Do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, hàng loạt dự án trên địa bàn tỉnh đang rơi vào tình trạng không thể thi công hoặc thi công cầm chừng vì thiếu mặt bằng sạch.
Do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, hàng loạt dự án trên địa bàn tỉnh đang rơi vào tình trạng không thể thi công hoặc thi công cầm chừng vì thiếu mặt bằng sạch.
Dự án kè gia cố bờ sông Đồng Nai (đoạn từ khu dân cư dọc sông Rạch Cát đến Nhà máy xử lý nước thải số 2, P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cũng đang gặp khó vì thiếu mặt bằng. Ảnh: P.Tùng |
* Dự án ì ạch nằm chờ
Một trong những dự án đang phải nằm chờ mặt bằng là dự án Tuyến thoát nước từ KCN Nhơn Trạch 1 ra rạch Bà Ký (giai đoạn 1), H.Nhơn Trạch được khởi công từ tháng 1-2018. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm kể từ ngày khởi công, đến nay, nhà thầu vẫn chưa thể thi công được bất kỳ hạng mục nào của dự án này. Nguyên nhân là do đến thời điểm này, H.Nhơn Trạch vẫn chưa thể bàn giao được mặt bằng cho đơn vị thi công.
Để thực hiện dự án Tuyến thoát nước từ KCN Nhơn Trạch 1 ra rạch Bà Ký, H.Nhơn Trạch phải thực hiện thu hồi đất của 42 hộ dân (có 2 hộ dân có tài sản trên đất). Đến nay, H.Nhơn Trạch đã phê duyệt phương án bồi thường cho tất cả các hộ dân thuộc phạm vi dự án, trong đó có 25 hộ dân đã nhận tiền đền bù nhưng chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Các hộ dân còn lại hiện chưa nhận tiền đền bù và không bàn giao mặt bằng do đang có khiếu kiện về đơn giá bồi thường.
Theo ông Trần Văn Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, đối với 2 dự án trọng điểm nhóm A trên địa bàn TP.Biên Hòa là dự án Đường ven sông Cái (đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản) và dự án Đường trục trung tâm TP.Biên Hòa (đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn), để rút ngắn thời gian thực hiện sẽ áp dụng chính sách có 2 chủ đầu tư đối với một chủ trương đầu tư. Cụ thể, khác với các dự án khác, việc thực hiện giải phóng mặt bằng và thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được thực hiện song song. Do đó, thay vì phải mất khoảng 220 ngày để Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh lập và trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án rồi TP.Biên Hòa mới thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thì 2 công việc này sẽ được bắt đầu thực hiện cùng thời điểm nhằm đẩy nhanh tiến độ. |
Trong khi đó, tại TP.Biên Hòa, dự án chống ngập khu vực các suối Chùa, Bà Lúa và Cầu Quan nhằm mục tiêu giải quyết tình trạng ngập lụt khi có mưa lớn thường xuyên xảy ra trên địa bàn các phường Long Bình, Long Bình Tân, Phước Tân, An Hòa theo dự kiến sẽ được khởi công xây dựng từ năm 2018 và hoàn thành vào năm 2020. Thế nhưng, đến nay, dự án này vẫn chưa thể khởi công thực hiện do TP.Biên Hòa chưa bàn giao được mặt bằng cho chủ đầu tư. “Đây là dự án chống ngập nên việc thi công chỉ có thể triển khai vào mùa khô. Tuy nhiên, đến nay do chưa có mặt bằng nên đơn vị chưa thể khởi công được. Nếu kéo dài, mùa mưa tới tình hình ngập lụt tại các phường này vẫn sẽ rất căng thẳng” - ông Trần Văn Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, chủ đầu tư dự án cho hay.
Cũng theo ông Thanh, hiện nay, hàng loạt dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư cũng đang gặp khó khăn trong việc triển khai thi công do thiếu mặt bằng. Các dự án này chủ yếu tập trung trên địa bàn của 3 địa phương là TP.Biên Hòa, H.Long Thành và H.Nhơn Trạch. “Các dự án gặp khó về mặt bằng chủ yếu là dự án về giao thông, thoát nước. Việc thiếu mặt bằng khiến tiến độ thi công bị chậm trễ, ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công mà đơn vị được giao” - ông Trần Văn Thanh cho biết.
* Nhanh chóng tìm giải pháp gỡ khó
Thực tế, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng khiến tiến độ thực hiện các dự án bị chậm trễ là vấn đề đã tồn tại lâu nay, nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ.
Trước tình hình đó, để đảm bảo tiến độ các dự án, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương phải đưa ra các giải pháp cụ thể đối với công tác giải phóng mặt bằng.
Bà Nguyễn Thị Giang Hương, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch cho biết, địa phương cũng đã phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh để kịp thời nắm bắt tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, địa phương cũng đang tiến hành rà soát cụ thể đối với từng dự án một để có hướng xử lý cụ thể. “H.Nhơn Trạch đang tiến hành rà soát từng dự án một để có hướng xử lý chứ không làm chung chung. Về giải pháp, ưu tiên vẫn là tuyên truyền, vận động nhưng đối với những trường hợp chây ì, kéo dài huyện sẽ tiến hành cưỡng chế” - bà Nguyễn Thị Giang Hương cho biết.
Tương tự, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cũng đã tiến hành làm việc với các địa phương có nhiều dự án đang triển khai như TP.Biên Hòa, H.Long Thành để phối hợp tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Ông Lê Văn Tiếp, Phó chủ tịch UBND H.Long Thành cho biết, hiện nay, địa phương đang tập trung tối đa cho công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án, trong đó đặc biệt ưu tiên đối với các dự án trọng điểm như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Hệ thống thoát nước khu vực suối Nước Trong.
“Dự án Hệ thống thoát nước khu vực suối Nước Trong cũng là dự án gặp nhiều khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng. Hiện địa phương đang trình tỉnh phê duyệt giá đất để hoàn thiện phương án bồi thường đối với hơn 20 hộ dân cuối cùng trong vùng dự án. Dự kiến trong tháng 5 tới sẽ hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án này” - ông Lê Văn Tiếp cho biết.
Phạm Tùng