Báo Đồng Nai điện tử
En

Đón đầu xu hướng tiêu dùng sau đại dịch

04:06, 24/06/2020

Kết quả khảo sát về những tác động của dịch Covid-19 được Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar công bố vào giữa tháng 6 cho thấy nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi đáng kể.

Kết quả khảo sát về những tác động của dịch Covid-19 đối với người tiêu dùng Việt Nam được Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar (TP.HCM) công bố tại buổi hội thảo Tái khởi động kinh doanh sau Covid-19 và trao chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) năm 2020 vào giữa tháng 6 vừa qua cho thấy nhu cầu mua sắm của người dân đã thay đổi đáng kể.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm Việt tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm Việt tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: H. Quân

Giỏ hàng “đợt dịch” được “nạp” đầy với ba nhóm hàng hóa chính gồm: các loại thực phẩm cần thiết, tiện lợi; các sản phẩm vệ sinh và sản phẩm giúp tăng cường sức khỏe, phản ánh mức độ ưu tiên của người tiêu dùng cho các nhu cầu cơ bản trong thời gian cách ly xã hội.

* Doanh nghiệp tái lập các kênh phân phối

Ngoài ra, với các chiến dịch #stayhome (ở nhà), những mặt hàng liên quan đến nhu cầu kết nối, nhu cầu xã hội như đồ ăn vặt, các sản phẩm giúp đơn giản hóa việc nấu ăn, sản phẩm chăm sóc cá nhân cũng có sự tăng trưởng tích cực.

Theo đại diện một số siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua, nhu cầu sử dụng hàng Việt của người tiêu dùng đã có nhiều chuyển biến, nhất là đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đóng gói... Xu hướng này vẫn được duy trì sau khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế. Do đó, nhiều siêu thị đẩy mạnh nhập hàng, cung ứng nhiều sản phẩm Việt thuộc các ngành hàng  như: thực phẩm, nhu yếu phẩm...

Về phía các doanh nghiệp (DN), sau thời gian hoạt động sản xuất, kinh doanh bị tác động bởi dịch Covid-19, nhiều DN đã bắt đầu tái cơ cấu sản xuất, thiết lập lại các kênh phân phối tận dụng ưu thế sản phẩm Việt sẵn có để sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước.

Ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty CP Bibica (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) cho biết, trước tác động của dịch bệnh, sức mua chung của khách hàng giảm, gây khó khăn cho công ty trong thời gian qua. Để đón đầu nhu cầu của khách hàng trong thời gian tới, công ty chủ động tái lập hệ thống phân phối, đội ngũ bán hàng, xây dựng kế hoạch đầu tư các sản phẩm chủ lực theo từng giai đoạn phù hợp, cũng như chủ động tham gia các chương trình, hội chợ kích cầu hàng tiêu dùng trên cả nước.

Bà Chu Hải Yến, đại diện Công ty CP Lothamilk (TP.Biên Hòa) cho biết, công ty đã xây dựng kế hoạch kinh doanh “hậu” Covid-19, trong đó Lothamilk sẽ triển khai phương án cân đối sản xuất, đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường; đồng thời, chủ động phát triển các kênh phân phối, tập trung vào thị trường nội địa với những sản phẩm tiện lợi, bắt mắt phù hợp với tâm lý, thói quen tiêu dùng của người dân.

* Triển khai các hoạt động khảo sát tâm lý tiêu dùng

Khảo sát về hành vi tiêu dùng dưới tác động của Covid-19 của Hội DN HVNCLC dự báo, trong 6 tháng cuối năm, hành vi mua sắm của người Việt sẽ không có nhiều thay đổi như giai đoạn trong dịch.

Cụ thể, thực phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, hóa phẩm, chất tẩy rửa và vệ sinh cá nhân, nhà cửa vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu trong tương lai gần. Trong khi đó, các sản phẩm như may mặc, gia dụng... dù vẫn được mua dùng nhưng không nằm trong danh mục sản phẩm được ưu tiên.

Ông Vũ Đình Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh (Ban Chỉ đạo 264 tỉnh) chia sẻ, dự kiến trong tháng 7 tới, Ban Chỉ đạo 264 tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của người tiêu dùng về cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Trong đó, tập trung vào 2 nội dung chính là khảo sát về hiệu quả, khó khăn trong các chuỗi liên kết giữa DN, cơ sở sản xuất với các đầu mối tiêu thụ, chủ yếu là mặt hàng nông sản; khảo sát ý kiến người tiêu dùng về chất lượng hàng Việt Nam, những thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người dân, trong đó có xu hướng tiêu dùng trên các sàn giao dịch, thương mại điện tử.

Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai nhận định, các DN nhỏ và vừa ở địa phương cần lưu ý, quan tâm hơn đến các kênh phản hồi, đánh giá sản phẩm của khách hàng, từ đó nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã để có hướng phát triển sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường, không để bị bỏ lại trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các DN ngoại, DN có vốn đầu tư nước ngoài, vốn có tiềm lực tài chính, thương hiệu mạnh trên thị trường.

Hải Quân

Tin xem nhiều