Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó thu hồi đất cho các cụm công nghiệp

04:06, 19/06/2020

Đồng Nai quy hoạch 27 cụm công nghiệp (CCN) để di dời, mời gọi các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào đầu tư. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới có 18 CCN được thành lập...

Đồng Nai quy hoạch 27 cụm công nghiệp (CCN) để di dời, mời gọi các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào đầu tư. Tuy nhiên, đến nay mới có 18 CCN được thành lập và trong đó có nhiều CCN đang gặp khó khăn về bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất để làm hạ tầng.

Sản xuất gốm sứ trong Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh ở P.Tân Hạnh (TP.Biên Hòa). Ảnh:K. Minh
Sản xuất gốm sứ trong Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh ở P.Tân Hạnh (TP.Biên Hòa). Ảnh:K. Minh

Theo Sở Công thương, hiện toàn tỉnh mới có 4 CCN triển khai xây dựng hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, còn lại các CCN khác đang trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, làm thủ tục đầu tư.

* Vướng trong thu hồi đất

Hầu hết chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN đều có chung một đánh giá, vướng mắc nhất trong việc xây dựng hạ tầng các CCN là việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất. Trong đó, nguyên nhân chính là do giá đất bồi thường bị đẩy lên quá cao, gấp 1,5-3 lần so với trước đây, nhiều nhà đầu tư lo vốn bỏ ra đầu tư hạ tầng CCN không hiệu quả. Thế nhưng, các doanh nghiệp làm hạ tầng cũng khó rút lui khi vốn đã đổ vào các dự án hạ tầng CCN không ít.

Ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai cho biết: “Công ty đang đầu tư hạ tầng CCN Hưng Lộc ở H.Thống Nhất, dự kiến đến năm 2018 sẽ hoàn thành và thu hút doanh nghiệp trên các lĩnh vực may mặc, chế biến nông lâm sản, công nghiệp hỗ trợ vào đầu tư. Tuy nhiên, do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài đến nay chưa xong nên hiện CCN vẫn chưa đầu tư hoàn chỉnh được hạ tầng”. CCN Hưng Lộc có quyết định của UBND tỉnh thành lập từ năm 2014 với tổng diện tích gần 42ha. 

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng CCN được giao cho các địa phương phối hợp với chủ đầu tư để thực hiện. Trong gần 3 năm qua, giá đất tại Đồng Nai tăng khá cao, có nơi tăng 2-8 lần, do đó, người dân bị thu hồi đất cho các CCN yêu cầu tiền bồi thường phải tương ứng với giá thị trường. Giá đất ngoài thị trường ở Đồng Nai nhiều nơi đã bị đẩy cao hơn nhiều so với giá trị thực, vì thế các địa phương không thể xây dựng giá bồi thường ngang với giá chuyển nhượng ngoài thị trường. Việc này dẫn đến nhiều hộ dân không đồng tình giao đất khiến dự án kéo dài.

Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom Lê Hữu Đảng cho hay: “Huyện có CCN Sông Trầu rộng hơn 30ha đang gặp khó khăn trong việc thu hồi đất để thực hiện. Thời gian qua, do giá đất bồi thường tăng quá cao, chủ đầu tư tính toán nếu đầu tư xong, hiệu quả đồng vốn bỏ ra không cao nên đã xin rút khỏi dự án. Vì thế, huyện đang mời gọi nhà đầu tư hạ tầng khác”.

* Tìm cách gỡ khó cho CCN

Đa số các CCN của Đồng Nai đều phải thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình để thực hiện. Đây cũng là trở ngại lớn nhất trong thực hiện hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp khi muốn đầu tư vào CCN thấy diện tích dành cho CCN nhỏ, vốn đầu tư hạ tầng bằng hoặc cao hơn so với đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, trong khi giá cho thuê đất lại phải thấp hơn khu công nghiệp nên rất ngại bỏ vốn ra. Do đó, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng CCN rất khó khăn, một số nơi không thu hút được UBND huyện phải đứng ra làm chủ đầu tư.

Ông Phạm Minh Phước, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu chia sẻ: “H.Vĩnh Cửu được quy hoạch nhiều CCN và phần lớn các CCN đều có chủ đầu tư. Để giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các CCN, huyện ưu tiên hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất sạch giao cho chủ đầu tư”.

Thời gian qua, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các CCN gần 20 tỷ đồng/CCN.  Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ di dời vào các CCN, mục đích là để các CCN xây dựng xong sớm được lấp đầy và giúp doanh nghiệp nhỏ di dời vào để có nơi sản xuất ổn định, lâu dài.

Theo Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương, những khó khăn, vướng mắc về đầu tư hạ tầng các CCN Sở Công thương đều nắm rõ và đã đề xuất với UBND tỉnh có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kịp thời. Những vướng mắc liên quan đến đất đai của các CCN không riêng Đồng Nai mà nhiều tỉnh, thành khác cũng bị tương tự. Vì thế, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành Nghị định để tháo gỡ khó khăn về đất đai cho CCN và một số lĩnh vực khác. Tỉnh đang chờ nghị định trên được ban hành sẽ căn cứ vào đó thực hiện, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư hạ tầng CCN. Mục tiêu của tỉnh là sớm hoàn thành hạ tầng của hơn 20 CCN còn lại tại các huyện, thành phố.

Khánh Minh

Tin xem nhiều