Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, việc mở rộng thị trường của doanh nghiệp (DN) trong nước là vấn đề được quan tâm hàng đầu khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực.
Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, việc mở rộng thị trường của doanh nghiệp (DN) trong nước là vấn đề được quan tâm hàng đầu khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực.
Sản xuất hàng dệt may tại Công ty CP Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata). Ảnh:H. Lộc |
Để cạnh tranh và phát triển, DN cần xác định, xây dựng các phương án, kế hoạch sản xuất, tìm kiếm cơ hội ở những thị trường tiềm năng...
* Cần hiểu rõ về hàng rào kỹ thuật, thuế quan
Hiện nay, nhiều DN ngày càng quan tâm tới hoạt động tìm hiểu kiến thức, hành lang pháp lý về hội nhập, về các FTA thế hệ mới. Đây là kênh thông tin hữu hiệu giúp DN chuẩn bị điều kiện cần thiết để chủ động phòng vệ thương mại, vượt qua các rào cản, tổ chức thực hiện các hoạt động quảng bá sản phẩm địa phương.
Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn vượt qua khó khăn, nhất là những tác động của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua, các DN trong nước cần tự đổi mới mình để thích nghi với thời cuộc. DN cần tăng cường tính liên kết, tự nâng cao trình độ, đặc biệt là cần hiểu rõ về các FTA với các nước, khu vực trên thế giới mà Việt Nam tham gia. Qua đó nắm bắt các cơ hội, nhận diện những rủi ro, thách thức, rào cản về hội nhập quốc tế, cũng như tiếp cận các thị trường phù hợp. |
Ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh (TP.Biên Hòa) cho biết, công ty chủ động tìm kiếm các thị trường tiềm năng. Trước đây, công ty chủ yếu sản xuất gia công qua các thị trường lớn. Hiện nay, để mở rộng thị trường, công ty cũng thường xuyên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để biết sản phẩm của mình “đang ở đâu”, cần thay đổi, điều chỉnh như thế nào về tiêu chuẩn, bao bì để phù hợp với các thị trường, nhất là các thị trường tiềm năng.
Tương tự, ông Lương Ngọc Hồi, Phó giám đốc Công ty TNHH Great Kingdom Giang Điền (H.Trảng Bom) cho hay, công ty thường xuyên cử các chuyên viên về xuất nhập khẩu tham dự các lớp tập huấn, khóa đào tạo về các FTA, cũng như xây dựng kế hoạch tiếp cận những thị trường mới, giàu tiềm năng để chủ động nắm bắt các cơ hội, tìm hiểu kỹ về hàng rào kỹ thuật, thuế quan, từ đó thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại TP.HCM chia sẻ, để nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng các thị trường xuất khẩu, DN trong nước, nhất là các DN nhỏ và vừa, cần chủ động cập nhật kiến thức về hội nhập quốc tế, kiến thức, kỹ năng kinh doanh thời các FTA; cũng như trau dồi, vận dụng kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, tận dụng sự phát triển công nghệ thông tin vào nền kinh tế số trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển.
* Tiếp cận các thị trường ngách
Theo các chuyên gia, điểm mạnh của phần lớn các DN trong nước là tính năng động, linh hoạt trong phân khúc nhỏ của thị trường, trong các thị trường “ngách”... Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, bên cạnh việc tìm kiếm cơ hội ở các thị trường truyền thống, việc tiếp cận các thị trường ngách có sức mua cao trong khi các yêu cầu về kỹ thuật, tiêu chuẩn hàng hóa “nhẹ” hơn so với các thị trường lớn sẽ mở ra cơ hội cho các DN Việt, nhất là các DN nhỏ và vừa.
Đơn cử, EU là khối thị trường chung nhưng mỗi thị trường thành viên lại có đặc điểm, nhu cầu quy định nhập khẩu và sở thích tiêu dùng không giống nhau. Trong bối cảnh DN Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ và vừa, quy mô sản xuất còn hạn chế, năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn khoảng cách cần cải thiện nên cần có cách tiếp cận thị trường phù hợp.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) nhận định, bên cạnh các thị trường truyền thống, có nhiều thị trường ngách phù hợp với năng lực cạnh tranh của DN nhỏ và vừa trong nước, nhất là ở một số quốc gia thuộc khu vực Đông Âu, Nam Âu... Đây là những thị trường tiềm năng, có sức mua khá, có kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam gia tăng và chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh được coi là “cánh cửa” giúp hàng Việt vào sâu hơn thị trường EU khi các dòng thuế được gỡ bỏ từ Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA)...
Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh, trước xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng, các DN cần thay đổi tư duy tiếp cận thị trường, tìm hiểu kỹ các điều kiện, hàng rào pháp lý để hoàn thiện lại cơ cấu sản xuất, tận dụng cơ hội tại các thị trường tiềm năng bên cạnh những thị trường lớn, truyền thống.
Trong thời gian tới, Sở sẽ bám sát chương trình, kế hoạch của Bộ Công thương để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, tổ chức những lớp tập huấn về các FTA đa phương và song phương mà Việt Nam đã tham gia và ký kết nhằm nâng cao nhận thức của DN, giúp DN chuẩn bị điều kiện cần thiết để hội nhập, cũng như đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của các DN trong tỉnh đến các thị trường trên thế giới, nhất là các thị trường phù hợp với điều kiện, quy mô sản xuất của các DN trong tỉnh.
Lam Phương