Hiện nay, các loại trái cây đặc sản thế mạnh của Đồng Nai như: sầu riêng, chôm chôm, xoài, bưởi... có nhiều tiềm năng để cung ứng cho các chợ đầu mối, chuỗi phân phối, bán lẻ hiện đại.
Hiện nay, các loại trái cây đặc sản thế mạnh của Đồng Nai như: sầu riêng, chôm chôm, xoài, bưởi... có nhiều tiềm năng để cung ứng cho các chợ đầu mối, chuỗi phân phối, bán lẻ hiện đại.
Nông dân thu hoạch bưởi tại xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: L.Phương |
Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng các loại trái cây ở các địa phương trong tỉnh vào được các chuỗi hệ thống này vẫn còn khiêm tốn, chưa được như kỳ vọng.
* Nhiều đặc sản đang gặp khó
Theo nhiều HTX, tổ hợp tác chuyên về các loại trái cây trong tỉnh, những loại trái cây đặc sản vẫn còn gặp khó khi muốn vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ. Nguyên nhân là do nguồn cung ứng còn hạn chế, chủ yếu theo mùa vụ; hình dáng, mẫu mã, các nhãn hàng hóa nhiều loại trái cây chưa bắt mắt, chưa đúng tiêu chuẩn dù chất lượng trái cây được đánh giá cao, sản xuất theo các mô hình sạch... Hơn thế nữa, việc tiếp cận được kênh bán hàng hiện đại còn “vướng” ở các điều khoản về hợp đồng, quy định giao hàng và thanh toán...
Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc chia sẻ, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX, nhà vườn trong tỉnh tham gia vào những chương trình kết nối giao thương đối với các loại trái cây đặc sản với các siêu thị, hệ thống bán lẻ và các địa phương trong và ngoài tỉnh, cũng như tăng cường những cuộc hội thảo, trao đổi cung - cầu giữa các bên liên quan. |
Bà Đỗ Thị Minh Thơm, đại diện HTX Nông sản sạch Bàu Tre (H.Long Thành) cho biết, hiện nay, các sản phẩm trái cây như sầu riêng, măng cụt của HTX chủ yếu cung cấp cho các thương lái hoặc để phát triển du lịch vườn. Việc cung ứng cho các siêu thị còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các vấn đề liên quan đến chi phí đóng gói, vận chuyển. Ngoài ra, nguồn hàng đạt chuẩn về kích thước, độ chín để đáp ứng các đơn hàng lớn của các siêu thị cũng là bài toán nan giải, nhất là đối với các loại sầu riêng sạch, chín cây...
Trong khi đó, ông Trần Quang Trung, Giám đốc HTX Thương mại - dịch vụ nông nghiệp Tà Lài (xã Tà Lài, H.Tân Phú) cho hay, bên cạnh việc đạt các tiêu chí về chất lượng, các tiêu chuẩn về nhãn mác cũng là yếu tố mà HTX đang dần thay đổi để phù hợp, đáp ứng được các điều kiện để phấn đấu đưa sản phẩm bưởi da xanh của HTX đến các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi...
Hiện nay, Đồng Nai có 2 đặc sản được cấp chỉ dẫn địa lý là chôm chôm Long Khánh và bưởi Tân Triều. Trong thực tế, một số loại nông sản được cấp chỉ dẫn địa lý của Đồng Nai vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ dần mai một vì gặp khó khăn ở khâu phân phối, phát triển thị trường.
Đơn cử, chôm chôm Long Khánh được cấp chỉ dẫn địa lý gồm có chôm chôm tróc (java) và chôm chôm nhãn. Đây cũng là 2 giống trái cây đặc sản đã có tiếng thơm lâu đời nhờ chất lượng cao. Điều đáng tiếc là 2 giống đặc sản nổi tiếng này đang mất dần vị thế bởi vài năm trở lại đây, nhiều nông dân của các địa phương nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý của 2 giống chôm chôm này lại có xu hướng bỏ chôm chôm java và chôm chôm nhãn để chuyển sang trồng chôm chôm giống Thái cho lợi nhuận tốt hơn.
Ông Phan Trần Thiên Lý, Phó trưởng phòng Kinh tế TP.Long Khánh chia sẻ, hiện nay, nhiều HTX, tổ hợp tác về chôm chôm ở địa phương mong muốn kết nối, tìm đầu ra ở các thị trường ổn định hơn tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại đối với các loại chôm chôm đặc sản của địa phương đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, để nâng cao sức cạnh tranh của loại đặc sản này với các giống chôm chôm Thái thì việc chế biến sâu cũng được chú trọng. Do đó rất cần các doanh nghiệp, cơ sở chế biến tham gia, phát triển các chuỗi sản xuất bền vững cho các loại chôm chôm java đặc sản.
* Đa dạng hóa sản phẩm
Theo đại diện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi, để gỡ khó những “nút thắt” điều kiện cung ứng sản phẩm vào siêu thị các loại trái cây đặc sản của địa phương, cần có thêm nhiều buổi gặp gỡ giữa đại diện thu mua của các siêu thị với nông dân, doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến nông sản để các bên nắm bắt thông tin, tìm hiểu nhu cầu của nhau...
Ông Bùi Quang Châu, phụ trách quản lý MM Mega Market Biên Hòa cho biết, hiện nay bộ phận thu mua của siêu thị ở khu vực miền Nam rất quan tâm tới các sản phẩm trái cây của Đồng Nai, nhất là các sản phẩm như chôm chôm, bòn bon... Do đó, siêu thị rất mong tìm kiếm các nguồn hàng phù hợp, đảm bảo các tiêu chuẩn để đưa vào hệ thống phân phối của siêu thị.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Lợi, quản lý chuỗi hệ thống cửa hàng Bách hóa xanh (thuộc Công ty CP Thế giới di động) ở Đồng Nai cho biết, Đồng Nai có nhiều loại trái cây tiềm năng. Bách hóa xanh hiện đang tìm kiếm nhiều nguồn cung cấp phù hợp về trái cây đặc sản của địa phương tại các khu vực như: Xuân Lộc, Long Khánh, Thống Nhất...
Để nắm bắt cơ hội đưa hàng hóa vào các kênh tiêu thụ ổn định, hiện đại, các nhà vườn, HTX về trái cây cần có phương án phát triển bền vững, chú trọng đa dạng hóa các loại sản phẩm, sản xuất theo hướng sạch, hữu cơ, cũng như chú trọng hơn nữa về khâu nhãn mác, phát triển thương hiệu. Trong thời gian qua, nhiều sở, ngành trong tỉnh cũng đã hỗ trợ các HTX về việc đăng ký nhãn hiệu, phát triển website quảng bá sản phẩm.
Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương cho biết, nhiều trang trại, HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ của huyện đang đầu tư vào các khâu chế biến những đặc sản từ các loại trái cây thế mạnh của địa phương như: bưởi, xoài... Hiện nay, nhiều loại sản phẩm như: tinh dầu bưởi, mứt bưởi, xoài sấy, nước ép xoài... đang được nghiên cứu, phát triển để đa dạng các sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để những đặc sản trên được chứng nhận là sản phẩm nông nghiệp sạch theo hướng đưa sản phẩm vào đăng ký nhãn hàng hóa theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hỗ trợ nông dân kết nối, mở rộng thị trường đối với các loại trái cây đặc sản.
Lam Phương