Công an TP.HCM vừa có văn bản đề nghị Sở Tài chính tiến hành nhanh việc định giá 255 thửa đất của Công ty CP Địa ốc Alibaba (gọi tắt Công ty Alibaba, trụ sở ở TP.HCM) trên địa bàn Đồng Nai.
Công an TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở Tài chính Đồng Nai, đề nghị tiến hành nhanh việc định giá 255 thửa đất của Công ty CP Địa ốc Alibaba (gọi tắt Công ty Alibaba, trụ sở ở TP.HCM) trên địa bàn tỉnh. Mục đích là để sớm hoàn tất kết luận điều tra vụ Alibaba, đưa ra xét xử theo chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
Khu đất của Công ty CP Địa ốc Alibaba tại xã Long Phước (H.Long Thành) đang bị kê biên |
Từ năm 2017 đến giữa năm 2019, Công ty Alibaba đã “quảng bá” hơn 40 dự án “ma” tại các tỉnh, thành: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, TP.HCM và rao bán đất nền không có thật cho nhiều người dân. “Bộ sậu” Công ty Alibaba đã lừa khoảng 6,7 ngàn khách hàng với số tiền lên đến 2,5 ngàn tỷ đồng.
* Ngăn chặn giao dịch nhiều thửa đất
Theo thông báo của Công an TP.HCM, trên địa bàn Đồng Nai có 311 thửa đất liên quan đến Công ty Alibaba bị ngăn chặn giao dịch. Các thửa đất trên chủ yếu nằm ở 3 địa phương là H.Long Thành, H.Nhơn Trạch và H.Xuân Lộc. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở H.Long Thành với 187 thửa đất.
Công ty CP Địa ốc Alibaba có trụ sở chính tại TP.HCM, đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 5-5-2016 với vốn điều lệ là 1 tỷ đồng. Khoảng gần 7 tháng sau, Alibaba tăng vốn điều lệ lên 20 tỷ đồng và đến ngày 26-9-2017, vốn điều lệ điều chỉnh 1.600 tỷ đồng. Năm 2019, Alibaba công bố vốn điều lệ 5,6 ngàn tỷ đồng. |
Trong gần 3 năm liền (2017-2019), Công ty Alibaba đã vẽ ra 29 dự án “ma” tại Đồng Nai để rao bán cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Tại H.Long Thành có 27 dự án, H.Xuân Lộc 1 dự án và H.Nhơn Trạch 1 dự án. Nhiều người dân bị lừa mua đất “ảo”, bức xúc và đã làm đơn kiện Công ty Alibaba.
Sau đó, Bộ Công an đã mở cuộc điều tra và phối hợp với các tỉnh, thành - những nơi Công ty Alibaba có dự án “ma” nhằm làm rõ các vi phạm của công ty này.
Tháng 9-2019, Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Alibaba và các công ty khác liên quan. Cơ quan công an đã bắt giữ Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba và Nguyễn Thái Lĩnh, Giám đốc công ty.
Đến nay, có 15 đối tượng liên quan đến vụ Công ty Alibaba bị bắt tạm giam và tất cả các bị can này bị khởi tố điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đại tá Nguyễn Văn Thăng, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an tỉnh Đồng Nai cho biết: “Khoảng 311 thửa đất liên quan đến Công ty Alibaba tại Đồng Nai đã được Công an TP.HCM phối hợp với tỉnh ngăn chặn mọi giao dịch để điều tra. Các thửa đất bị kê biên tài sản đã thông báo cho các huyện để quản lý, giám sát và tới đây sẽ tiến hành định giá”.
Trong các thửa đất liên quan đến Công ty Alibaba đang bị ngăn chặn giao dịch, chỉ có gần một nửa do Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Luyện đứng tên, còn lại là do người thân của Luyện và các cá nhân khác đứng tên. Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Ngọc Thường cho biết: “Cụ thể, trong 255 thửa đất Công an TP.HCM yêu cầu tỉnh định giá thì chỉ có 130 thửa là do Luyện, Lĩnh đứng tên gồm H.Long Thành 127 thửa và H.Nhơn Trạch 3 thửa. Từ khi có thông báo của cơ quan công an, sở chỉ đạo các Văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn tỉnh không cho chuyển nhượng các thửa đất trên”.
* Công khai các thửa đất bị định giá
Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có văn bản yêu cầu sớm hoàn thành công tác điều tra và đưa vụ Công ty Alibaba ra xét xử. Vì thế, Công an TP.HCM đang phối hợp với Đồng Nai và các tỉnh, thành có dự án “ma” của Công ty Alibaba nhanh chóng định giá các thửa đất, tổng hợp số người bị hại, số tiền bị lừa đảo... để hoàn tất hồ sơ.
Theo Sở Tài chính, sau khi nhận văn bản của Công an TP.HCM đề nghị sở tiến hành định giá các thửa đất trên, sở đang hoàn tất thủ tục và dự tính sẽ thuê đơn vị tư vấn thực hiện.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh: “Trước khi tiến hành định giá các thửa đất trên, Sở Tài chính phải phối hợp với các xã, huyện - những nơi có “dự án” của Công ty Alibaba để thực hiện từng bước theo đúng quy trình của pháp luật quy định. Các thửa đất đã kê biên phải được công khai trên các phương tiện truyền thông, niêm yết công khai tại địa phương cho người dân biết để tránh tranh chấp, trùng nhau”.
Đồng thời, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cũng chỉ đạo công an các huyện phải phối hợp với PC03 nhằm làm rõ đất đó của Công ty Alibaba hay của người dân để có hướng xử lý cho phù hợp.
Ông Nguyễn Hoàng Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường H.Long Thành cho biết: “Qua rà soát, 27 dự án của Công ty Alibaba trên địa bàn huyện thực chất là 24 khu đất gồm có đất nông nghiệp, giao thông, đất rừng... Huyện đã yêu cầu chính quyền các xã có liên quan quản lý chặt chẽ các khu đất có liên quan đến Công ty Alibaba, chờ điều tra làm rõ”.
Tại H.Nhơn Trạch hiện có 51 thửa đất liên quan đến Công ty Alibaba đang bị ngăn chặn giao dịch và trong đó chỉ có 3 thửa đất do Nguyễn Thái Lĩnh đứng tên. Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Văn Linh cho hay: “Năm 2019, Công ty Alibaba tiến hành rao bán đất nền một dự án không có thật tại xã Xuân Hưng, huyện đã phát hiện kịp thời và ngăn chặn. Khu đất Công ty Alibaba rao bán có 16 thửa đất do ông Nguyễn Ngọc Nguyên đứng tên”.
Để thực hiện các dự án “ma”, anh em Luyện và Lĩnh đã mua khoảng 600ha đất nông nghiệp ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, TP.HCM. Trong đó, Luyện và Lĩnh chỉ đứng tên một phần, những thửa đất còn lại giao cho các cá nhân, người thân đứng tên, sau đó tự vẽ ra dự án khu dân cư, khu đô thị để lừa người dân mua.
Uyển Nhi