Hiện nay, Chính phủ, các địa phương đang triển khai các giải pháp để kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Hiện nay, Chính phủ, các địa phương đang triển khai các giải pháp để kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Dù hoạt động kinh tế đang từng bước được tái khởi động song theo nhiều DN, hiệp hội DN, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước vẫn chưa thực sự “chạm” tới tất cả DN bởi vướng nhiều quy định.
Cộng đồng doanh nghiệp cần thêm chính sách hỗ trợ mạnh hơn từ Nhà nước để hoạt động sản xuất trở lại ổn định như trước đây. Trong ảnh: Công nhân một doanh nghiệp ở KCN Amata trong dây chuyền sản xuất (Ảnh minh họa) |
Trước thềm hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với DN được tổ chức vào hôm nay 9-5, cộng đồng DN cần một cam kết mạnh mẽ hơn, giải pháp hỗ trợ mạnh hơn từ Chính phủ để đồng hành cùng DN vực dậy sản xuất, kinh doanh.
* Chật vật tìm cách vượt khó
Tại Công ty TNHH Cơ điện Triệu Lê Đồng Nai, ngay từ sau Tết đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Do DN này sản xuất tủ hàn điện, gia công mạ kẽm nhúng nóng cho các công trình xây dựng, dịch bệnh khiến cho các công trình phải giãn hoặc ngưng hoạt động nên ảnh hưởng đến đơn hàng của công ty, sản phẩm làm ra cũng không tiêu thụ được.
Tình hình nói trên buộc công ty áp dụng chính sách 1 tuần làm việc 4 ngày để tiết kiệm chi phí cho công ty, một phần chia sẻ khó khăn với người lao động. Đặc biệt từ ngày 1-4 đến 15-4, người lao động tại công ty được nghỉ 2 tuần và được DN trả 30% lương.
Khối lượng công việc của Công ty TNHH Cơ điện Triệu Lê Đồng Nai từ đầu năm đến nay sụt giảm 80% cũng đồng nghĩa với việc doanh thu của DN này giảm tương ứng. Lãnh đạo công ty cho hay, dù hiện nay các DN, đối tác đã đi vào sản xuất trở lại nhưng trong một khoảng thời gian tới, nhu cầu sản phẩm chắc chắn sẽ chưa đạt được sản lượng như trước. Thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh, việc gồng gánh kéo dài cũng khiến cho công ty phải cần nhiều thời gian để hồi phục.
Tương tự, ngành vận tải hàng hóa bị ảnh hưởng nặng nề trong dịch, nguyên nhân là hoạt động của lĩnh vực này gắn liền với sản xuất, kinh doanh của các DN. Tuy bị ảnh hưởng nặng song nhiều DN vận tải vẫn chật vật duy trì hoạt động. Một mặt đảm bảo việc làm cho người lao động, giữ chân khách hàng, mặt khác đảm bảo sự lưu thông hàng hóa thuận tiện phục vụ sản xuất, kinh doanh của các DN.
“Trong khó khăn, chúng tôi vẫn duy trì hoạt động của 50% công việc so với thường ngày. Mặc dù bị ảnh hưởng nhiều nhưng DN luôn cố gắng, tiết giảm tối đa chi phí liên quan để giữ vững hoạt động chung. Nền kinh tế đã tái khởi động, DN cũng đang tái triển khai những dự định của mình song cho tới hiện tại vẫn chưa thể trở lại trạng thái bình thường” - ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát, chuyên vận tải hàng bằng container, dịch vụ xuất nhập khẩu chia sẻ.
* Cần tăng thêm các giải pháp hỗ trợ
Theo Hiệp hội DN Đồng Nai, việc triển khai các giải pháp hỗ trợ hiện nay của Chính phủ là rất tốt, song so với tình hình thực tế của nhiều DN thì vẫn chưa thực sự phù hợp. Đơn cử như vấn đề giãn tiền thuê đất, chủ yếu là áp dụng cho các DN thuê đất trực tiếp với Nhà nước, trong khi đó, hầu hết các DN trên địa bàn là nhỏ và vừa lại thuê đất từ các công ty kinh doanh hạ tầng trong khu công nghiệp, hoặc thuê lại nhà xưởng nên không được hưởng chính sách này.
“Qua khảo sát các DN cho thấy, Chính phủ chủ trương các ngân hàng sắp xếp 250 ngàn tỷ đồng để DN vay vốn với lãi suất ưu đãi, khắc phục khó khăn, nhưng quy định của ngành là DN vẫn phải đạt điều kiện vay tín dụng, tức là phải có tài sản để thế chấp, mà trong bối cảnh dịch bệnh, khánh kiệt nguồn lực, đây là điều rất khó đáp ứng” - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện cho hay.
Tương tự, hàng trăm ngàn ý kiến DN trên cả nước đã gửi về Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) để đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn. VCCI đã tập hợp ý kiến, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, triển khai thêm các giải pháp để hỗ trợ DN.
Cụ thể, theo VCCI, Nghị định 41/2020/NĐ-CP quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất với thời gian tối đa là 5 tháng là chưa đủ, đề nghị kéo dài thời gian gia hạn lên 12 tháng. Thực tế khảo sát của VCCI cho thấy nếu dịch bệnh kéo dài hơn 1 năm thì 80% DN phải ngừng sản xuất, kinh doanh. Khi đó, việc giãn cách thời hạn nộp thuế chưa có tác dụng hỗ trợ tích cực vì DN ngừng hoạt động sẽ không phát sinh doanh thu, thu nhập DN, thu nhập cá nhân.
Ngoài chính sách giãn thời hạn nộp, cộng đồng DN cũng đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép miễn giảm 50% tiền thuê đất, 50% thuế giá trị gia tăng (GTGT), 50% thuế thu nhập DN, tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân. Thời gian áp dụng cho năm 2020. Nhiều DN cho rằng đây là giải pháp hiệu quả, thiết thực và cấp bách nhất hiện nay.
Bên cạnh đó, dù dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát tại Việt Nam nhưng trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Do đó, Chính phủ xem xét việc giãn thời hạn nộp thuế xuất khẩu đến cuối năm 2020 để tạo điều kiện cho DN có thêm nguồn vốn phục vụ hoạt động xuất khẩu. Đồng thời, hoàn thuế GTGT cho một số ngành bị ảnh hưởng nặng, trực tiếp bởi dịch Covid-19 như: ngành hàng không, du lịch, vận tải…
Vương Thế