Báo Đồng Nai điện tử
En

Để hàng Việt không còn phải "ưu tiên"

04:05, 20/05/2020

Hơn 10 năm qua, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ngày càng được các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước quan tâm, hưởng ứng và lan tỏa trong cộng đồng.

Trong hơn 10 năm qua, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ngày càng được các doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng trong nước quan tâm, hưởng ứng. Đây là một trong những cuộc vận động có quy mô toàn quốc đã tạo được sự lan tỏa lớn trong cộng đồng, xã hội.

Cuộc vận động này được Bộ Chính trị phát động vào tháng 8-2009 với mục đích khuyến khích người tiêu dùng trong nước ưu tiên lựa chọn hàng hóa do các DN Việt Nam sản xuất. Từ đó, cuộc vận động góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt, nâng cao vị thế của hàng hóa địa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong đó đặc biệt giúp các DN sản xuất trong nước “nâng tầm” hàng Việt, để trên kệ hàng, người Việt mua hàng không phải do “ưu tiên”, mà là do chất lượng món hàng Việt đó thực sự thuyết phục.

Người tiêu dùng chọn mua một sản phẩm bánh của Việt Nam tại một cửa hàng thuộc chuỗi cửa hàng tiện lợi Co.opFood trên đường Đồng Khởi (TP.Biên Hòa)
Người tiêu dùng chọn mua một sản phẩm bánh của Việt Nam tại một cửa hàng thuộc chuỗi cửa hàng tiện lợi Co.opFood trên đường Đồng Khởi (TP.Biên Hòa)

Trong bối cảnh thị trường ngày càng hội nhập sâu, thị hiếu tiêu dùng của người dân ngày càng cao, việc không ngừng đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng là chìa khóa then chốt để hàng Việt xây dựng chỗ đứng vững chắc trong mắt người tiêu dùng trong nước.

Bài 1: Định vị lại hàng Việt “trong mắt” người Việt

* Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới hàng Việt

Trong 10 năm qua, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã từng bước đi vào chiều sâu và nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Cụ thể, theo cuộc khảo sát mới nhất của Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Ban Chỉ đạo 264) tỉnh thực hiện nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động này trên địa bàn tỉnh, có 63% người dân ở các khu vực thành thị trong tỉnh khi được hỏi đã trả lời có quan tâm đến sản phẩm của DN trong nước sản xuất. Trong khi đó, ở khu vực nông thôn, tỷ lệ này đạt khoảng 57%.

Ông Vũ Đình Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 264 tỉnh cho biết, thông qua các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, đa số ý kiến của người dân bày tỏ rất quan tâm đến cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Các yếu tố được người tiêu dùng quan tâm nhiều là chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, giá cả, tính an toàn của sản phẩm... Ngoài ra, phần lớn người tiêu dùng còn mong muốn các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước tiếp tục chú trọng cải tiến, nâng cao hình thức, mẫu mã của bao bì sản phẩm.

Nhiều nhóm sản phẩm, hàng hóa Việt được ưa chuộng hơn trước như: các sản phẩm đồ gia dụng; nhóm hàng thực phẩm, rau, quả; các sản phẩm dệt may… Bên cạnh đó, sức tiêu thụ hàng Việt ở các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, ở các phiên chợ, điểm bán hàng tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trưởng đều trong những năm qua.

Để đưa hàng Việt đến với người dân vùng sâu, vùng xa trên địa bàn, tính đến cuối năm 2019, Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan đã tổ chức gần 180 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, 50 phiên chợ hàng Việt phục vụ công nhân trong các khu công nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ thực hiện nhiều điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam tại các địa phương trong tỉnh...

Ông Trần Kim Hiền, chủ Cửa hàng bách hóa Hạnh Kiều - một điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) cho hay, cửa hàng trở thành điểm bán hàng Việt được khoảng 3 năm nay. Nhu cầu tiêu thụ hàng Việt, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm của người dân, công nhân trong những năm qua khá cao, tăng trưởng đều qua các năm.

Đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ truyền thống trong tỉnh cho biết, hiện nay hàng Việt chiếm tỉ trọng từ 80-90% trên các kệ hàng. Ông Trang Phúc, Tổ trưởng Tổ Marketing Co.opmart Biên Hòa chia sẻ, hiện nay các mặt hàng, sản phẩm Việt chiếm hơn 90% trên các gian hàng của Co.opmart Biên Hòa. Nhiều sản phẩm hàng Việt đã có cải tiến, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm bánh kẹo, sữa, thời trang...

Tương tự, ông Nguyễn Danh Thịnh, Giám đốc HTX Thương mại - dịch vụ Phương Lâm, Trưởng ban Quản lý chợ Phương Lâm (H.Tân Phú) cho biết, hàng Việt hiện chiếm hơn 90% hàng hóa được bán tại chợ, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm. Hàng Việt ngày càng được người dân quan tâm do có giá cạnh tranh so với các loại hàng hóa ngoại nhập, chất lượng, mẫu mã ngày càng được nâng cao.

