Hiện giá nhiều loại cá nước ngọt trên thị trường Đồng Nai đang giảm sâu. Người nuôi cá nước ngọt không chỉ đang "gồng mình" gánh lỗ vì giá cá giảm mạnh mà càng khó khăn hơn khi không kiếm được thương lái tiêu thụ hàng.
Hiện giá nhiều loại cá nước ngọt trên thị trường Đồng Nai đang giảm sâu. Người nuôi cá nước ngọt không chỉ đang “gồng mình” gánh lỗ vì giá cá giảm mạnh mà càng khó khăn hơn khi không kiếm được thương lái tiêu thụ hàng.
Thu hoạch cá tại làng cá bè trên sông Cái thuộc P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa). Ảnh: B.Nguyên |
Mặt hàng cá nước ngọt đang đối mặt với cơn khủng hoảng “cung lớn hơn cầu” vì cả thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đều gặp khó do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
* Giá nhiều loại cá giảm sâu
Khảo sát tại nhiều khu vực nuôi cá quy mô lớn của Đồng Nai cho thấy, giá bán của mặt hàng cá nước ngọt chuyên cung cấp cho thị trường xuất khẩu như cá tra hiện đang giảm sâu xuống dưới giá thành sản xuất, chỉ còn 15 ngàn đồng/kg vì xuất khẩu bị đình đốn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các loại cá nước ngọt khác như: cá chép, cá lóc, cá diêu hồng... nuôi bè cũng đều xuống dưới 40 ngàn đồng/kg, giảm từ 5-7 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng các mặt hàng đặc sản như: cá chép giòn, cá trắm lớn, cá quế... thì giá bán ra giảm hàng chục ngàn đồng/kg.
Theo nhiều nông dân nuôi cá, đây là mức giá thấp nhất trong vòng vài năm gần đây. Ông Nguyễn Văn Khiêm, Tổ trưởng Tổ hợp tác thủy sản cá bè Phú Ngọc (xã Phú Ngọc, H.Định Quán) cho biết, từ sau dịch Covid-19 đến nay, giá nhiều loại cá nước ngọt “giảm dần đều” và hiện đang ở mức gần sát với giá thành sản xuất, có loại xuống dưới giá thành sản xuất. Vụ thu hoạch này, nông dân nuôi cá có lợi nhuận rất thấp, thậm chí lỗ vốn vì giá bán ra thấp hơn nhiều so với cùng kỳ mọi năm.
Cùng nỗi lo, ông Vũ Đình Đàm, Giám đốc HTX Thủy sản du lịch sinh thái Làng Bè ở P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) chia sẻ, nguồn cá đang chờ thu hoạch tại làng nuôi cá bè trên sông Cái (TP.Biên Hòa) còn rất lớn. Người nuôi cá lo lắng vì giá cá giảm sâu và chưa có dấu hiệu dừng lại vì nguồn cung còn rất dồi dào trong khi thị trường tiêu thụ quá chậm. “Trong đó, khó khăn nhất là những bè nuôi các loại cá đặc sản như cá chép giòn, cá trắm lớn, cá quế... vì giá bán ra giảm hàng chục ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lượng tiêu thụ vẫn nhỏ giọt” - ông Đàm nhận xét.
* Khó tiêu thụ
Hiện nay, nhiều vùng nuôi cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh như: làng nuôi cá bè ở P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa); làng nuôi cá bè trên sông La Ngà (H.Định Quán); vùng nuôi cá tra, cá chim tại xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu); vùng nuôi cá nước ngọt tại xã Sông Mây (H.Trảng Bom)... đang vào vụ thu hoạch. Tại nhiều vùng, sản lượng cá chỉ mới tiêu thụ được từ 30-50% trên tổng sản lượng cả vùng, còn tồn dư hàng ngàn tấn cá cần thu hoạch. Người nuôi cá ngày càng lo lắng hơn vì giá cá giảm sâu nhưng vẫn khó tìm được thương lái thu mua.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi cá tra VietGAP ở ấp Vàm (xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu) lo lắng: “Nhiều hộ nuôi cá ở vùng này hiện như đang “ngồi trên lửa” vì cá đến lúc thu hoạch nhưng gọi không được thương lái. Gia đình tôi phải trữ cá tại ao chờ cả tháng mới có thương lái đến thu mua nhưng cũng mua rải dần suốt nhiều tuần chứ không mua tập trung trong một vài ngày như trước”.
Cũng theo ông Cảnh, người nuôi cá đang đối mặt với tình trạng thua lỗ nặng vì giá bán cá hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Nhưng khó khăn nhất là cá đã đến lúc thu hoạch nhưng chậm đánh bắt, người nuôi vẫn phải tốn chi phí cho ăn và công chăm sóc nhưng cá không tiếp tục tăng trưởng, thậm chí bị hao hụt dần.
Lý giải việc giá cá giảm sâu nhưng vẫn khó tiêu thụ, ông Nguyễn Văn Vị, thương lái thu mua cá tại P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) cho hay, sau dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ ở cả thị trường xuất khẩu và nội địa đều giảm mạnh. Trong khi đó, nguồn cung dồi dào hơn mọi năm vì nhiều tỉnh, thành tăng sản lượng nuôi các loại cá nước ngọt. Dự báo giá các loại cá nước ngọt vẫn trên đà giảm vì nguồn cung còn rất lớn, trong khi thị trường tiêu thụ vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đạt gần 33 ngàn tấn, tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tăng cao nhất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản là sản lượng cá, đạt trên 28,8 ngàn tấn, tăng hơn 5,1%. |
Bình Nguyên