Báo Đồng Nai điện tử
En

Gian nan đầu tư dự án mới trong chăn nuôi

04:05, 18/05/2020

Theo nhiều người chăn nuôi, hiện đầu tư một dự án mới trong chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn về mặt hồ sơ, thủ tục. Lập một dự án đầu tư chăn nuôi mới, doanh nghiệp, chủ trang trại mất thời gian cả năm, thậm chí vài năm mới có thể hoạt động.

Theo nhiều người chăn nuôi, hiện đầu tư một dự án mới trong chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn về mặt hồ sơ, thủ tục. Lập một dự án đầu tư chăn nuôi mới, doanh nghiệp, chủ trang trại mất thời gian cả năm, thậm chí vài năm mới có thể hoạt động.

Người chăn nuôi kêu khó về thủ tục, hồ sơ khi đầu tư trang trại chăn nuôi mới. Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi heo tại xã Tân An (H.Vĩnh Cửu)
Người chăn nuôi kêu khó về thủ tục, hồ sơ khi đầu tư trang trại chăn nuôi mới. Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi heo tại xã Tân An (H.Vĩnh Cửu). Ảnh:B. Nguyên

Trong đó, khó khăn về quỹ đất đầu tư cho chăn nuôi đang là rào cản không nhỏ cho doanh nghiệp, chủ trang trại khi muốn mở rộng các dự án chăn nuôi.

* Khó về hồ sơ, thủ tục

Trước thực trạng giá heo hơi không ngừng leo thang và hiện có nguy cơ chạm mốc  100 ngàn đồng/kg bởi nguồn cung thiếu hụt do tổng đàn heo giảm mạnh, Chính phủ và các địa phương đều có những chương trình hỗ trợ, khuyến khích tái đàn, tăng đàn heo để ổn định thị trường mặt hàng này. Tuy nhiên trong thực tế, việc đầu tư dự án mới trong chăn nuôi không phải dễ theo quy định hiện nay.

Hiện các quy hoạch chuyên ngành, trong đó có quy hoạch chăn nuôi đã hết hiệu lực nên dự án đầu tư chăn nuôi sẽ như các dự án đầu tư khác phải theo quy định chung của Luật Quy hoạch. Theo đó, đầu tư một dự án chăn nuôi hiện nay được rà soát, kiểm soát kỹ hơn, phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu về thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường, an toàn sinh học…

Theo một chủ trang trại đang đầu tư một dự án mới trong chăn nuôi, chỉ những ai có làm thủ tục xin đầu tư dự án mới trong chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay mới cảm nhận được hết sự gian nan của nó. Chỉ tính riêng việc thực hiện các bước thủ tục trong quy hoạch đất chăn nuôi thuận lợi cũng mất thời gian cả năm, chưa kể các thủ tục về giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường...

Nhận xét về những thay đổi trong đầu tư dự án chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay, bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng NN-PTNT H.Xuân Lộc cho biết, những dự án đầu tư mới trong chăn nuôi trước đây là do huyện thỏa thuận địa điểm nhưng theo quy định mới đều do tỉnh cấp phép. Ngoài ra, các dự án chăn nuôi phải đáp ứng phù hợp quy hoạch kinh tế của địa phương cũng như nhiều ràng buộc khác về đảm bảo vấn đề môi trường, đủ điều kiện an toàn sinh học trong chăn nuôi...

Chia sẻ thêm về câu chuyện đầu tư dự án mới trong chăn nuôi, ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tám Do (xã Bàu Cạn, H.Long Thành) cho biết, từ cả năm trước, trang trại muốn mở rộng đầu tư thêm trại nuôi mới nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai. Khó khăn nhất hiện nay với doanh nghiệp là về quỹ đất phù hợp cho chăn nuôi và đáp ứng được các yêu cầu về mặt hồ sơ, thủ tục. “Hầu như chúng tôi không thể tìm ra được quỹ đất phù hợp để đầu tư dự án chăn nuôi vì có tình trạng các quy hoạch chồng chéo nhau do đang trong giai đoạn giao thoa, thay đổi. Yêu cầu về thủ tục, hồ sơ lại quá phức tạp nên người chăn nuôi có thể mất hàng năm trời để hoàn tất” - ông Hậu nhận xét.

* Rào cản lớn về quỹ đất cho chăn nuôi

Gặp khó khăn về quỹ đất cho chăn nuôi đang là rào cản lớn trong đầu tư tái đàn, tăng đàn heo hiện nay. Ông Nguyễn Diên Tường, Giám đốc Công ty CP Nông súc sản Đồng Nai (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ thêm, khó khăn không nhỏ trong việc tăng đàn, tái đàn hiện nay là do thiếu hụt nguồn heo giống. Chính phủ, các địa phương nên quan tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn đủ điều kiện mở rộng đầu tư sản xuất con giống để sớm khôi phục lại ngành chăn nuôi.

“Doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất đàn heo giống để phục vụ cho nhu cầu tái đàn, tăng đàn  nhưng quy mô trang trại hiện không đáp ứng được nhu cầu này. Mong chính quyền địa phương quan tâm tháo gỡ khó khăn về quỹ đất cũng như về quy trình thủ tục, hồ sơ khi đầu tư dự án mới” - ông Tường kiến nghị.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Tỉnh, Phó viện trưởng Viện Chăn nuôi, Giám đốc Viện Chăn nuôi Nam bộ, đại diện cho trại heo giống Bình Minh (xã Bình Minh, H.Trảng Bom) nhấn mạnh, đầu tư phát triển đàn giống là cơ sở để khôi phục ngành chăn nuôi heo trong giai đoạn tới. Sự thành bại trong khôi phục chăn nuôi heo, đặc biệt là nguồn giống, phụ thuộc rất lớn vào công tác phòng, chống không để dịch tả heo châu Phi tái phát.

“Khó khăn là trang trại đang nằm trong khu dân cư nên công tác phòng, chống không để dịch tả heo châu Phi tái phát gặp rất nhiều khó khăn. Doanh nghiệp mong chính quyền địa phương hỗ trợ về quỹ đất để di dời trại heo ra khỏi khu dân cư” - ông Tỉnh nói.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều