Đối với các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, việc đưa một sản phẩm, dịch vụ mới đến với khách hàng là điều rất khó khăn, nhất là các DN trong lĩnh vực sản xuất.
Đối với các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, việc đưa một sản phẩm, dịch vụ mới đến với khách hàng là điều rất khó khăn, nhất là các DN trong lĩnh vực sản xuất.
Giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là giải pháp giúp doanh nghiệp dễ gia nhập thị trường hơn. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Đồ dùng nhà bếp Đông Sơn (H.Trảng Bom). Ảnh:V. Gia |
Thách thức mà DN gặp phải khi tìm “chỗ đứng” trên thị trường, ngoài sự cạnh tranh, còn có các chi phí khác như: tuân thủ pháp lý, điều kiện hoạt động, sản xuất, môi trường... Để khuyến khích thành lập DN mới và giúp DN phát triển bền vững, cần giải quyết tốt vấn đề này.
* Chi phí làm giảm tính cạnh tranh của DN
Nước uống tinh khiết các loại là sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Trần Nguyên Phát (TP.Biên Hòa). Là DN nhỏ nên để sản phẩm của mình có thể đến được với nhiều người tiêu dùng, công ty phải bỏ rất nhiều công sức, trong đó phải tìm mọi cách để quảng cáo sản phẩm. Nhưng chi phí để truyền thông, quảng bá sản phẩm theo cách truyền thống là rất lớn, buộc DN phải đi đến phương án tiếp cận trực tiếp thông qua tài trợ nước uống cho các chương trình, hội nghị, hội thảo và các sự kiện diễn ra trên địa bàn.
Anh Trần Thành Long, Giám đốc công ty cho hay, khi đã có những kết quả bán hàng bước đầu, DN nhỏ này muốn mở rộng sản xuất nhưng vẫn chưa thể. Nguyên do là bởi chi phí để tìm kiếm mặt bằng, xây dựng nhà xưởng đáp ứng các tiêu chí về môi trường, phòng cháy chữa cháy, pháp lý xây dựng, đất đai… là rất lớn. Do vậy, hoạt động sản xuất vẫn còn ở quy mô nhỏ, chưa thể bứt phá.
Giám đốc một DN khởi nghiệp khác tại TP.Biên Hòa cũng chia sẻ rằng hiện nay các thủ tục hành chính liên quan đến DN đã rút ngắn rất nhiều, thậm chí việc thành lập DN rất dễ dàng. Tuy nhiên, những thủ tục liên quan để gia nhập thị trường còn rườm rà, tốn thời gian và kinh phí. Thông thường, ở lĩnh vực sản xuất, chi phí tuân thủ pháp luật lớn hơn bởi các thủ tục pháp lý phức tạp hơn, từ đăng ký thành lập DN, chuẩn bị các điều kiện kinh doanh (trường hợp ngành nghề kinh doanh có điều kiện); thủ tục liên quan đến xây dựng như: thẩm định thiết kế, điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, xử lý phát thải môi trường; các điều kiện liên quan đến xuất nhập khẩu máy móc thiết bị và hàng loạt giấy phép khác...
Chính những điều ấy khiến DN e ngại mặc dù rất muốn “bung” ra để sản xuất, kinh doanh. Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Đặng Văn Điềm, nhiều DN trên địa bàn tỉnh có khả năng ký được những hợp đồng với các DN nước ngoài nhưng cuối cùng không thực hiện được hợp đồng. Nguyên do là không đủ điều kiện sản xuất theo các tiêu chí quy định, nhất là vấn đề tuân thủ môi trường, nhà xưởng sản xuất, hoặc phải nằm trong khu, cụm công nghiệp… Mà những điều này, DN nhỏ mới gia nhập thị trường khó lòng kham nổi. Đó cũng là lý do vì sao hiện nay, số lượng DN khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ đang có xu hướng nhiều hơn trong lĩnh vực sản xuất, dẫn đến sự thiếu bền vững của nền kinh tế.
* Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cần đi vào thực chất
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, những năm qua, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành phải nỗ lực cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, theo đánh giá của cộng đồng DN, việc cắt giảm này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Tại hội thảo về điều kiện gia nhập thị trường của doanh nghiệp ngày 24-6 vừa qua, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định, nhiều bộ, ngành báo cáo Chính phủ là 60% điều kiện kinh doanh đã giảm nhưng thực tế chỉ được 30%. Ông Lộc cho rằng các con số báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ “trên giấy” chứ không phải thực chất. Giảm điều kiện kinh doanh, hơn lúc nào hết, đang rất cần thiết với DN trong bối cảnh dịch Covid-19 gây nên nhiều hậu quả nặng nề. Do vậy, VCCI đề nghị các bộ, ngành sửa đổi 93 văn bản quy phạm pháp luật, 32 luật, 51 nghị định và 10 thông tư để khắc phục những chồng chéo, những rào cản về kinh doanh hiện nay.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Chính phủ, các bộ, ngành cần tập trung vào rút ngắn thời gian cấp phép, giảm chi phí và minh bạch các điều kiện theo hướng định lượng, hạn chế các điều kiện mang tính định tính. Đặc biệt, những vấn đề này cần được triển khai nhanh để hỗ trợ DN trong giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 và đang nỗ lực hồi phục như hiện nay.
Đối với Đồng Nai, tỉnh đang xây dựng đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa đến năm 2025. Cộng đồng DN trong tỉnh rất mong muốn, cùng với cắt giảm điều kiện kinh doanh từ Chính phủ, các bộ, ngành thì đề án lần này của Đồng Nai sẽ có những giải pháp hỗ trợ sâu sát, quyết liệt hơn nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, giúp DN giảm chi phí khi gia nhập thị trường.
Văn Gia