Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành du lịch 'gồng mình' chờ hết dịch

04:04, 25/04/2020

Theo nhận định của một số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh, nếu tình hình dịch Covid-19 được khống chế, ngành du lịch sẽ là ngành hồi phục sau cùng bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố...

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ đầu năm đến nay, ngành du lịch Đồng Nai đang phải chịu thiệt hại khá nặng. Theo nhận định của một số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh, nếu tình hình dịch bệnh được khống chế, ngành du lịch cũng sẽ là ngành hồi phục sau cùng bởi còn phụ thuộc vào dịch vụ lữ hành, đời sống kinh tế và nhu cầu hưởng thụ của người dân.

Khách tham quan Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú) trước thời điểm giãn cách xã hội. Ảnh: N. Liên
Khách tham quan Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú) trước thời điểm giãn cách xã hội. Ảnh: N. Liên

Để có thể duy trì và khôi phục sau những thiệt hại nặng nề do phải đóng cửa hoàn toàn các dịch vụ trong suốt thời gian dịch bệnh, các doanh nghiệp du lịch vẫn đang có những giải pháp bảo dưỡng, cải tạo, giữ gìn cảnh quan tại các điểm, khu du lịch (KDL) để có thể mở cửa trở lại sau khi dịch bệnh qua đi.

* Không doanh thu vẫn duy trì, bảo dưỡng

Sau gần 1 tháng hoàn toàn đóng cửa thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị của Chính phủ nhằm đối phó với dịch Covid-19, doanh thu của các doanh nghiệp du lịch hầu hết đều bằng không. Dù không có doanh thu nhưng các khu, điểm du lịch vẫn phải duy trì việc bảo dưỡng, chăm sóc cảnh quan để duy trì, sẵn sàng phục vụ khách du lịch trở lại.

KDL Vườn Xoài (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) có diện tích trên 50ha với rất nhiều cảnh quan được tạo nên để phục vụ du khách tham quan. Ngoài ra, nơi đây còn nuôi dưỡng nhiều loài chim, thú quý hiếm được nhập về từ nhiều nơi trên thế giới như: hồng hoàng, chim công đông dương, đại bàng, giang sen, linh dương, gấu ngựa, hổ Bengal, tê giác, ngựa vằn, sư tử, voi, cá sấu... Do đó, trong suốt thời gian đóng cửa, KDL Vườn Xoài vẫn phải duy trì công việc chăm sóc, nuôi dưỡng các loài động vật cũng như cảnh quan. Theo đại diện của KDL Vườn Xoài, thời gian qua, KDL vẫn đang phải gánh một khoản chi phí không nhỏ trả lương nhân viên cũng như mua thức ăn cho các loài động vật trong KDL...

Cũng khó khăn tương tự, các KDL lớn khác trong tỉnh vẫn phải bỏ chi phí khá lớn cho việc duy trì và bảo dưỡng cảnh quan như: KDL Bửu Long (TP.Biên Hòa), KDL Giang Điền (H.Trảng Bom), KDL Bò Cạp Vàng (H.Nhơn Trạch)... Ông Phạm Châu An, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư du lịch Suối Mơ cho biết, trước khó khăn do dịch bệnh, KDL Suối Mơ phải đóng cửa nhưng công ty vẫn phải duy trì việc bảo dưỡng, chăm sóc cây cối, cảnh quan và bảo đảm chi trả đủ lương cho nhân viên đang làm việc.

“Tất cả các doanh nghiệp du lịch hiện nay đều phải đối mặt với những khó khăn để chờ dịch đi qua. Ngoài việc được giảm và gia hạn thời gian đóng thuế, các doanh nghiệp đang rất muốn được tiếp cận với chương trình vay vốn ưu đãi của Chính phủ mới ban hành nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19” - ông Phạm Châu An nói.

* Du lịch sinh thái vườn chuẩn bị phục vụ du khách

Đồng Nai đang phát triển khá mạnh mô hình du lịch sinh thái vườn, tập trung chủ yếu tại TP.Long Khánh, các huyện Tân Phú, Xuân Lộc... Đây cũng là những địa phương được xem là vựa trái cây của tỉnh. Du lịch sinh thái vườn thường rộ vào thời điểm từ tháng 5 đến tháng 9 (là thời điểm nhiều loại trái cây vào vụ), do đó, các nhà vườn phải chuẩn bị để đón du khách tham quan.

Dù diễn biến dịch bệnh Covid-19 khó dự đoán nhưng năm nay các nhà vườn vẫn đang đầu tư chăm sóc vườn cây, tạo cảnh quan, khu vui chơi để phục vụ khách du lịch. Ông Huỳnh Vũ Bảo Giang, Tổ trưởng Tổ hợp tác Du lịch sinh thái vườn Bình Lộc (TP.Long Khánh) cho biết, năm nay, tổ hợp tác có 13 điểm đón khách tham quan, các điểm đón khách sẽ liên kết với khoảng 90 hộ dân cùng tham gia. Ngoài Bình Lộc, trên địa bàn TP.Long Khánh những năm gần đây phát triển mạnh mô hình du lịch sinh thái vườn tại các xã, phường như: Xuân Lập, Hàng Gòn, Bảo Quang... Các khu vườn làm du lịch sinh thái ở đây đang được đầu tư ngày càng bài bản với các loại trái cây đặc sản khá phong phú như: chôm chôm, măng cụt, mít, bòn bon... Du khách đến tham quan du lịch vườn rất thích thú khi được hái trái cây và thưởng thức tại vườn, vừa có thể mua mang về.

Mặc dù chưa thể xác định được thời điểm cụ thể mở cửa đón khách trở lại, song các chủ vườn, hộ dân tham gia mảng du lịch vườn đều đang trong tâm thế sẵn sàng để có thể quay lại nhịp hoạt động bình thường ngay khi dịch bệnh được đẩy lùi và Việt Nam không còn phải giãn cách xã hội.

Chia sẻ về những khó khăn của ngành du lịch, ông Nguyễn Minh Thức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng Nai cho biết, hiệp hội đang rà soát, ghi nhận những khó khăn của các doanh nghiệp để kiến nghị lên các cấp lãnh đạo nhằm sớm có hướng hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh có điều kiện khắc phục khó khăn, sớm hồi phục sau khi hết dịch, đặc biệt là việc tiếp cận các gói hỗ trợ từ Chính phủ, áp dụng giảm và giãn thời gian đóng các khoản thuế, phí.

Đồng Nai hiện có hơn 20 khu, điểm du lịch. Trong quý I-2020, tổng lượt khách đến tham quan và lưu trú ước đạt 940 ngàn lượt, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu dịch vụ du lịch đạt 361 tỷ đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ.

Theo kế hoạch phát triển du lịch năm 2020 của UBND tỉnh, Đồng Nai sẽ chú trọng phát huy các giá trị di tích và sản phẩm thủ công truyền thống gắn với hoạt động du lịch để phục vụ khách du lịch, khuyến khích và tạo điều kiện cho các sản phẩm dịch vụ mới như: dù lượn, thuyền buồm, các môn thể thao phối hợp, đua xe đạp tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Thác Mai - Bàu nước sôi, núi Chứa Chan... Tập trung nâng cao chất lượng du lịch sinh thái vườn, du lịch cộng đồng tại các địa phương trong tỉnh.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích