Khu vực phía Nam H.Vĩnh Cửu (bao gồm các xã: Bình Hòa, Tân Bình, Bình Lợi) là vùng sản xuất nông nghiệp lâu đời nhưng tiếp giáp với TP.Biên Hòa, nên có tiềm năng phát triển đô thị rất lớn...
Khu vực phía Nam của H.Vĩnh Cửu bao gồm các xã Bình Hòa, Tân Bình, Bình Lợi là vùng sản xuất nông nghiệp lâu đời, tuy nhiên do có vị trí tiếp giáp với đô thị Biên Hòa, khu vực này cũng có tiềm năng phát triển đô thị rất lớn.
Khu vực phía Nam H.Vĩnh Cửu được định hình phát triển đô thị hóa nhưng vẫn giữ nét đặc trưng xanh - sạch - đẹp bình yên của vùng nông thôn |
Mô hình phát triển đô thị hóa nhưng vẫn lưu giữ, phát huy những nét bình yên của vùng nông thôn đang được định hình là mục tiêu phát triển cho khu vực phía Nam của H.Vĩnh Cửu.
* Giữ bản sắc nông thôn trong “cơn bão” đô thị hóa
Khu vực phía Nam của H.Vĩnh Cửu bao gồm các xã: Bình Hòa, Tân Bình, Bình Lợi lâu nay nổi tiếng là một trong những vùng trồng bưởi lớn của tỉnh. Đặc sản bưởi Tân Triều cũng đã trở thành thương hiệu lớn, nổi tiếng cả nước. Đây cũng là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của H.Vĩnh Cửu.
Tuy nhiên, với vị trí nằm tiếp giáp với TP.Biên Hòa, đô thị trung tâm của tỉnh, khu vực này cũng có tiềm năng phát triển đô thị rất lớn.
Theo ông Lê Mạnh Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng, trong quy hoạch vùng của tỉnh Đồng Nai, vùng H.Vĩnh Cửu sẽ có 2 đô thị trung tâm gồm TT.Vĩnh An là đô thị loại IV và đô thị tại khu vực xã Thạnh Phú là đô thị loại V. |
Ông Lê Mạnh Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho hay, trước đây khu vực xã Thạnh Phú chính là “thủ phủ” của H.Vĩnh Cửu. Về sau, khi công trình thủy điện Trị An được xây dựng, "thủ phủ" của huyện được chuyển về TT.Vĩnh An như hiện nay. Tuy nhiên, xét về điều kiện phát triển đô thị, khu vực xã Thạnh Phú vẫn có những điều kiện rất thuận lợi. Điều này cũng tạo ra tiềm năng phát triển đô thị cho khu vực 3 xã Bình Hòa, Tân Bình và Bình Lợi. Bởi, nếu như ở phía Bắc các xã này tiếp giáp với xã Thạnh Phú thì ở phía Nam, đây lại là vùng tiếp giáp với P.Bửu Long của TP.Biên Hòa. “Khu vực 3 xã này khi phát triển đô thị thì có tính kết nối liên vùng với xã Thạnh Phú ở phía Bắc và TP.Biên Hòa ở phía Nam” - ông Lê Mạnh Dũng cho hay.
Trên thực tế, tiềm năng phát triển đô thị của khu vực này cũng đã được H.Vĩnh Cửu nhìn nhận, tuy nhiên, theo ông Phạm Minh Phước, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu, đây là một trong những khu vực sản xuất nông nghiệp trọng điểm của huyện. Hiện nay, các xã này cũng là những đơn vị đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, trong đó Bình Lợi là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Đồng Nai. Do đó, dù xác định xu hướng đô thị hóa sẽ diễn ra nhưng H.Vĩnh Cửu vẫn ưu tiên giữ các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nhất là những vùng trồng bưởi truyền thống. “Một trong những tiêu chí để đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới là các địa phương phải có vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, bền vững” - ông Phạm Minh Phước cho biết.
Trước “vướng mắc” này, ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế để nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế, xã hội là điều cần cân nhắc. Đối với khu vực 3 xã phía Nam của H.Vĩnh Cửu, hiện nay đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử là xây dựng thành công nông thôn mới thì cũng cần phải tính toán để phát triển trở thành khu vực đô thị phát triển.
Dựa vào đặc trưng truyền thống của khu vực, ông Hồ Văn Hà đề nghị H.Vĩnh Cửu xem xét phát triển mô hình đô thị hóa nhưng vẫn bảo tồn, phát huy những giá trị sẵn có của một vùng nông thôn bình yên. Phát triển đô thị hóa nhưng vẫn giữ lại các vùng sản xuất nông nghiệp tại các khu vực phù hợp để giữ gìn cảnh quan nông thôn. “Khu vực này phải định hướng trở thành đô thị vệ tinh của TP.Biên Hòa. Việc phát triển công nghiệp ở khu vực này là không phù hợp, tuy nhiên mô hình đô thị hóa nhưng vẫn giữ các nét đặc trưng vốn có của vùng nông thôn thì cần được xem xét thực hiện. Tại Nhật Bản, mô hình này đã phát triển rất thành công” - ông Hồ Văn Hà chia sẻ.
Đồng thuận với quan điểm này, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, các xã này đã đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên không thể “nằm yên” với kết quả này. Do đó, việc phát triển đô thị theo hướng xanh - sạch - đẹp là mục tiêu cần hướng tới. “Một mô hình mà H.Vĩnh Cửu có thể tham khảo là mô hình phát triển của P.Suối Tre, TP.Long Khánh. Vẫn phát triển đô thị nhưng vẫn giữ được nét bình yên, xanh tươi của vùng nông thôn” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
* Chờ “cú hích” từ hạ tầng giao thông
Lâu nay, không chỉ riêng khu vực phía Nam mà toàn bộ địa bàn H.Vĩnh Cửu vẫn chưa thể bứt phá phát triển chủ yếu do hệ thống giao thông kết nối còn hạn chế.
Để giữ nét đặc trưng của vùng nông thôn, các vùng trồng bưởi của các xã khu vực phía Nam H.Vĩnh Cửu sẽ được quy hoạch phát triển bền vững. |
Chính vì vậy, mới đây, UBND tỉnh đã có chủ trương giao UBND H.Vĩnh Cửu làm chủ đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai Biên Hòa. UBND tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường tỉnh 768B, nâng cấp đường tỉnh 768 và đặc biệt là xây dựng cầu Bạch Đằng 2 nối xã Bình Lợi với TX.Tân Uyên (tỉnh Bình Dương). Ngoài ra, hiện nay H.Vĩnh Cửu cũng đang thực hiện các thủ tục để tiến hành nâng cấp các tuyến hương lộ 7, hương lộ 15.
Khi hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng, nâng cấp sẽ là điều kiện rất tốt để H.Vĩnh Cửu nói chung và khu vực phía Nam của huyện bứt phá phát triển. Để tạo nguồn lực cho địa phương, UBND tỉnh cũng giao H.Vĩnh Cửu làm chủ đầu tư, đề xuất quy hoạch các khu đất lợi thế để tạo vốn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, trong quá trinh điều chỉnh quy hoạch cục bộ, H.Vĩnh Cửu cần tính toán để đón đầu xu hướng phát triển. Trong đó, quy hoạch phát triển các khu dân cư phù hợp để đáp ứng nhu cầu đô thị hóa. Đối với các vùng sản xuất nông nghiệp, nhất là vùng phát triển cây bưởi cần tính toán quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi, điện để đảm bảo nhu cầu sản xuất.
Quỳnh Nhi