Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa đồng ý để Đồng Nai chuyển đổi hơn 2,6 ngàn ha đất lúa 1-2 vụ kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản.
Bộ NN-PTNT vừa đồng ý để Đồng Nai chuyển đổi hơn 2,6 ngàn ha đất lúa 1-2 vụ kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản. Diện tích đất chuyển đổi trên sẽ được tỉnh phân bổ cho các địa phương để thực hiện.
Huyện Xuân Lộc là nơi có nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả, thiếu nước chuyển qua trồng cây ăn trái. Ảnh: H.Giang |
Kết quả kiểm kê đất đai năm 2019, tổng diện tích đất trồng lúa trên toàn tỉnh là hơn 23 ngàn ha, trong đó có gần 15 ngàn ha đất lúa nằm trong ranh bảo vệ nghiêm ngặt.
* Nhiều nơi không phù hợp trồng lúa
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguồn nước ngầm trong tự nhiên ở nhiều địa phương đã sụt giảm hẳn, vào mùa khô nắng nóng kéo dài, mưa trái mùa ít khiến tình trạng khô hạn khắc nghiệt hơn. Thế nhưng, các công trình thủy lợi của tỉnh mới chỉ đáp ứng nguồn nước tưới cho diện tích gần 30 ngàn ha/năm, tương đương hơn 10% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Do đó về mùa khô nhiều khu vực ở các huyện và thành phố trong tỉnh như: Tân Phú, Định Quán, Long Khánh, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu... rất thiếu nước cho sản xuất.
Theo nhiều nông dân thì trồng lúa cần lượng nước tưới lớn gấp 2-3 lần trồng cây hằng năm và cây lâu năm khác. Vì vậy, người dân các địa phương muốn chuyển đổi đất trồng lúa 1-2 vụ kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và những cây trồng hằng năm, lâu năm khác để tăng thu nhập trên cùng một diện tích.
Ông Đỗ Thanh Hùng, xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) bày tỏ: “Đất trồng lúa 2 vụ/năm, người dân chỉ thu được hơn 50 triệu đồng/ha/năm, nhưng chuyển qua trồng bưởi sau vài năm sẽ thu 600-800 triệu đồng/ha/năm. Có một số hộ chăm sóc, xử lý tốt để bưởi ra trái vào dịp Tết và những thời điểm hiếm bưởi có thể thu được 1 tỷ đồng/ha/năm”.
Hơn 5 năm qua, H.Vĩnh Cửu đã chuyển đổi 1.163ha đất lúa sang đất trồng cây ăn trái và hiệu quả mang lại rõ rệt là lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp được nâng lên, đời sống người dân được cải thiện.
Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Phạm Minh Phước cho biết: “Vĩnh Cửu đạt được nhiều kết quả trong xây dựng nông thôn mới là do người dân đã tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng thu nhập. Nhiều nông dân đã chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi cho lợi nhuận cao gấp hơn 10 lần trồng lúa”.
Tương tự, ở các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú, Định Quán..., nhiều nông dân đã chuyển đất lúa thiếu nước sang trồng sầu riêng, cam quýt, bưởi... cho thu nhập cao gấp 6-15 lần trồng lúa.
* Tiếp tục đề xuất giảm đất lúa
Thổ nhưỡng, khí hậu của Đồng Nai phù hợp với trồng các loại cây ăn trái và cây công nghiệp lâu năm. Các loại cây trồng của Đồng Nai chủ yếu dùng nước mặt, nước ngầm để tưới. Trong điều kiện nước mặt, nước ngầm được coi là tài nguyên cần tiết kiệm, bảo vệ thì việc chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa ít hiệu quả sang đất trồng cây lâu năm sẽ đem lại 2 lợi ích lớn là tiết kiệm được 60-70% lượng nước tưới và tăng hiệu quả trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp từ 6-15 lần.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi cho hay: “Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới nên Bộ NN-PTNT không còn quá khắt khe trong việc giữ đất lúa. Các khu vực trồng lúa thiếu nước, hiệu quả thấp và không thuộc diện tích đất lúa bảo vệ nghiêm ngặt đã cho chuyển đổi. Đồng Nai mới được chấp thuận cho chuyển đổi hơn 2,6 ngàn ha, Sở sẽ làm việc với các địa phương lấy ý kiến, tính toán và phân bổ diện tích đất lúa chuyển đổi cho phù hợp”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, hiện Đồng Nai có 280.713ha đất sản xuất nông nghiệp, tăng hơn 2 ngàn ha so với kiểm kê năm 2014. Trong đó, chủ yếu tăng ở diện tích trồng cây lâu năm, còn đất lúa giảm sâu.
Nhiều địa phương đề xuất, trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh nên tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho chuyển đổi diện tích đất lúa không thuộc diện đất lúa phải bảo vệ nghiêm ngặt sang đất trồng cây hằng năm, cây lâu năm.
Đồng quan điểm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho rằng, diện tích đất trồng cây lâu năm tăng, đất trồng lúa giảm là phù hợp với xu thế xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Trồng cây lâu năm, tiết kiệm nhiều nước tưới trong tình hình thời tiết nắng nóng, khô hạn ngày càng nhiều sẽ góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn. Về mùa khô, Đồng Nai rất hiếm nước tưới nên chuyển đổi sang cây trồng cạn là phù hợp với ứng phó biến đổi khí hậu.
“Các địa phương rà soát lại, nắm cụ thể diện tích đất lúa cần chuyển đổi sang cây hằng năm, cây lâu năm kiến nghị UBND tỉnh. Tỉnh xem xét nếu phù hợp sẽ điều chỉnh trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn tới và cho chuyển đổi” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nói.
Kết quả thống kê đất đai năm 2019, có 5 địa phương đã chuyển đổi đất lúa sang trồng cây lâu năm nhiều là H.Nhơn Trạch 1.253ha; H.Xuân Lộc 1.207ha; H.Vĩnh Cửu 1.163ha; H.Định Quán 991ha; H.Thống Nhất 724ha. |
Hương Giang