Biểu đồ thể hiện tỷ lệ người được khảo sát quan tâm đến sản phẩm của doanh nghiệp trong nước sản xuất theo cuộc khảo sát mới nhất của Ban Chỉ đạo 264 tỉnh thực hiện nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động này trên địa bàn tỉnh. Nguồn: Ban Chỉ đạo 264 tỉnh (Đồ họa: HẢI QUÂN)
Biểu đồ thể hiện tỷ lệ người được khảo sát quan tâm đến sản phẩm của doanh nghiệp trong nước sản xuất theo cuộc khảo sát mới nhất của Ban Chỉ đạo 264 tỉnh thực hiện nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động này trên địa bàn tỉnh. Nguồn: Ban Chỉ đạo 264 tỉnh (Đồ họa: HẢI QUÂN)

Bên cạnh các sản phẩm thuộc các ngành hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm…, các nhãn hàng thời trang “made in Vietnam” như: Biti’s, Bita’s, Việt Tiến, An Phước, Ivy, Juno, Vascara… cũng ngày càng phát triển mạng lưới bán lẻ và được người tiêu dùng ưa chuộng, tin dùng.

Chị Nguyễn Thanh Trúc Ngọc, nhân viên văn phòng ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cho hay: “Trước kia tôi thường đặt mua quần áo trên mạng từ các hãng theo xu hướng Fast Fashion (thời trang nhanh) ở nước ngoài như: H&M, Zara, Mango... vì các hãng này luôn cập nhật theo xu hướng mới theo mùa, thậm thí theo tháng, tuần. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 năm nay tôi nhận thấy các hãng thời trang Việt đang có sự “chuyển mình” rõ rệt với đa dạng mẫu mã, kiểu dáng, phong cách cho đến xu hướng thời trang hiện đại. Do đó, tôi hay đặt mua quần áo của các hãng thời trang trong nước như: Hnoss, Ivy Moda hay giày dép, túi xách từ Juno, Vascara vì giá thành hợp túi tiền mà chất lượng, xu hướng không thua kém bất kỳ hãng nào.

* Không ngừng đổi mới

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, đảm bảo nguồn gốc, tính an toàn sản phẩm, nhiều mặt hàng Việt đã có những thay đổi, “làm mới” mình đáng kể về mẫu mã, bao bì… trong bối cảnh có sự cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại nhập trên thị trường.

Bà Phùng Thị Thuận, chủ Tiệm tạp hóa Hương Thuận ở P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) cho biết, hiện cửa hàng của bà ưu tiên bán hàng Việt Nam nhiều. Một phần vì giá cả hàng Việt khá mềm nên khi lựa chọn hàng Việt sẽ kinh tế hơn; phần nữa là do hiện nay hàng ngoại nhập về thật - giả lẫn lộn, người tiêu dùng khó phân biệt rõ nguồn gốc xuất xứ, vì thế 70-80% khách hàng đến tiệm vẫn ưu tiên chọn mua hàng Việt.

“Phần lớn khách hàng vẫn đang chi tiêu thắt lưng buộc bụng trong đời sống nên việc mua hàng Việt là lựa chọn tối ưu về kinh tế cũng như đảm bảo về chất lượng. Hơn nữa, các thương hiệu Việt còn thường xuyên thay đổi thiết kế bao bì, mẫu mã đẹp mắt, có ý nghĩa phù hợp theo từng thời điểm như: tết, lễ, sự kiện lớn..., do đó ngày càng để lại ấn tượng tốt đối với người tiêu dùng” - bà Thuận cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Nhân, chủ một sạp bán các loại thực phẩm đóng gói ở chợ Long Thành (H.Long Thành) cho biết: “Tôi kinh doanh các dòng sản phẩm thực phẩm khô, thực phẩm chế biến đã hơn chục năm nay. Trong những năm qua, nhiều loại sản phẩm này của Việt Nam được chú trọng chất lượng, mẫu mã, bao bì… nên người tiêu dùng ngày càng quan tâm, lựa chọn hàng Việt”.

Tuy rằng, hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định đối với người tiêu dùng nhưng để trụ vững trước “cơn sóng” hàng ngoại nhập, các DN Việt cần tập trung đầu tư vào đội ngũ thiết kế, “làm mới” mình. Đồng thời, DN trong nước cần thắt chặt việc kiểm soát chất lượng cũng như hệ thống phân phối sản phẩm thuận tiện cho người tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay, nhất là sau những tác động không nhỏ của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất hàng hóa trong nước và xuất khẩu…

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai chia sẻ, nhiều người tiêu dùng mong muốn các loại hàng hóa, sản phẩm trong nước cần minh bạch thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, hàm lượng dinh dưỡng, thành phần sản phẩm, thông tin các tiêu chí về sản phẩm đạt chuẩn sạch, sản phẩm có sử dụng bao bì tái chế hay không, cũng như đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng để người tiêu dùng có căn cứ để chọn mua thay vì chỉ mua bằng cảm quan như tại một số cửa hàng hiện nay, nhất là đối với các sản phẩm như: nông sản, thực phẩm...    

            Hải Quân

Bài 2: Củng cố nội lực trên sân nhà

Tin xem nhiều