Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó đạt mục tiêu giảm chôn lấp rác thải xuống dưới 15%

04:07, 10/07/2020

Theo Nghị quyết số 14/NQ-TU năm 2020 của Tỉnh ủy, đến cuối năm 2020, Đồng Nai sẽ giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải sinh hoạt xuống dưới 15% để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên,...

Theo Nghị quyết số 14/NQ-TU năm 2020 của Tỉnh ủy, đến cuối năm 2020, Đồng Nai sẽ giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải sinh hoạt xuống dưới 15% để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mục tiêu này được đánh giá là khó thực hiện.

Xử lý rác sinh hoạt bằng phương pháp sản xuất compost tại Khu xử lý chất thải xã Quang Trung (H.Thống Nhất). Ảnh:H. Lộc
Xử lý rác sinh hoạt bằng phương pháp sản xuất compost tại Khu xử lý chất thải xã Quang Trung (H.Thống Nhất). Ảnh:H. Lộc

Sở TN-MT, các ban, ngành, địa phương đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm giảm chôn lấp rác thải sinh hoạt xuống mức thấp nhất có thể.

* Khó hoàn thành chỉ tiêu

Chia sẻ tại hội nghị sơ kết 6 tháng ngành TN-MT mới đây, ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, hoạt động thu gom, phân loại, xử lý rác trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể như: 100% chất thải y tế, 100% chất thải rắn công nghiệp, 99% chất thải nguy hại, 99% chất thải sinh hoạt được thu gom, xử lý; 100% khu công nghiệp có đủ lượng nước thải vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung đã đi vào hoạt động và lắp đặt hệ thống quan trắc tự động truyền dữ liệu thường xuyên về Sở. Tuy nhiên, tỷ lệ chôn lấp chất thải sinh hoạt tại các khu xử lý (KXL) hiện tại vẫn còn khá cao, tác động xấu đến môi trường, gây lãng phí nguồn tài nguyên.

Đồng Nai hiện có 7 KXL rác được phê duyệt xây dựng, nhưng hiện mới có 2 khu đảm bảo được chỉ tiêu chôn lấp rác dưới 15% theo quy định là: KXL chất thải xã Quang Trung (H.Thống Nhất), do Công ty CP Dịch vụ Sonadezi làm chủ đầu tư, công suất xử lý rác hiện tại 1,1 ngàn tấn/ngày; KXL chất thải tại xã Túc Trưng (H.Định Quán) của Công ty TNHH Thương mại xây dựng Đa Lộc, xử lý khoảng 85 tấn/ngày.

Các khu còn lại đang hoàn thiện thủ tục hoặc trong quá trình vận hành thử nghiệm hệ thống đốt, xử lý rác bằng phương pháp compost; một số khu chỉ tiếp nhận xử lý rác thải công nghiệp.

Hiện tại, trung bình mỗi ngày Đồng Nai phát sinh khoảng 1.885 tấn rác thải sinh hoạt, 99,2% chất thải được thu gom, xử lý. Trong đó, khoảng 1.550 tấn rác được đưa về các KXL chất thải tập trung, còn lại tự xử lý theo hướng dẫn. Gần 1.087 tấn rác thải được tái chế/sản xuất compost (phân hữu cơ) và đốt, khoảng 463 tấn chôn lấp, chiếm gần 30%.

Ông Đặng Minh Đức cho rằng, mục tiêu thu gom 100% rác thải có thể hoàn thành, riêng giảm tỷ lệ chôn lấp xuống dưới 15% khó thực hiện. Việc sử dụng công nghệ xử lý rác lạc hậu; đầu tư hạ tầng cho thu gom, xử lý rác chậm trễ; nhiều địa phương chưa triển khai sâu rộng và hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn; các KXL rác chưa hoạt động hết công suất theo phê duyệt là những nguyên nhân dẫn đến mục tiêu giảm chôn lấp rác thải sinh hoạt chưa đạt yêu cầu. Điều này gây ra hệ lụy lớn cho môi trường, mất diện tích đất, lãng phí nguồn tài nguyên.

