Đồng Nai là một trong những địa phương sớm phát triển công nghiệp của cả nước. Hiện nay, quỹ đất dành cho việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp thuộc vùng phát triển truyền thống...đang dần thu hẹp.
Đồng Nai là một trong những địa phương sớm phát triển công nghiệp của cả nước. Hiện nay, quỹ đất dành cho việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp thuộc vùng phát triển truyền thống (TP.Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch) đang dần thu hẹp.
Một góc Cụm công nghiệp Tân An (H.Vĩnh Cửu) góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương. Ảnh:V. Gia |
Ở các khu vực nói trên, tương lai gần sẽ là những đô thị phát triển gắn liền với các đại dự án hạ tầng, vì vậy trong quá trình phát triển công nghiệp sản xuất, Đồng Nai đang tính toán để từng bước dịch chuyển về vùng nông nghiệp, nông thôn.
* Tăng giá trị sản xuất công nghiệp ở vùng nông thôn
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, năm 2019 trên địa bàn tỉnh có hơn 9.800 cơ sở, doanh nghiệp (DN) với giá trị sản xuất đạt gần 64 ngàn tỷ đồng (giá so sánh với năm 2010), chỉ chiếm 9,5% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh. Đa phần cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trong đó loại hình hộ kinh doanh chiếm trên 85%. Sản xuất công nghiệp tại các địa phương thuộc khu vực II (khu vực nông thôn) của tỉnh vì thế còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong sản xuất công nghiệp của tỉnh, trong khi đó, các địa phương như: Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Định Quán... lại có diện tích lớn, tiềm năng nhiều chưa khai thác hết.
Để dịch chuyển cơ cấu công nghiệp của tỉnh chuyển dần về vùng nông thôn hiệu quả, ngoài các cơ chế chính sách đầu tư về hạ tầng, DN cần được Nhà nước hỗ trợ bằng những việc làm cụ thể, từ việc đổi mới công nghệ, ưu đãi thuế phí đến hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. |
Để khắc phục những hạn chế nói trên, định hướng của tỉnh trong chuyển dịch cơ cấu công nghiệp về vùng nông thôn là nhằm mục tiêu nâng giá trị sản xuất ngày càng gia tăng trong cơ cấu sản xuất công nghiệp của tỉnh. Trong đó tính toán tới giải pháp như: quy hoạch thêm các khu công nghiệp ở các địa phương khu vực nông thôn còn nhiều quỹ đất, gắn liền với sự phát triển của hạ tầng giao thông. Đồng thời cũng tạo sự sẵn sàng về mặt bằng sản xuất cho việc đón nhận làn sóng đầu tư mới của những năm tiếp theo.
Song song với đó là đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư hạ tầng hoàn thiện các hạng mục. Hình thành các cụm công nghiệp chuyên ngành về sản xuất, chế biến nông sản - thực phẩm để thu hút DN thứ cấp vào xây dựng nhà máy sản xuất. Riêng đối với thu hút DN đầu tư vào vùng nông thôn là sẽ ưu tiên cho các lĩnh vực liên quan đến sản xuất, chế biến nông sản, công nghiệp giá trị công nghệ cao và góp phần tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng.
Một trong những địa phương đang mạnh dạn kêu gọi đầu tư vào CNNT là H.Xuân Lộc. Huyện có tiềm năng phát triển nông nghiệp và cơ hội cho DN chế biến, xuất khẩu nông sản rất lớn, hiện Xuân Lộc đang nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng để xây dựng chương trình kêu gọi DN đến đầu tư.
“Xuân Lộc đã quy hoạch các vùng phục vụ phát triển nông nghiệp như khu nông nghiệp công nghệ cao 200ha tại xã Xuân Trường; các phân khu nông nghiệp công nghệ cao tại các xã Xuân Tâm, Xuân Thành với diện tích 1 ngàn ha. Tại đây trong tương lai sẽ bố trí nhà máy chế biến, kho chứa, kho bảo quản nông sản, khu trưng bày sản phẩm...” - bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng NN-PTNT H.Xuân Lộc cho hay.
* DN cần những hỗ trợ cụ thể
Về phía các DN, dù rất quan tâm đến việc khuyến khích phát triển công nghiệp ở vùng nông thôn, nhưng cần có hướng hỗ trợ sát sao hơn từ Nhà nước. Ngoài hoạch định chính sách, DN mong muốn cơ quan quản lý cần sâu sát, nắm bắt được khó khăn để tháo gỡ nhanh chóng, nếu không rất khó để thu hút.
“Chúng tôi đầu tư 2 nhà máy chế biến nông sản ở Long Khánh và Nhơn Trạch, cần số vốn đầu tư rất lớn. Những chính sách hỗ trợ của nhà nước là rất tốt với DN, tuy nguồn vốn chỉ chiếm rất nhỏ song cũng động viên DN đầu tư sản xuất. Điều đáng nói là từ chính sách đi đến thực tế còn xa vời. Việc hướng dẫn DN trong tìm hiểu chính sách, làm hồ sơ thủ tục của những người có trách nhiệm chưa thực sự được quan tâm. Muốn biết DN cần gì, cần phải trực tiếp xuống tận nơi để tham quan nhà máy của họ, nhìn nhận khó khăn rồi bàn bạc đưa ra giải pháp cụ thể chứ không chỉ là lý thuyết, quy định chung được” - ông Hồ Quốc Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ thực phẩm Lương Gia thẳng thắn cho biết.
Một trong những giải pháp cụ thể để khuyến khích DN đầu tư vào vùng nông thôn là tạo điều kiện để họ phát triển. Qua đó, Nhà nước hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, tạo động lực cho DN trong đầu tư, nâng cấp cơ sở CNNT.
Theo Giám đốc Sở Công thương Trương Thị Mỹ Dung, năm 2020 và các năm tiếp theo, việc hỗ trợ DN vùng nông thôn đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt là các cơ sở có sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm CNNT tiêu biểu, có nhiều lao động đạt danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị, nâng chất cho CNNT của Đồng Nai.
Văn Gia