(ĐN) - Theo Sở TN-MT, tính đến quý II-2020, trên địa bàn tỉnh có 7 khu xử lý (KXL) chất thải đang hoạt động với 9 dự án tiếp nhận, xử lý chất thải. Trong đó, có 6 KXL có hạng mục xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thông thường và công nghiệp nguy hại.
(ĐN) - Theo Sở TN-MT, tính đến quý II-2020, trên địa bàn tỉnh có 7 khu xử lý (KXL) chất thải đang hoạt động với 9 dự án tiếp nhận, xử lý chất thải. Trong đó, có 6 KXL có hạng mục xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thông thường và công nghiệp nguy hại.
Về tình hình hoạt động, KXL chất thải ở xã Tây Hòa (H.Trảng Bom) của Công ty Tài Tiến đã đầu tư dây chuyền phân loại và lò đốt rác sinh hoạt, công suất 100 tấn/ngày nhưng chưa tiếp nhận rác; KXL chất thải ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất) của Công ty CP Dịch vụ Sonadezi hiện đang tiếp nhận, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, khối lượng khoảng 800 tấn/ngày để phân loại, tái chế thành phân compost; KXL ở xã Xuân Mỹ của Công ty TNHH Thương mại môi trường Thiên Phước (H.Cẩm Mỹ) đã đầu tư dây chuyền phân loại, lò đốt chất thải sinh hoạt, công suất 72 tấn/ngày, tuy nhiên hiện tại đang vận hành thử nghiệm nên tiếp nhận khoảng 30 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày và xử lý bằng phương pháp đốt.
Bên cạnh đó, KXL chất thải ở xã Bàu Cạn (H.Long Thành) của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Phúc Thiên Long đang tiếp nhận, xử lý chất thải rắn sinh hoạt địa bàn H.Nhơn Trạch, xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh; KXL chất thải ở xã Xuân Tâm (H.Xuân Lộc) của Công ty TNHH Cù Lao Xanh đang tiếp nhận khoảng 75 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày, xử lý bằng phương pháp chôn lấp và đốt.
Tại KXL chất thải ở xã Túc Trưng (H.Định Quán) của Công ty CP Thương mại xây dựng Đa Lộc, hiện đang tiếp nhận khoảng 90 tấn chất thải sinh hoạt/ngày và xử lý bằng phương pháp sản xuất compost và đốt. Riêng KXL chất thải ở xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) của Công ty CP Môi trường Sonadezi đang đầu tư dây chuyền sản xuất compost, công suất 450 tấn/ngày, dự kiến hoạt động quý II-2020.
Theo Sở TN-MT, hiện tỉnh đang đốc thúc các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ lắp ráp và đưa vào vận hành dây chuyền xử lý rác sinh hoạt tại các KXL; nâng công suất hoạt động của các dây chuyền xử lý rác theo quyết định được phê duyệt. Mục tiêu của tỉnh đến hết năm 2020 là thu gom và xử lý chất thải y tế đạt 100%, chất thải nguy hại đạt 100%, chất thải công nghiệp không nguy hại đạt 100%, chất thải rắn sinh hoạt đạt 100%; trong đó, đảm bảo tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không quá 15%.
Lê An