Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp kỳ vọng gì ở Luật Doanh nghiệp mới?

11:07, 22/07/2020

Luật Doanh nghiệp (DN) 2020 sẽ chính thức có hiệu lực từ 1-1-2021. Với cộng đồng DN, Luật DN mới được kỳ vọng sẽ giúp DN dễ tiếp xúc với thị trường, có điều kiện lớn lên và hoạt động bền vững hơn.

Luật Doanh nghiệp (DN) 2020 đã được Quốc hội thông qua, được Chủ tịch nước công bố và sẽ chính thức có hiệu lực từ 1-1-2021. Với những cải cách quan trọng, khắc phục các hạn chế trước đây, Luật DN 2020 thể hiện sự nhất quán của Việt Nam trong việc cắt giảm các thủ tục hành chính tạo môi trường thông thoáng, thu hút DN đầu tư kinh doanh.

Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có các cải cách mạnh mẽ hơn trong việc xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh Trong ảnh: Giới thiệu sản phẩm tại một siêu thị nội thất xây dựng ở Biên Hòa
Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có các cải cách mạnh mẽ hơn trong việc xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh Trong ảnh: Giới thiệu sản phẩm tại một siêu thị nội thất xây dựng ở Biên Hòa

Với cộng đồng DN, Luật DN mới được kỳ vọng sẽ giúp DN dễ tiếp xúc với thị trường, có điều kiện lớn lên và hoạt động bền vững hơn.

* Nhiều thay đổi phù hợp với thực tế phát triển

So với Luật DN 2014, lần sửa đổi này có nhiều cải cách quan trọng, trong đó nhất quán với tiến trình cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký DN, gia nhập thị trường. Cụ thể, với 10 chương và 219 điều, luật đã bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định DN có thể sử dụng dấu số thay cho dấu truyền thống. Khi thành lập DN, đã có thể đăng ký thông tin qua mạng với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay.

Nhiều sửa đổi khác nhằm phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và yêu cầu thực tế của cộng đồng DN để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn như việc sửa đổi quản trị công ty TNHH theo hướng không bắt buộc phải thành lập ban kiểm soát, có thể thuê ngoài kiểm toán viên hoặc công ty kiểm toán để thực hiện chức năng kiểm soát (trừ DN có vốn nhà nước). Các cổ đông, nhóm cổ đông được mở rộng quyền tiếp cận thông tin tình hình hoạt động của công ty để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Luật cũng hạn chế người quản lý hoặc cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông nhỏ. Những chi tiết này nhằm mục tiêu nâng cao khuôn khổ pháp lý về quản trị DN và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế…

Luật DN sửa đổi lần này cũng thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm giao dịch cho thị trường chứng khoán. Các DN có cơ hội mở rộng, thu hút vốn đầu tư, góp vốn từ cả trong và ngoài nước. Việc mua bán, sáp nhập DN cũng dễ dàng hơn.

* Nhất quán với tiến trình cải cách môi trường kinh doanh

Luật DN cùng với Luật Đầu tư được thông qua cùng thời điểm đã thể hiện tính nhất quán, đồng bộ trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Những năm qua, hằng năm, Chính phủ đều ban hành các nghị quyết để thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các chuyên gia kinh tế nhận định Luật DN 2020 với những điều chỉnh quan trọng được kỳ vọng sẽ tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, qua đó thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.

Đối với cộng đồng DN, luật DN mới được chờ đợi với tâm thế có thể có được những thuận lợi hơn trong quá trình gia nhập thị trường, minh bạch hóa môi trường kinh doanh, tiết giảm thủ tục hành chính.

Theo ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (Khu công nghiệp Biên Hòa 1), những năm qua thể chế, môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được Nhà nước cải cách, thay đổi để phục vụ yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, thực tế thì các chính sách vẫn chưa theo sát được với tình hình cụ thể. Cộng đồng DN vẫn gặp những áp lực từ chính sách, với những điều kiện còn khắt khe. Do vậy, nhiều lúc để có thể đáp ứng được các “thủ tục hành chính”, DN đã lỡ cơ hội hợp tác, làm ăn, nhất là với đối tác nước ngoài.

“Với những thay đổi trong chiều hướng đơn giản hóa thủ tục kinh doanh, giúp tiếp cận thị trường tốt hơn và các căn cứ pháp lý khác để DN có khả năng lớn lên, chúng tôi kỳ vọng luật sẽ có thể đi vào thực tiễn. Đồng thời, những chính sách hỗ trợ DN khác từ các bộ, ngành, địa phương cũng phải đồng bộ. Và các chính sách pháp luật khác liên quan đến DN cũng không được chồng chéo, gây khó khăn” - ông Phan Văn Tứ nói.

Với một DN mới như Công ty TNHH Thiết kế xây dựng kiến trúc nội thất truyền thông Gold Home (TP.Biên Hòa), các vấn đề về cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký DN, gia nhập thị trường rất được quan tâm. “Thành lập DN là nhằm biến ý tưởng kinh doanh thành thực tế thông qua một pháp nhân. Tuy nhiên giai đoạn đầu, người khởi sự kinh doanh còn gặp rất nhiều khó khăn, chưa thể cùng một lúc đáp ứng được nhiều yêu cầu, do vậy, thuận lợi hóa giúp DN mới gia nhập thị trường là điều rất quan trọng” - ông Trần Nhân Giáp, Giám đốc công ty chia sẻ.

Văn Gia

 

 

Tin xem nhiều