duy trì hoạt động sản xuất. Sau đó, lại phải tìm cách để trả các khoản nợ mà mình buộc phải vay nóng.
* Điều chỉnh tiêu chí để DN dễ tiếp cận hơn
Trong việc xây dựng chính sách, Bộ LĐ-TBXH thừa nhận DN đang gặp khó khăn trong tiếp cận do đưa ra tiêu chí cao đối với gói vay 16 ngàn tỷ đồng. Do đó, Bộ đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh mở rộng thêm đối tượng khó khăn được hỗ trợ. Đặc biệt là cần nới lỏng thêm tiêu chí cho DN vay trả lương, nhất là nới lỏng tiêu chí “DN không có nguồn thu mới được vay”.
Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 2-7, Bộ trưởng LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cũng đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh và giao Bộ và Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh các tiêu chí cho vay trong thời gian sớm nhất để DN có thể tiếp cận được ngay. Đồng thời, nới rộng thời gian cho DN vay đến hết tháng 12 để kích cầu tiêu dùng và sản xuất.
Cho ý kiến chỉ đạo về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ đồng ý điều chỉnh tiêu chí trong gói 16 ngàn tỷ đồng cho DN vay không lãi đến hết tháng 12-2020 nhằm giúp DN tiếp cận dễ hơn.
Theo các DN, hiện nay dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế, các DN đã trở lại sản xuất, kinh doanh, hoạt động trên các lĩnh vực. Việc nghiên cứu, sửa đổi Nghị quyết số 42 cần phù hợp hơn với điều kiện thực tế, giảm bớt thủ tục chứng minh tình hình tài chính của người sử dụng lao động. Đó cũng là điều kiện để DN tiếp cận dễ dàng hơn đối với các khoản hỗ trợ, giúp phục hồi được tốt hơn.
Văn Gia