Báo Đồng Nai điện tử
En

Sớm luật hóa hộ kinh doanh cá thể

09:04, 16/04/2020

Việt Nam hiện có hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Đây là loại hình kinh doanh tương đối quan trọng trong nền kinh tế, song công tác quản lý, phát triển hộ kinh doanh cá thể vẫn chưa thật sự chặt chẽ.

Việt Nam hiện nay có hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, đây là loại hình kinh doanh tương đối quan trọng trong nền kinh tế. Mặc dù vậy, so với doanh nghiệp (DN), công tác quản lý, phát triển hộ kinh doanh cá thể trong những năm qua chưa thật sự chặt chẽ.

Hộ kinh doanh cá thể hiện thiếu hành lang pháp lý để quản lý và phát triển. Trong ảnh: Sản xuất cơ khí tại một hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn TP.Biên Hòa
Hộ kinh doanh cá thể hiện thiếu hành lang pháp lý để quản lý và phát triển. Trong ảnh: Sản xuất cơ khí tại một hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: V.Gia

Trong vấn đề xây dựng Luật DN mới, việc luật hóa hộ kinh doanh cá thể vào Luật DN cũng đang được Quốc hội cân nhắc.

* Số lượng nhiều, khó quản lý

Theo thống kê, Việt Nam hiện nay có hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và chiếm tới 30% GDP, là bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Tuy có vị trí như vậy, song trên thực tế, hộ kinh doanh cá thể vẫn chưa được thừa nhận vị trí pháp lý bằng cách luật hóa, mà chỉ mới có một nghị định điều chỉnh hoạt động. Chính việc bỏ ngỏ này mà cho đến nay, sau 20 năm, vẫn chưa có đánh giá chính xác về nguồn lực tài chính, nhân sự, đóng góp... của khu vực này.

Việc thiếu chặt chẽ của các căn cứ pháp lý cũng gây khó khăn trong công tác quản lý hộ kinh doanh. Theo quy định, các hộ kinh doanh nộp thuế theo hình thức thuế khoán. Trong đó, riêng những hộ kinh doanh tự xác định mức thu nhập hằng năm dưới 100 triệu đồng thì được miễn thuế. Đây là vấn đề khá nan giải, bởi đối với thuế khoán tại cơ sở có vai trò lớn của hội đồng tư vấn thuế của xã, phường. Nếu hội đồng tư vấn thuế ở các xã, phường làm việc công tâm, nghiêm túc thì mức khoán sẽ sát với thực tế. Ngược lại, nếu thiếu khách quan thì sẽ dẫn đến thất thoát thuế. Bởi thực tế hiện nay, rất nhiều hộ kinh doanh có quy mô ngang, thậm chí lớn hơn DN nhỏ, siêu nhỏ nhưng việc thực hiện nghĩa vụ thuế lại không chặt chẽ.

Tại Đồng Nai, địa phương năng động trong phát triển kinh tế, số lượng hộ kinh doanh theo ước tính cũng lên đến trên 150 ngàn hộ. Song theo ngành Thuế, giá trị nộp ngân sách thông qua cơ quan thuế chỉ chiếm trên 2% trong tổng thu ngân sách địa phương. Công tác quản lý đối với hộ kinh doanh vì thế, chưa được chặt chẽ trong khi số lượng lớn hơn rất nhiều loại hình DN.

Bên cạnh đó, dù có số lượng lớn hộ kinh doanh cá thể có thể tạo nguồn phát triển lên DN nhưng chưa đạt như mong đợi. Chị Nguyễn Thuận, chủ một cửa hàng kinh doanh thời trang trên đường Nguyễn Khuyến (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay, khi lên DN thì hộ cá thể sẽ hoạt động chuyên nghiệp hơn, tuy nhiên cơ sở của chị chỉ có vài nhân viên, hơn nữa việc kinh doanh chủ yếu qua hình thức online nên chưa thích hợp. “Khi hệ thống phát triển, có thêm các chi nhánh thì việc đăng ký công ty sẽ hợp lý hơn” - chị Nguyễn Thuận khẳng định.

