Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, với những mục tiêu cụ thể vì nền kinh tế xanh.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, với những mục tiêu cụ thể vì nền kinh tế xanh.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của chương trình nhằm thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế. Giai đoạn 2021-2025, cả nước phấn đấu giảm 5-8% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất như: dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu bia nước giải khát, giấy và chế biến thủy, hải sản. 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy. Bên cạnh đó, 70% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; xây dựng, áp dụng 20-30 mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững; đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh…
Trên thực tế, “Chiến lược sản xuất sạch hơn” được Việt Nam triển khai từ năm 2009. Sau hơn 10 năm triển khai, thông qua chương trình, hàng ngàn doanh nghiệp (DN) đã được tiếp cận với những dự án sản xuất sạch hơn và sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, so với các nước trong khu vực, các nền tảng để hướng tới một nền kinh tế xanh, sạch vẫn còn ở mức thấp. Với tỷ lệ 97% DN Việt ở quy mô nhỏ và vừa thì trình độ công nghệ còn hạn chế, hầu hết DN vẫn còn sử dụng máy móc, dây chuyền công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, ảnh hưởng môi trường sinh thái. Để thay đổi, yêu cầu DN phải đầu tư lớn cho công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, thay thế nguyên liệu đầu vào.
Nhưng, nhìn rộng ra, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của DN về đổi mới công nghệ, tăng năng suất, chất lượng, giảm thiểu ảnh hưởng môi trường, phát triển bền vững thì để sản xuất sạch hơn cũng không chỉ là trách nhiệm riêng của giới doanh nhân, DN. Ở đây, câu chuyện thói quen của người tiêu dùng, nhu cầu thị trường cũng có vai trò lớn không kém. Bởi, khi người tiêu dùng ưa thích dùng các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, bắt kịp với xu hướng mới trên thế giới, nói không với các sản phẩm “tiêu cực” thì sẽ tạo động lực lớn, giúp DN quyết đoán hơn trong chiến lược xanh hóa sản phẩm của mình. Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân thì cũng đòi hỏi các chính sách khuyến khích của Nhà nước như hỗ trợ về mặt tài chính, thuế cho DN sản xuất xanh, tăng cường quảng bá những sản phẩm thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng…
Xu thế toàn cầu hiện nay là hướng đến sản xuất bền vững trước những thay đổi ngày càng phức tạp, khốc liệt của thiên nhiên. Do vậy, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng chính là nhằm bảo vệ và xây dựng một tương lai bền vững.
Đào Lê