Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, hàng hóa ngoại nhập, nhất là một số mặt hàng thực phẩm, gia dụng có nguồn hàng giới hạn hơn, một số chi phí về kho bãi, vận chuyển, nhân công tăng lên.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, hàng hóa ngoại nhập, nhất là một số mặt hàng thực phẩm, gia dụng có nguồn hàng giới hạn hơn, một số chi phí về kho bãi, vận chuyển, nhân công tăng lên.
Sản phẩm của Lothamilk ngày càng được mở rộng các kênh phân phối trong cả nước Trong ảnh: Quy trình sản xuất sữa tươi thanh trùng tại nhà máy sữa của Công ty CP Lothamilk (TP.Biên Hòa) |
Đây là cơ hội để hàng hóa Việt giữ vững và phát triển thị trường nếu có chính sách về giá và nguồn lực đủ mạnh…
* Người tiêu dùng quan tâm tới hàng Việt nhiều hơn
Theo đại diện một số siêu thị, do lượng hàng nhập khẩu bị giới hạn hơn trước đây vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với việc lượng hàng trong nước dồi dào, ngày càng có chất lượng tốt, mẫu mã bắt mắt hơn nên hàng Việt được người tiêu dùng quan tâm, sử dụng nhiều hơn.
Ông Trang Phúc, đại diện Tổ Marketing của Co.opmart Biên Hòa cho biết, khoảng gần 1 tháng qua, siêu thị tạm ngưng nhập thêm hàng đối với các mặt hàng ngoại nhập như: thực phẩm, nhu yếu phẩm, nông sản... do những tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc cung ứng các sản phẩm này. Trong khi đó, siêu thị tăng cường cung ứng nhiều sản phẩm Việt cùng loại. Thời gian này, nhu cầu sử dụng hàng Việt của người tiêu dùng cũng có nhiều chuyển biến, nhất là đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm...
Tương tự, ông Nguyễn Lê Cao Tuấn, Giám đốc Lotte Mart Đồng Nai cho hay, nhu cầu mua sắm các mặt hàng Việt trong thời điểm dịch bệnh ngày càng cao. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới các loại sữa Việt, thực phẩm nội địa... hơn các sản phẩm cùng loại ngoại nhập. Bởi, nguồn cung ứng các sản phẩm trong nước khá dồi dào, ngày càng được nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì…
Đối với người tiêu dùng, thời gian giãn cách xã hội vừa qua cũng là dịp để người dân có thêm những góc nhìn, đánh giá về hàng Việt. Chị Trúc Lê, nhân viên văn phòng ở P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) cho hay, lúc trước, chị hay sử dụng hàng ngoại nhập vì tâm lý nghĩ hàng ngoại là cao cấp, chất lượng. Thế nhưng, sau đợt đại dịch này, việc mua hàng ngoại khá bất tiện vì khan hàng, giá cao do các chi phí đều tăng, khiến chị thay đổi thói quen lựa chọn hàng Việt Nam.
“Trong đợt giãn cách xã hội vừa qua, tôi thường chọn mua hàng ở các siêu thị nhiều hơn và biết đến những thương hiệu Việt Nam chất lượng ở mọi ngành hàng, từ thực phẩm ăn uống cho đến thời trang, mỹ phẩm. Từng sử dụng nhiều mặt hàng ngoại nhập nên tôi biết, hàng hóa Việt Nam hiện nay không hề thua kém hàng hóa quốc tế về cả chất lượng lẫn sự đa dạng” - chị Trúc Lê chia sẻ thêm.
Chị Nguyễn Thị Thanh Phương, người dân ở P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi đã cho con dùng các loại sữa ngoại nhập từ nhỏ. Tuy nhiên, trước tình hình giá cả sữa ngoại lúc thì tăng cao, lúc thì không có hàng nên tôi chuyển sang dùng sữa nội cho ổn định. Giá thành sữa nội hợp lý mà nguồn cung lại dồi dào, không phải lo chuyện sữa giả - thật nhiều như khi mua hàng ngoại”.
* Doanh nghiệp xây dựng phương án “hậu Covid-19”
Để thương hiệu Việt ngày càng đứng vững trên “sân nhà” và là ưu tiên lựa chọn hàng đầu của người Việt, các doanh nghiệp cần dành sự đầu tư nghiêm túc và đúng mức cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, các doanh nghiệp tận dụng ưu thế sản phẩm Việt sẵn có để sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước.
Bà Chu Hải Yến, đại diện Công ty CP Lothamilk (TP.Biên Hòa) nhận định, đối với thị trường sữa trong nước, nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng ổn định từ Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, nhu cầu thực phẩm của người dân có xu hướng tăng. Khó khăn lớn nhất của công ty trong giai đoạn hiện nay là nguồn nguyên liệu đầu vào, giá nguyên liệu tăng.
Bà Yến cho biết thêm, Lothamilk sẽ triển khai phương án cân đối sản xuất, đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường trong thời gian tới. Đồng thời, công ty sẽ tiếp tục phát triển các kênh phân phối rộng khắp trên cả nước, tập trung vào thị trường nội địa với những sản phẩm đảm bảo chất lượng, mẫu mã bắt mắt, tiện dụng được sản xuất theo dây chuyền hiện đại để tận dụng lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Tương tự, ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh (TP.Biên Hòa) - chuyên sản xuất các mặt hàng nệm, phôi nệm chia sẻ, trong bối cảnh dịch Covid-19, giá nguyên liệu giảm nhưng nhu cầu thị trường bị ít hơn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Hiện nay, khi tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến khả quan, tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu có nhiều tín hiệu tích cực, công ty sẽ chủ động cơ cấu lại hoạt động sản xuất dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường. Công ty cũng sẽ làm việc lại với các đối tác, nhà phân phối tìm ra giải pháp tối ưu nhất để phát triển bền vững cho giai đoạn sau.
Theo Bộ Công thương, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp, nhất là khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Do đó, việc tìm giải pháp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu khi dịch bệnh qua đi là rất quan trọng, đặc biệt là việc tận dụng những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Đại diện Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động nắm bắt thông tin, thay đổi tư duy kinh doanh, thích ứng với các thông lệ quốc tế để có hướng phát triển phù hợp với thị trường, tận dụng được các cơ hội từ các FTA, trong đó có hiệp định EVFTA vừa được Hội đồng châu Âu chính thức thông qua vào cuối tháng 3 vừa qua.
Lam Phương