Tương tự, anh Trần Tuấn, một cơ sở gia công cơ khí, chế tác khuôn mẫu (TP.Biên Hòa) cho biết, ngành nghề của anh phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu của khách hàng, không phải lúc nào cũng có đơn hàng để gia công. Nếu lập công ty, phải tuân thủ các quy định khắt khe hơn của pháp luật trong khi doanh thu chưa được nhiều sẽ gặp khó khăn.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Cục Thuế Đồng Nai, thực tế rất nhiều hộ kinh doanh dù có doanh thu lớn, đội ngũ nhân công đông đảo nhưng vẫn chọn mô hình kinh doanh hộ gia đình. Do các thủ tục nâng cấp còn phức tạp khiến các cơ sở kinh doanh này không muốn chuyển đổi. Còn Sở KH-ĐT cũng đã phối hợp các địa phương, hướng dẫn các hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi sang loại hình DN để phát triển chuyên nghiệp, bài bản hơn, song kết quả chưa như mong đợi.

* Cần sớm “luật hóa” hộ kinh doanh cá thể

Dự thảo Luật DN (sửa đổi) đang được lấy ý kiến và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (giữa năm 2020). Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, nên sớm luật hóa chặt chẽ đối với loại hình hộ kinh doanh cá thể để tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý cũng như sự phát triển của loại hình này.

Theo TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, việc luật hóa quản lý hộ kinh doanh sẽ giải tỏa được “điểm nghẽn pháp lý” quan trọng và được xem là dấu ấn lập pháp lớn về DN của Quốc hội trong nhiệm kỳ này.

Trên thực tế, hộ kinh doanh không phải là đối tượng “nằm ngoài luật” hay chưa được luật điều chỉnh, mà đã được đề cập đến cả trong 3 Luật DN (các năm 1999, 2005 và 2014). Tuy nhiên, vì các luật này chỉ giao cho Chính phủ quy định chi tiết, cho nên có thể coi như Luật DN tuy có điều chỉnh nhưng vẫn không khác nhiều so với các nghị định cũ. Trong khi đó, có nhiều quy định phải được thể chế hóa rõ ràng bằng luật. Việc đưa chế định về hộ kinh doanh (thực chất là một loại hình DN siêu nhỏ) vào Luật DN cần sớm được làm ngay, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh được phát triển một cách lành mạnh, hiệu quả, đóng góp cho nền kinh tế.

Ông Bùi Thanh Tiền, Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư Asadona (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) - đơn vị chuyên cung cấp giải pháp tư vấn, quản lý DN - thì hộ kinh doanh hiện nay được thành lập, hoạt động không khác gì DN nhưng lại quản lý khá lỏng lẻo và thậm chí bất công so với DN tư nhân.

“Hộ kinh doanh hiện nay không khác gì DN tư nhân. Luật DN cũng cho phép công ty TNHH MTV do cá nhân làm chủ. Vẫn có những hộ kinh doanh lớn, sử dụng nhiều lao động và doanh thu rất lớn. Do đó, cần đưa vào Luật DN để quản lý chính thức, quản lý chất lượng hàng hóa dịch vụ, và chống thất thu thuế. Ngoài ra, cũng làm giảm bất công cho nhóm DN siêu nhỏ” - ông Bùi Thanh Tiền nhận định.

Cũng theo ông Bùi Thanh Tiền, ngoài việc quy định rõ ràng trong Luật DN thì nếu muốn chặt chẽ hơn, nên ban hành một luật riêng cho hộ kinh doanh cá thể, không chỉ dựa vào nghị định, thông tư. Tuy nhiên, để có luật riêng cần phải có thời gian và không chồng chéo với các luật khác.

Văn Gia

Tin xem nhiều