Ông Nguyễn Tấn Vinh, Trưởng phòng TN-MT TP.Biên Hòa cho rằng, trước đây, hoạt động thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn thành phố giao cho Phòng Quản lý đô thị, nay mới giao về cho Phòng TN-MT. Phòng đang tổ chức đấu thầu lại hoạt động thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn thành phố. Theo ông Vinh, chi phí thu gom 28 ngàn đồng/hộ là thấp, một số khu vực 2, 3 ngày mới có người thu gom. Thêm vào đó, một số khu vực công cộng như: đường giao thông, bãi đất trống, ven sông suối… không có người đóng tiền, dẫn đến tình trạng rác thải chưa được thu gom thường xuyên, chưa đạt mục tiêu thu gom 100% rác thải sinh hoạt.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Linh, Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc cho biết, hoạt động thu gom rác thải trên địa bàn huyện cơ bản đạt yêu cầu, nhưng vấn đề xử lý rác tại KXL chất thải Xuân Tâm (H.Xuân Lộc) của Công ty TNHH Cù Lao Xanh còn tồn tại nhiều hạn chế: KXL này có công suất xử lý 120 tấn rác/ngày, hiện đang vận hành hệ thống thử nghiệm xử lý rác bằng phương pháp compost khoảng 80 tấn/ngày nhưng công suất lò đốt chưa đảm bảo, việc đốt rác và xử lý bằng phương pháp compost gây ô nhiễm môi trường xung quanh…

Tại nhiều địa phương, nhiều KXL rác thải cũng chưa hoàn thành mục tiêu thu gom 100% chất thải sinh hoạt và giảm chôn lấp rác thải sinh hoạt xuống dưới 15% theo yêu cầu.

* Tăng cường thêm nguồn lực

Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, những năm gần đây, Đồng Nai tăng cường các giải pháp, tập trung nguồn lực cho công tác xử lý chất thải.

-	Phân loại rác thủ công để sản xuất compost tại Khu xử lý chất thải Quang Trung (H.Thống Nhất)
Phân loại rác thủ công để sản xuất compost tại Khu xử lý chất thải Quang Trung (H.Thống Nhất)

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho rằng, Đồng Nai đang làm mọi cách để hoàn thành chỉ tiêu thu gom 100% chất thải sinh hoạt, trong đó giảm tỷ lệ chôn lấp xuống dưới 15% trong năm 2020.

Đó là: đẩy mạnh thực hiện phân loại rác thải tại nguồn để tăng tỷ lệ rác thải tái chế, giảm thiểu tối đa rác thải chôn lấp; tăng tỷ lệ thu gom và đưa rác thải về các KXL chất thải tập trung; hỗ trợ các KXL rác hoàn thành thủ tục pháp lý để vận hành chính thức công nghệ đốt, ủ phân compost.

Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo đầu tư hạ tầng cho phân loại, thu gom và xử lý chất thải sau phân loại; các sở, ngành đôn đốc các đơn vị xử lý rác đổi mới công nghệ, tăng công suất xử lý chất thải sinh hoạt. Trước đó, Đồng Nai đã quyết định xây dựng nhà máy xử lý rác thành mùn phân compost tại KXL rác Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) với công suất 450 tấn/ngày.

Về giải pháp cụ thể để hoàn thành mục tiêu thu gom 100% chất thải sinh hoạt và giảm tỷ lệ chôn lấp xuống dưới 15%, ông Đặng Minh Đức cho rằng, cần phải tăng cường hơn nữa các nguồn lực cho công tác thu gom, xử lý chất thải. Trong đó, các KXL chất thải nhanh chóng hoàn thành các thủ tục pháp lý, đưa vào vận hành chính thức công nghệ xử lý rác được phê duyệt, đồng thời nâng công suất tiếp nhận và xử lý rác lên tối đa, giảm tỷ lệ rác thải sinh hoạt được xử lý theo hình thức chôn lấp.

Cụ thể, KXL chất thải ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất) hoàn thành thủ tục về xây dựng để đưa vào vận hành chính thức trạm tái chế chất thải làm phân compost 1,2 ngàn tấn/ngày; KXL rác Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) hoàn thành thủ tục và xây dựng Nhà máy xử lý chất thải bằng sản xuất compost công suất 450 tấn/ngày, kịp tiến độ đi vào hoạt động trong quý IV-2020;  KXL chất thải Xuân Tâm (H.Xuân Lộc) hoàn thành các điều kiện về môi trường để đưa dây chuyền xử lý phương pháp compost 120 tấn/ngày vào hoạt động; KXL chất thải Mỹ Xuân (H.Xuân Lộc) đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải cho lò đốt rác sinh hoạt 72 tấn/ngày.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích